Chinh phục “nóc nhà biên giới” của Việt Nam ngay miền Bắc, gặp gỡ cặp vợ chồng “người rừng” sống trên núi gần 20 năm

Lập Hoa |

Không chỉ được mệnh danh là “nóc nhà biên giới” của Việt Nam, đường lên đây, du khách còn có thể gặp cặp vợ chồng “người rừng” với lối sống đặc biệt.

Vùng Tây Bắc Việt Nam là nơi tập trung nhiều đỉnh núi cao, nổi bật hơn cả là đỉnh Fansipan thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, nằm tại biên giới của Lào Cai và Lai Châu, được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương”. Đây cũng chính là đỉnh núi cao nhất nước ta với độ cao là 3147m.

Tuy nhiên, nhiều du khách cũng tò mò rằng, vậy đứng sau Fansipan, đâu là ngọn núi cao thứ 2 của Việt Nam và nó nằm ở đâu. Câu trả lời chính là cũng ngay ở Tây Bắc, đỉnh Pu Si Lung hay còn được gọi với cái tên Phu Si Lùng, chính là đỉnh núi cao thứ 2 Việt Nam.

Pu Si Lung có độ cao là 3083 mét, chỉ kém Fansipan 60m. Ngọn núi ngọn nằm ở biên giới Việt Nam và Trung Quốc, trong đó phần thuộc Việt Nam nằm gần với mốc biên giới số 42 thuộc địa phận xã Pa Vệ Sử, Mường Tè, Lai Châu. Cũng chính bởi vị trí đặc biệt này, nên Pu Si Lung được gọi với biệt danh “nóc nhà biên giới”. 

Chinh phục “nóc nhà biên giới” của Việt Nam ngay miền Bắc, gặp gỡ cặp vợ chồng “người rừng” sống trên núi gần 20 năm - Ảnh 1.

Đỉnh Pu Si Lung ở độ cao 3083m, cao thứ 2 Việt Nam và nằm giữa biên giới Việt Nam và Trung Quốc (Ảnh Wikipedia)

Theo đánh giá từ nhiều chuyên gia, Pu Si Lung được coi là ngọn núi khó chinh phục nhất ở Việt Nam do các tuyến đường dài và khắc nghiệt. Đối với những du khách đam mê khám phá, nơi đây vừa là thiên đường cũng vừa là thách thức to lớn, cả về sức bền lẫn sự kiên trì.

Đường tới Pu Li Sung

Không giống những đỉnh núi khác là du khách chỉ cần xách ba lô lên và đi, để tới được Pu Li Sung, việc đầu tiên du khách cần thực hiện đó là xin giấy phép tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, tại thành phố Lai Châu. Sau đó, giấy này sẽ dùng để trình báo ở đồn Biên phòng xã Pa Vệ Sử. Cuối cùng thì du khách sẽ được người tại đồn dẫn đến núi. 

Pu Si Lung cũng là một nơi khá đặc biệt, vì là “nóc nhà biên giới” nên du khách không thể tự do tới lui như những điểm du lịch thông thường. Muốn khám phá ngọn núi này, trước hết cần xin giấy phép tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu tại thành phố Lai Châu, sau đó giấy sẽ được trình báo ở đồn biên phòng xã Pa Vệ Sử. Đồn này sẽ cử người dẫn du khách đến núi.

Với những du khách tham gia hành trình khám phá Pu Si Lung, du khách sẽ cần tự tìm hiểu và thực hiện các bước trên. Còn với những du khách đặt dịch vụ qua các công ty du lịch, vấn đề này không quá đáng lo ngại. 

Chinh phục “nóc nhà biên giới” của Việt Nam ngay miền Bắc, gặp gỡ cặp vợ chồng “người rừng” sống trên núi gần 20 năm - Ảnh 2.

Du khách bắt đầu hành trình chinh phục Pu Li Sung ở đồn biên phòng Pa Vệ Sử (Ảnh Hayditour)

 

Cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 400km, thời gian di chuyển tới Pu Li Sung được ước tính khoảng 5 -8 giờ đồng hồ tùy phương tiện di chuyển và tốc độ lái xe. Phương tiện được khuyến khích nhất dành cho du khách là xe giường nằm. Du khách sẽ tới thị xã Lai Châu trước, sau đó tiếp tục mất thêm khoảng 1 giờ đồng hồ để thuê xe đến huyện Mường Tè rồi đến xã Pa Vệ Sử. 

