Tờ Wall Street Journal hôm 15/2 dẫn "nguồn tin giấu tên" trong chính phủ Mỹ tiết lộ, căn cứ kế hoạch mà Nhà Trắng cân nhắc, Bộ trưởng thương mại Mỹ sẽ xác định bất kỳ quốc gia nào có hành động thao túng tiền tệ là "trợ cấp không công bằng".
Mọi công ty của Mỹ đều có quyền đề xuất lên Bộ thương mại biện pháp nhằm vào các quốc gia như vậy để chống chính phủ các nước hỗ trợ không lành mạnh cho doanh nghiệp.
Theo WSJ, kế hoạch về tiền tệ này là một phần trong sách lược đối với Trung Quốc đang được hoạch định bởi Ủy Ban Thương mại quốc gia mà Nhà Trắng mới thành lập. Chính quyền Tổng thống Donald Trump hy vọng đạt được cân bằng trong 2 mục tiêu dường như đối lập: (1) Thách thức Trung Quốc và (2) bình ổn quan hệ Mỹ-Trung.
Để thực hiện điều này, "bất kỳ biện pháp nào nhằm vào Trung Quốc cũng phải phù hợp để áp dụng với mọi quốc gia khác". Lợi ích của chính sách này là hạn chế chính quyền Trump đưa ra những tuyên bố mang tính đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh về vấn đề thao túng đồng nội tệ.
Ông Matthew Goodman, Cố vấn Cấp cao về Kinh tế Châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), phân tích nguyên nhân ông Trump chưa hành động mạnh tay với Bắc Kinh trong lĩnh vực thương mại:
"Có thể Trump sẽ đưa ra một tuyên bố lớn đối với toàn bộ những vấn đề kinh tế của Trung Quốc. Nhưng tôi cho rằng thời cơ vẫn chưa tới."
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng nếu chính sách tiền tệ này được thực hiện chắc chắn sẽ gây ra nhiều tranh luận, bởi nó có khả năng vi phạm một số quy định của tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hơn nữa, các quốc gia khác chắc chắn cũng đáp trả tương tự đối với hàng hóa nguồn gốc Mỹ.
Goodman cho rằng, kim ngạch mậu dịch mất cân bằng lớn giữa Mỹ với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Mexico…. xuất phát từ nguyên nhân "tình trạng bề nổi chung về kinh tế vĩ mô" ở các quốc gia này.
Học giả người Mỹ chỉ ra, chỉ cần lượng tiêu thụ và đầu tư của Mỹ vượt xa so với lượng tích trữ thì sẽ xuất hiện thâm hụt.
Biện pháp xử lý khoản thâm hụt thương mại này không phải bằng cách tạo thêm rào cản với hàng nhập khẩu, hay chỉ trích nước khác thao túng tiền tệ, mà cần giải bài toán mất cân đối giữa tiêu thụ và đầu tư, đồng thời khuyến khích các nước tăng chi tiêu, giảm tích trữ.
"Trung Quốc đã lập một phương án cải cách, mục đích là chuyển biến mô hình kinh tế phụ thuộc đầu tư và xuất khẩu thành nền kinh tế tăng trưởng dựa vào tiêu dùng trong nước. Tôi cho rằng khích lệ loại hình cải cách này là hướng đi tốt nhất mà Mỹ nên áp dụng, cụ thể là ủng hộ [Trung Quốc] chuyển đổi nền tảng tăng trưởng kinh tế sang tiêu dùng trong nước," ông Goodman nói.