Chính phủ khẳng định lập trường chính nghĩa về vấn đề Biển Đông

Hoàng Đan |

Trong báo cáo gửi Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Chính phủ nêu rõ về lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2016.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 6,32% và thấp hơn mục tiêu cả năm 6,7%.

Chính phủ đánh giá tốc độ tăng GDP đạt thấp có nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và công nghiệp khai khoáng.

Về công tác biên giới lãnh thổ, trước việc Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa và dân sự hóa các cấu trúc chiếm đóng, củng cố yêu sách chủ quyền, tuyên truyền... trong bối cảnh Tòa Trọng tài mới ra phán quyết về vụ kiện Philippines, báo cáo Chính phủ cũng nêu, Việt Nam đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp hợp tác, đấu tranh trên cả mặt ngoại giao và pháp lý với Trung Quốc, các nước liên quan và tại nhiều diễn đàn đa phương.

Lập trường chính nghĩa của ta trong vấn đề Biển Đông ngày càng được cộng đồng quốc tế ủng hộ; nhiều nước và tổ chức quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại trước các hoạt động lấn lướt của Trung Quốc, kêu gọi các bên liên quan coi trọng an ninh, an toàn hàng hải, hàng không.

Tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Đặc biệt, báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, sự cố ô nhiễm môi trường biển đã làm cá chết tại 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế do Formosa đã gây hậu quả nghiêm trọng hủy hoại môi trường biển, không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống ngư dân mà còn tác động xấu đến phát triển các ngành sản xuất khác, đến xuất khẩu, du lịch,...

Tính toán sơ bộ do sự cố ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100.000 người do không có việc làm ổn định, thu nhập thấp và 176.285 người phụ thuộc; thiệt hại sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng ước tính khoảng 1.600 tấn/tháng.

Diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7 ha tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch.

Có trên 3.000 ha nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đã thả giống bị nhiễm độ mặn cao, môi trường suy giảm nên tôm chậm lớn, xuất hiện bệnh và có trên 350 ha nuôi tôm bị chết rải rác; có 1.613 lồng nuôi cá bị chết (khoảng 30.000m3), tương đương 140 tấn cá.

Có 6,7 ha diện tích nuôi ngao bị chết, tương đương 67 tấn; có trên 10 ha nuôi cua bị chết do sự cố môi trường; giá bán các sản phẩm hải sản giảm trung bình từ 10 - 20% so với cùng kỳ năm 2015.

Việc tiêu thụ sản phẩm trên thị trường của 4 tỉnh bị ảnh hưởng giảm sút nghiêm trọng (sản phẩm khai thác ngoài 20 hải lý: giá bán giảm 30 -50%; sản phẩm khai thác trong 20 hải lý: không tiêu thụ được.

Hiện nay, tại Hà Tĩnh tồn kho trên 3.000 tấn sản phẩm thủy sản (chiếm 85% công suất kho lạnh toàn tỉnh), tại Quảng Bình tồn trên 2.000 tấn (chiếm 70% công suất kho lạnh toàn tỉnh);…

Cùng với đó, báo cáo cũng dành một phần nội dung về bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Riêng đối với 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do hải sản chết hàng loạt bất thường, ngày 09 tháng 5 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 772/QĐ-TTg và Quyết định số 1138/QĐ-TTg hỗ trợ khẩn cấp cho người dân.

Trong đó: tập trung hỗ trợ hộ nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường.

Đồng thời, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và tổ chức thực hiện phương án tổng thể để khôi phục sản xuất và ổn định đời sống người dân tại vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại