Bên thềm khai mạc Diễn đàn quân sự quốc tế Army 2022 hôm 15/8, công ty công nghệ Intellect Machine của Nga lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng mẫu chó robot chiến đấu có tên mã M-81, RT đưa tin.
Nga sử dụng công nghệ Trung Quốc để chế tạo robot
Chia sẻ với truyền thông Nga, người phát ngôn của Intellect Machine cho biết mẫu robot này ngoài ứng dụng quân sự còn có thể sử dụng cho một số ứng dụng dân sự, chẳng hạn như cứu hộ khẩn cấp, trinh sát, tìm đường trong đống đổ nát hoặc cấp phát thuốc cho các nạn nhân bị mắc kẹt.
Về khả năng chiến đấu của M-81, nó có thể được sử dụng cho nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực thông qua hệ thống vũ khí được trang bị như súng tiểu liên, súng chống tăng RPG-26 cho đến việc tuần tra, vận chuyển vũ khí và đạn dược.
Chó robot chiến đấu M-81 được công ty Intellect Machine giới thiệu tại Army 2022.
Trong màn trình diễn tại Army 2022, M-81 đã tuân theo một số mệnh lệnh của người điều khiển, mang theo và nhắm bắn bằng súng chống tăng (mô hình) trên lưng.
Giải thích về việc robot có ngoại hình giống chó, Intellect Machine cho biết M-81 được lấy cảm hứng từ các nguyên tắc sinh học trong thế giới động vật, đặc biệt là cấu trúc và cơ học.
Cũng theo Intellect Machine, nguyên mẫu robot M-81 hiện tại được phát triển chủ yếu dựa trên các công nghệ và linh kiện từ một công ty nghệ khác của Trung Quốc, và mỗi robot có mức giá khoảng 16.000 USD. Tuy nhiên, Intellect Machine hy vọng có thể sớm nội địa hóa M-81 ở Nga trong tương lai gần.
Còn theo RT, cả robot M-81, Boston Dynamics Spot (Mỹ) và UNITREE GO1 do Trung Quốc sản xuất đều có thiết kế tương tự nhau. Tất cả các robot này đều được mô phỏng giống loài chó và có thể thực hiện các nhiệm vụ giống nhau.
Robot công nghệ vẫn có thể trở thành vũ khí
Bình luận về mẫu chó robot có khả năng chiến đấu của Intellect Machine, các chuyên gia quân sự của tờ The Drive cho rằng M-81 thể hiện hạn chế của Nga trong công nghệ chế tạo các mẫu robot mô phỏng sinh vật. Robot M-81 có quá nhiều điểm tương đồng với mẫu robot UNITREE GO1 của Unitree Robotics – một công ty chuyên sản xuất các thiết bị công nghệ cao của Trung Quốc.
Cũng theo The Drive, giá của mỗi con UNITREE GO1 chỉ khoảng 3.700 USD.
Các chuyên gia của The Drive nhận định thiết kế của M-81 nếu dựa trên UNITREE GO1 thì nó hoàn toàn có thể mang theo một số loại vũ khí như súng tiểu liên cho đến súng chống tăng RPG-26. Tuy nhiên không rõ mẫu robot này có chịu được phản lực từ RPG-26 hay không, đó là còn chưa nói đến khả năng ngắm bắn của súng.
The Drive chỉ ra điểm giống nhau giữa M-81 và UNITREE GO1.
Rõ ràng nếu Intellect Machine nghiêm túc muốn biến M-81 thành một hệ thống vũ khí đúng nghĩa thì họ còn nhiều thứ cần phải làm. Cũng phải nói thêm rằng Intellect Machine chỉ là một trong nhiều công ty công nghệ của Nga tham gia Army 2022, diễn dàn kỹ thuật quân sự này từ lâu đã được xem như nơi các công ty Nga trình bày các ý tưởng và sản phẩm công nghệ mới.
Theo The Drive, không phải mẫu robot nào của Nga được trưng bày hoặc giới thiệu tại Diễn đàn Army cũng đáp ứng được các tiêu chuẩn về quân sự, chúng đơn giản chỉ các ý tưởng hoặc sản phẩm cải tiến.
Trước khi Intellect Machine giới thiệu M-81 tại Army 2022, Alexander Atamanov - một nhà phát minh người Nga cũng đã thử nghiệm việc vũ trang cho con robot UNITREE GO1 mua từ Unitree. Thay vì súng chống tăng, robot của Atamanov được trang bị súng tiểu liên PP-19-01 "Vityaz" hoặc Saiga 9 đi kèm ống giảm thanh và kính ngắm quang học thông qua Go Pro.
Mẫu UNITREE GO1 gắn súng tiểu liên của Alexander Atamanov. (Ảnh: Alexander Atamanov)
Nói về khả năng vũ khí hóa các mẫu robot công nghệ hoặc đồ chơi công nghệ đang được bán trên thị trường dân sự có thể nói đến Boston Dynamics Spot, mẫu robot này được quân đội Mỹ viện trợ Ukraine để giúp một tổ chức từ thiện rà phá bom mìn xung quanh thủ đô Kiev. Giá của mỗi con Spot rơi vào khoảng 75.000 USD.
Từ ví dụ trên, việc các công ty Nga sử dụng các mẫu robot công nghệ cho ứng dụng quân sự là điều hoàn toàn khả thi nếu họ nghiêm túc với mục tiêu này. Tại các diễn đàn Army trước đó cũng có nhiều mẫu robot chiến đấu do các công ty Nga phát triển được giới thiệu nhưng không phải thiết kế nào cũng được lựa chọn và đầu tư.
Ở một khía cạnh khác việc các công ty Nga chuyển sang sử dụng công nghệ của Trung Quốc cũng cho thấy sự thích nghi của người Nga trước trước các lệnh cấm vận từ phương Tây. Nhưng trong tương lai gần, Moskva vẫn cần phải tự chủ sản xuất vi mạch và các linh kiện điện tử nếu muốn phát triển các hệ thống vũ khí công nghệ cao.