Theo chia sẻ của những du khách đã có kinh nghiệm, một chuyến chinh phục Pu Li Sung thường được kéo dài khoảng 4 ngày 3 đêm hoặc 5 ngày 4 đêm. Bên cạnh phương thức di chuyển, du khách cũng nên đặc biệt lưu ý về thời tiết. Những ngày nắng, khô ráo là vô cùng lý tưởng. Nhưng nếu vào những ngày mưa, con đường trekking sẽ vô cùng trơn trượt, dễ gây nguy hiểm. 

Những cột mốc cần chinh phục

Điểm Hạ Trại 2200m – Pa Vây Sử – Sín Chải A

Điểm mốc đầu tiên mà du khách cần phải chinh phục trên quãng đường tới đỉnh Pu Li Sung là điểm Hạ Trại - Pa Vây Sử - Sín Chải A. Những dân chuyên leo núi cũng phải thừa nhận rằng, ngay chặng đầu đã là một thử thách, bởi đường đi vô cùng ngoằn ngoèo và khúc khuỷu. 

Miêu tả về đường lên Sín Chải A, những người đã có kinh nghiệm nói đó là con đường dốc nối dốc, đèo nối đèo. Vì vậy du khách cần chuẩn bị tinh thần và một sức khỏe, thể trạng thật sự tốt.

Chinh phục “nóc nhà biên giới” của Việt Nam ngay miền Bắc, gặp gỡ cặp vợ chồng “người rừng” sống trên núi gần 20 năm - Ảnh 3.

Ảnh: Travelgear

Vượt qua được chặng này, du khách sẽ được “xoa dịu” phần nào bởi dòng nước trong vắt, mát vô cùng của con suối Nậm Xi Lùng. Nhiều du khách lựa chọn dừng chân nghỉ ngơi tại đây để cảm nhận không khí tươi mát, trong lành của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc.

Sau khi nghỉ ngơi du khách sẽ tiếp tục hành trình, đích đến là điểm nghỉ 2.200m, đây cũng là nơi để hạ trại và ăn uống, nghỉ ngơi qua đêm, chuẩn bị cho chặng đường hôm sau.

Du khách dừng bên suối Nậm Xi Lùng và hạ trại nghỉ chân (Ảnh Hayditour)

Cột mốc 42

Cột mốc 42 nằm ở độ cao 2800m, được làm bằng đá hoa cương nặng tới hơn 100kg. Đây cũng chính là điểm “check-in” không thể thiếu trong chuyến hành trình chinh phục Pa Li Sung. Khác với quãng đường trước đó, đường lên cột mốc 42 được đánh giá là thông thoáng, ít đèo dốc và dễ đi hơn. 

Chinh phục “nóc nhà biên giới” của Việt Nam ngay miền Bắc, gặp gỡ cặp vợ chồng “người rừng” sống trên núi gần 20 năm - Ảnh 5.

Du khách tự hào chào cờ ở cột mốc 42 (Ảnh Hayditour)

Du khách Nguyễn Tùng – người từng đặt chân đến cột mốc 42 tự hào chia sẻ: "Chúng tôi reo lên sung sướng khi thấy cột mốc đứng đó, sừng sững trên nền bê tông được gia cố chắc chắn. Tôi cảm giác như đã vượt qua chính bản thân mình vậy. Thật tự hào biết bao khi được đặt chân đến miền biên viễn thiêng liêng mà lực lượng biên phòng cùng các lực lượng chức năng và người dân biên giới đang ngày đêm bảo vệ từng tấc đất quê hương".

Khu rừng nguyên sinh

Trên đoạn đường tiến về phía “nóc nhà biên giới”, du khách chắc chắn sẽ có cơ hội băng qua khu rừng nguyên sinh. Những cánh rừng già nơi đây được giữ nguyên vẹn. Nhiều du khách nhận xét, cảnh tượng này như trong một cảnh phim tài liệu nào đó thường xuất hiện trên truyền hình. Thậm chí, còn có các gốc cây cổ thụ đã hình thành cả nghìn năm, tạo nên khung cảnh vô cùng ấn tượng. 

Thảm thực vật ở đây được phân tầng rõ rệt từ cây bụi thấp tầng, dây leo, tầm gửi, hay những loài hoa như hoa lan, hoa đỗ quyên, hoa chuối rừng…

Du khách băng qua cánh rừng già ấn tượng hoặc gặp những khóm hoa đỗ quyên (Ảnh Nguyễn Huyền, Lang Bình)

Du khách Nguyễn Huyền cảm thán trước khung cảnh rừng nguyên sinh trên đường chinh phục Pa Li Sung: "Chúng tôi đã trải qua những đoạn đường đi qua rừng già nguyên sinh với cây cổ thụ lá phong đỏ, thân cây là thảm cỏ hay rêu bên cạnh những chồi non màu lá đỏ au của phong khiến cho đoạn rừng già này trở nên bí ẩn như trong chuyện cổ tích có phù thủy và tốt và phù thủy xấu vậy".

Gặp gỡ cặp vợ chồng “người rừng” tại dốc Ba Tiếng

Bên cạnh cảnh sắc thiên nhiên, đường lên Pa Li Sung còn gây ấn tượng với du khách bởi cặp vợ chồng vô cùng đặc biệt tại dốc Ba Tiếng - con dốc có những vách đá dựng ngược, người leo phải bò sát người và thật cẩn thận để vượt qua. Đó là ông Vàng Và Chờ (85 tuổi) và vợ là Vàng Mỳ Gia (71 tuổi) người dân tộc La Hủ. Cặp đôi đã sinh sống ở khu vực dốc Ba Tiếng trong một túp lê đơn sơ, tách biệt hoàn toàn với phố thị xô bồ dưới xuôi, gần 20 năm.

Chinh phục “nóc nhà biên giới” của Việt Nam ngay miền Bắc, gặp gỡ cặp vợ chồng “người rừng” sống trên núi gần 20 năm - Ảnh 7.

Ông Vàng Và Chờ bắt tay với những vị khách ghé thăm (Ảnh Nông nghiệp Việt Nam)

Cả năm, vợ chồng ông Chờ bà Gia không gặp quá nhiều người. Những người họ thường chào hỏi, cười nói cùng chính là những du khách biết, đi qua đây và gọi và túp lều của cặp vợ chồng để hỏi đường, hay những anh bộ đội biên phòng đi qua nghỉ chân, hỏi chuyện. 

Có lối sống đặc biệt nhưng cặp vợ chồng lớn tuổi vẫn luôn vui vẻ, lạc quan và đón chào người đối diện bằng những cái bắt tay hay nụ cười tươi. Nhiều du khách đã gặp ông bà đặt cho họ biệt danh là cặp đôi “người rừng”. 

Núi cỏ cháy

Những vạt rừng cỏ cháy vào mùa khô có lẽ là đoạn dễ đi nhất trong cả chuyến hành trình chinh phục “nóc nhà biên giới”. Đường đi chủ yếu là các lối mòn, ít chướng ngại vật. Cả một triền núi nhuộm màu nâu vàng của cỏ cháy mang đặc trưng gai góc nhưng rất thơ của vùng Tây Bắc. Địa điểm này cũng được nhiều du khách chọn làm góc chụp ảnh lý tưởng, đem lại những bức ảnh vừa nên thơ, vừa hùng vĩ.

Chinh phục “nóc nhà biên giới” của Việt Nam ngay miền Bắc, gặp gỡ cặp vợ chồng “người rừng” sống trên núi gần 20 năm - Ảnh 8.

Ảnh: Lai Châu Tourism

Đỉnh Pu Si Lung

Sau một chặng đường dài gian nan, đích đến cuối cùng của du khách chắc chắn chính là đỉnh Pu Si Lung - nóc nhà biên giới ở độ cao 3083m. Không chỉ được tận hưởng “trái ngọt” thu được sau khi vượt qua nhiều thử thách, du khách tới đây vào đúng ngày thời tiết đẹp còn có thể ngắm những biển mây đẹp kỳ ảo hay phóng tầm mắt nhìn trọn vẹn khung cảnh núi rừng bao la bên dưới. 

Chinh phục “nóc nhà biên giới” của Việt Nam ngay miền Bắc, gặp gỡ cặp vợ chồng “người rừng” sống trên núi gần 20 năm - Ảnh 9.

Du khách vui mừng khi chinh phục thành công đỉnh núi cao thứ 2 Việt Nam (Ảnh Nguyễn Huyền)

Hiện nay, với những du khách chưa có kinh nghiệm leo núi, lựa chọn tốt nhất là đặt những tour chinh phục Pu Si Lung sẵn có. Như đã nói ở trên, thời gian sẽ dao động từ 4 cho đến 5 ngày và mức giá vào khoảng từ 4 - 5 triệu đồng, đã bao gồm các chi phí thiết yếu như đi lại, ăn ở, người hướng dẫn cho du khách.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại