Chợ ướt - văn hóa độc đáo ở châu Á - đang bị "hàm oan" vì Covid-19 như thế nào?

Thúy |

Cần ngăn chặn việc buôn bán trái phép động vật hoang dã chứ không phải xóa sổ loại hình chợ tươi sống nếu muốn chặn đại dịch - theo CNN.

Gần đây, thuật ngữ chợ thực phẩm tươi sống (hay "chợ ướt") đang được một số người phương Tây đồng nhất với Covid-19 - dịch bệnh đã lây lan cho hơn 2.7 triệu người trên toàn cầu. Lý do là bởi loại virus này được cho là có nguồn gốc từ một khu chợ hải sản ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc, nơi các động vật hoang dã như nhím và hươu bị bán và giết mổ để làm thức ăn hay thuốc.

Trả lời trên Fox News vào ngày 3/4, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm, giám đốc viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Anthony Fauci bày tỏ quan điểm rằng các khu chợ tươi sống này cần phải được "đóng cửa ngay lập tức". Ông không hiểu lý do tại sao những địa điểm này vẫn được hoạt động.

Trái ngược với "chợ khô" - nơi bán những loại mặt hàng có thể bảo quản được lâu như ngũ cốc hay các sản phẩm gia dụng, "chợ ướt" cung cấp nhiều sản phẩm tươi sống, và không phải khu chợ ướt nào cũng bán động vật sống. Sở dĩ được gọi là "chợ ướt" là bởi sàn các khu vực này thường bị ẩm ướt do những người buôn rửa trực tiếp các sản phẩm của mình tại chợ.

Các chuyên gia cho biết, các chợ tươi sống bán động vật có thể tạo điều kiện cho sự lây lan nguy hiểm của virus từ động vật sang người. Lý do là bởi không gian chật và các khu vực thường thiếu vệ sinh, đặc biệt nếu khu chợ buôn bán những động vật quý hiếm hoặc hoang dã.

Ví dụ, dịch SARS năm 2003 có liên quan đến việc buôn bán cầy hương ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Tuy nhiên, hầu hết các khu chợ tươi sống không phải là những nơi sẵn chứa những động vật hoang dã. Đối với phần lớn người Trung Quốc và người dân khắp châu Á, đó chỉ là nơi để mua bán thực phẩm tươi sống, như thịt gà, thịt lợn, cá và rau, với giá cả phải chăng.

Chợ ướt - văn hóa độc đáo ở châu Á - đang bị hàm oan vì Covid-19 như thế nào? - Ảnh 1.

Quang cảnh bên trong của một khu chợ bán đồ tươi sống ở Philippines

Lỗ hổng buôn bán trái phép động vật hoang dã trị giá hàng tỷ đô

Chợ tươi sống là một khái niệm không chỉ phổ biến ở Trung Quốc Đại lục mà còn trên khắp châu Á.

Tại Hồng Kông có mạng lưới chợ tươi sống rộng khắp - nơi có hàng ngàn người dân địa phương mua sắm thịt, rau, cá,… hàng ngày. Các khu chợ như vậy cũng hiện diện khắp nơi ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Chỉ có một số rất ít nơi tiêu thụ động vật hoang dã.

Tuy nhiên, cũng có một số khu chợ tươi sống có thể lợi dụng các "lỗ hổng" để buôn bán động vật hoang dã. Những lỗ hổng như vậy, theo báo cáo năm 2017 của chính phủ Trung Quốc, có trị giá tới hơn 73 tỷ USD.

Tuy nhiên việc buôn bán động vật hoang dã không phải là chính thống. Việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã là không phổ biến, đặc biệt ở những thành phố lớn. Người mua hàng thường phải đến những địa điểm đặc biệt để có được loại mặt hàng này.

Sau dịch SARS, chính quyền ở nhiều địa phương Trung Quốc đã cố gắng giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã như cầy hương và rắn, tuy nhiên những lệnh cấm đã không được thi hành đúng đắn hoặc là bị âm thầm phớt lờ.

Để đối phó với đại dịch Covid-19, chính phủ Trung Quốc đã tạm thời cấm hành động buôn bán động vật hoang dã làm thức ăn vào cuối tháng Hai và hiện đang soạn thảo một đạo luật có hiệu lực vĩnh viễn để thắt chặt kiểm soát.

Theo Tân Hoa Xã, ít nhất 94% khu chợ tươi sống của Trung Quốc đã được mở cửa lại vào ngày 22/03. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ có bao nhiêu khu trong số đó đã ngừng buôn bán động vật hoang dã.

"Có thể hiểu được những lời kêu gọi đóng cửa tất cả các khu chợ tươi sống trên khắp thế giới trong thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành lúc này," Duan Biggie, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu Tương lai Môi trường tại Đại học Griffith của Úc nói.

"Tuy nhiên, chứng kiến những nỗ lực thất bại của các quy định cấm hay phong tỏa trước đây thì lệnh cấm hoàn toàn có lẽ không thể là một giải pháp bền vững. Thay vào đó, những chính sách hay quy định mới cần phải được kèm theo những chứng cứ khoa học, cùng với việc xem xét những nhận thức và giá trị mang tính văn hóa khác nhau đối với động vật hoang dã, với việc tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã."

Chợ ướt - văn hóa độc đáo ở châu Á - đang bị hàm oan vì Covid-19 như thế nào? - Ảnh 2.

Một khu "chợ ướt" bán đồ tươi sống tại Malaysia (Ảnh: Reuters)

Cửa hàng trực tuyến dần có chỗ đứng

Theo truyền thống, người tiêu dùng ở Trung Quốc từ lâu đã ưa chuộng những thực phẩm tươi sống, chuộng việc đi chợ nhiều lần một tuần để mua thực phẩm hơn là việc đi tới siêu thị. Tuy nhiên những năm gần đây, với xu hướng toàn cầu hóa, chợ tươi sống cũng đã mất đi ít nhiều vị trí của mình, đặc biệt là đối với những người trẻ.

Những cửa hàng trực tuyến được hỗ trợ bởi những người khổng lồ công nghệ dần có được chỗ đứng.

Ngay cả đổi với những người lớn tuổi, những người mà cả đời đã quen mua sắm ở các khu chợ tươi sống, giờ cũng bị thu hút bởi loại hình dịch vụ mới mẻ này như hệ thống siêu thị thông minh Hema của Alibaba với hàng ngàn những ưu đãi, cam kết an toàn và truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Chỉ riêng Hema đã có 197 cửa hàng tại Trung Quốc tính tới cuối năm 2019.

Những hạn chế về đi lại trong suốt đại dịch đã đẩy nhanh hơn xu hướng mua bán hàng trực tuyến. Những cửa hàng trực tuyến dần trở thành thứ không thể thiếu khi người dân Trung Quốc phải ở nhà.

Eliam Huang, nhà phân tích tại hãng tư vấn bán lẻ và công nghệ Coresight Research, cho biết dịch bệnh buộc người dùng phải thích nghi với xu hướng.

"Thời điểm này giúp người ta có chuẩn bị tốt hơn cho một tương lai của công nghệ," cô cho biết.

"Khai tử" chợ tươi sống không khả thi

Hiện tại, hành động ngăn cản mọi người khỏi việc buôn bán tại các khu chợ tươi sống là không khả thi. 

Kĩ sư Môi trường và sáng kiến nhân đạo Petr Matous của đại học Sydney cho rằng chợ tươi sống đóng một vai trò quan trọng trong an ninh lương thực đối với nhiều cộng đồng có thu nhập thấp, ở cả Trung Quốc và thế giới - những người không có điều kiện truy cập vào các trang trực tuyến.

"Xóa sổ chợ tươi sống có thể mang tới những lầm tưởng rằng sẽ giải quyết được tình hình hiện tại, những vấn đề thực tế thì sâu sắc hơn vậy rất nhiều," ông cho biết.

Nhiều chuyên gia đồng ý rằng chấm dứt hoạt động buôn bán động vật trái phép mới là điều quan trọng nhất để ngăn chặn đại dịch trong tương lai. Và ngăn chặn buôn bán động vật trái phép đồng nghĩa với việc đưa ra những quy định tốt hơn và thúc đẩy thực thi nghiêm ngặt hơn, đặc biệt là ở cấp địa phương

Tuy nhiên, về lâu dài, quy định thậm chí tốt hơn cũng có thể vẫn chưa ngăn chặn được hoàn toàn việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp nếu nhu cầu vẫn cho loại mặt hàng này vẫn còn tồn tại. Theo Quỹ Động vật hoang dã Thế giới, đơn giản, nó có thể hoạt động ngầm.

"Cuộc khủng hoảng về sức khỏe này phải đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh cho sự cần thiết của việc chấm dứt sử dụng các loài động vật đang bị đe dọa hoặc các bộ phận của các loài này cho mục đích ăn thịt, làm thuốc, hoặc biến chúng thành thú nuôi," tổ chức cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại