Theo Huffington, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, mỗi cá nhân đều là một người tiêu dùng và du khách Trung Quốc chính là một nguồn tài nguyên chiến lược đủ tầm để trở thành "vũ khí".
Một số hiện tượng đáng ngờ gần đây cho thấy chính phủ Trung Quốc đang "ngấm ngầm" cắt giảm lượng du khách từ đại lục đến các khu vực đang có mâu thuẫn ngoại giao với Bắc Kinh. Nhiều quan chức giấu tên làm việc trong lĩnh vực này ở Trung Quốc đã thừa nhận điều đó.
Huffington dẫn thống kê mới đây của Bắc Kinh nói rằng lượng du khách Trung Quốc xuất cảnh năm 2015 là gần 120 triệu lượt, dự kiến đạt 200 triệu lượt vào năm 2020. Đây là "mỏ lợi nhuận" khổng lồ mà bất kỳ quốc gia nào với nền kinh tế dịch vụ phát triển đều thèm muốn.
Trên thực tế, những năm gần đây nguồn thu đáng kể của Hàn Quốc, Nhật Bản, đặc khu hành chính Hồng Kông, và cả Đài Loan đều đến từ du khách Trung Quốc.
Các khu vực này đã phải chứng kiến doanh thu rớt thê thảm khi nhà chức trách Trung Quốc thực thi các biện pháp kìm hãm lượng người đến những nơi này.
Hàn Quốc là một trong những "nạn nhân" rõ ràng nhất của chiến thuật "vũ khí hóa" du khách, bắt đầu được thực hiện từ khi Seoul thúc đẩy việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ nước này và ký thỏa thuận chia sẻ thông tin quân sự (GSOMIA) với Nhật Bản.
Các quan chức ngành du lịch Hàn Quốc khẳng định lượng lớn du khách Trung Quốc đã "mất tích" trên thị trường Hàn.
Đài Loan và Hồng Kông cũng không ngoại lệ. Hồi tháng 11, tỉ lệ du khách Trung Quốc đến hai nơi này giảm lần lượt 30% và 50%. Nguyên nhân chính là Bắc Kinh bất mãn với xu hướng đòi độc lập ở Đài Loan và trào lưu "chống đại lục" tại Hồng Kông.
Nhật Bản tạm thời chưa gặp phải đòn trừng phạt dạng này của Trung Quốc, nhưng theo Huffington, Tokyo có thể chịu những kiểu trả đũa quyết liệt hơn bởi quan hệ hai nước vẫn trong thời kỳ băng giá.
Trước ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt lên nền kinh tế, Đại sứ Hàn Quốc tại Trung Quốc đã nỗ lực tìm kiếm cơ hội gặp mặt các quan chức ngành du lịch Trung Quốc. Nhưng đến nay, ông vẫn tiếp tục chờ đợi, trong khi Bắc Kinh "bặt vô âm tín".