Theo Reuters, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm hôm 31/8 cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ hỗ trợ 12 tỷ USD dưới dạng trợ cấp và cho vay với các hãng xe và nhà cung cấp cho họ. Mục đích là trang bị thêm cho các nhà máy để sản xuất xe điện và các loại xe tiên tiến khác.
2 tỷ USD trợ cấp sẽ đến từ Đạo luật Giảm Lạm phát đã được thông qua năm ngoái. 10 tỷ USD khoản vay đến từ Văn phòng Cho vay thuộc Bộ Năng lượng Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng sẽ hỗ trợ 3,5 tỷ USD cho các hãng sản xuất pin trong nước, Granholm cho biết.
"Trong quá trình chuyển dịch sang xe điện, chúng tôi muốn đảm bảo các lao động có thể chuyển dịch tại chỗ. Sẽ không có người nào, không cộng đồng nào bị bỏ lại phía sau", Granholm cho biết trước báo giới.
Đầu năm nay, chính quyền Biden đưa ra đề xuất chính sách đầy tham vọng, rằng xe điện sẽ chiếm hai phần ba xe mới bán ra tại Mỹ từ nay đến năm 2032.
Việc tăng tốc hỗ trợ để chuyển đổi các nhà máy ôtô hiện tại sang sản xuất xe điện cũng có thể giúp Nhà Trắng xoa dịu chỉ trích từ các hãng xe và Công đoàn Công nhân Xe hơi Mỹ (UAW). Trước đó, giới chức Mỹ đề xuất nhiều quy định về bảo vệ môi trường nhằm mở ra kỷ nguyên xe điện.
UAW từng cảnh báo việc thay đổi quá nhanh có thể khiến hàng nghìn việc làm bị đe dọa, tại các bang như Michigan, Ohio, Illinois và Indiana. Sau thông báo của chính phủ Mỹ, Chủ tịch UAW Shawn Fain cho biết chính sách này "đã giúp các hãng xe hiểu rõ rằng việc chuyển dịch sang xe điện cần đi kèm với tăng lương và các tiêu chuẩn an toàn mà UAW đang yêu cầu".
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng khẳng định "xây dựng một nền kinh tế năng lượng sạch có lợi cho cả đôi bên - cả các hãng xe và người lao động - những thành phần đã hỗ trợ kinh tế Mỹ hàng thập kỷ nay".
Fain trước đó cam kết bảo vệ một nhà máy sản xuất xe Jeep tại Illinois mà công ty Stellantis muốn đóng cửa. Dù vậy, hãng xe này để ngỏ khả năng mở cửa nếu nhà máy này ra được sản phẩm mới với hỗ trợ từ chính phủ.
Khi được hỏi về khả năng khoản hỗ trợ 12 tỷ USD giúp các nhà máy mở cửa, Granholmcho biết các nhà máy "sẽ hưởng lợi từ các cơ hội mở ra nhờ khoản tiền này". Một quan chức Bộ Năng lượng Mỹ cho biết hiện chưa có quy định cụ thể về lao động để các công ty được hỗ trợ. Tuy nhiên, các dự án có điều kiện lao động tốt sẽ có cơ hội nhận vốn cao hơn.
VinFast khởi công nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ.
Việc Chính phủ Mỹ trợ cấp 12 tỷ USD để xây nhà máy sản xuất xe điện mở ra nhiều cơ hội cho các hãng xe, trong đó có thương hiệu xe Việt Nam VinFast.
VinFast đã chính thức khởi công xây dựng nhà máy đặt tại hạt Chatham, Bắc Carolina (Đông Nam nước Mỹ) vào cuối tháng 7 vừa qua. Động thái này đánh dấu bước tiến trong chiến lược mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu xe điện toàn cầu, tự chủ nguồn cung tại khu vực Bắc Mỹ.
Theo VinFast, đây là cơ sở sản xuất xe điện đầu tiên tại Bắc Carolina, đồng thời là dự án phát triển kinh tế lớn nhất hiện nay của bang này. Năm ngoái, VinFast cho biết đã nhận khoản ưu đãi lên tới 1,2 tỷ USD từ bang Bắc Carolina cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại bang này.
Nhà máy có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2 tỷ USD, quy mô 733 ha, gồm 5 phân khu, xưởng sản xuất chính: hàn thân vỏ, lắp ráp, xưởng dập, xưởng sơn và trung tâm năng lượng. Trong khuôn viên nhà máy cũng có các công trình chức năng như khu tập trung tác thải, nhà máy bơm, bảo vệ... Trong giai đoạn đầu, nhà máy sẽ sản xuất ba dòng xe điện gồm VF 7, VF 8 và VF 9, cung ứng cho thị trường Bắc Mỹ, công suất dự kiến 150.000 xe mỗi năm.