Vừa trở về sau chuyến thăm Crimea, ông Maurer trả lời hãng thông tấn Sputnik (Nga) rằng, do các quan chức cấp cao ở Đức không muốn đến Crimea nên ông thực hiện bước đi này để nâng cao quan hệ với người dân Crimea.
“Tôi được gặp gỡ đại diện của các dân tộc thiểu số, bao gồm người Tatar, người Armenia, người Hy Lạp ở Crimea, và tôi nhận thấy rằng người dân ở đây cảm thấy mình được an toàn”, ông nói.
Ông Maurer nói thêm rằng ông tỏ ra ngạc nhiên trước việc đại sứ Ukraine ở Đức yêu cầu Ngoại trưởng Đức lên án chuyến thăm của ông.
“Điều đó cho thấy chính phủ Ukraine đang tỏ ra lúng túng. Họ dường như đang lo sợ sẽ đánh mất sự ủng hộ của người dân đối với việc giành lại bán đảo Crimea”.
Ông Maurer cũng nhấn mạnh rằng trong chuyến đi của mình tới Crimea, ông không nhận thấy bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào của lệnh cấm vận của EU đối với Nga, ngoại trừ việc người dân ở bán đảo này bị cấm nhập cảnh vào một số quốc gia.
“Việc các nước phương Tây cấm vận Nga cũng đồng nghĩa với việc họ đang trừng phạt người dân Crimea, và điều này khiến tôi lo lắng.
Nhưng tại Đức, lệnh này cũng khiến chúng tôi gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp tỏ rõ quan ngại đối với lệnh cấm vận và đang bắt đầu tin rằng chúng không có tác dụng thiết thực nào”, ông giải thích.
Sau cùng, ông Maurer hi vọng rằng các chính trị gia Đức sẽ dần nhận ra vấn đề và chấp nhận rằng lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Nga sẽ không mang lại kết quả có lợi cho họ.
“Cá nhân tôi tin rằng người dân Crimea đã tình nguyện đưa ra quyết định sáp nhập vào Nga. Sớm muộn gì các quan chức phương Tây sẽ phải nhận ra điều này”, ông Maurer kết luận.