Chiến tướng nào đã dũng cảm lấy thân mình dụ địch vào bãi cọc ngầm trên sông Bạch Đằng?

Lê Thái Dũng |

Trận Bạch Đằng năm 938 được coi là "đại võ công vang dội đến nghìn thu". Tuy nhiên, người lãnh nhiệm vụ đặc biệt dẫn dụ quân Nam Hán lọt vào trận địa cọc này lại ít được nhắc đến.

Các bạn có thể theo dõi thêm:

Phần 1: Chuyện về cuộc đời danh tướng đã hiến kế giúp Ngô Quyền bày trận trên sông Bạch Đằng

Phần 2: Chân dung "đạo diễn" chính trận địa cọc ngầm lừng danh trên sông Bạch Đằng

LTS: Với những ai đam mê lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc ta đều biết đến Ngô Quyền với chiến công hiển hách năm 938 tại sông Bạch Đằng. Nơi đây đánh dấu chiến thắng quan trọng của quân và dân ta trước quân Nam Hán.

Nhưng để có được chiến tích huy hoàng với trận địa cọc ngầm hiểm yếu đó, vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết. Sau nhiều tìm tòi, nghiên cứu, thông qua loạt bài viết về Trận Bạch Đằng chúng tôi sẽ gửi đến quý độc giả những câu chuyện, những khía cạnh chưa được lịch sử đề cập tới. Trong phần đầu hai này, chúng ta sẽ đến với anh hùng dũng cảm ra dụ địch vào trận địa!

Sau khi bố trí xong trận địa cọc ngầm, điều quan trọng phải tính toán làm sao dụ thuyền giặc đi vào đó khi nước triều đang lên, gìm chân chúng đến khi nước rút để lộ ra những cọc nhọn thì kế sách diệt giặc mới thành công.

Đây chính là điều kiện có tính chất cực kỳ quan trọng, quyết định sự thắng thua với quân xâm lược; và đảm trách nhiệm vụ đặc biệt này là những anh hùng xuất thân từ chốn thôn quê.

1. Nguyễn Tất Tố - Người chỉ huy đoàn thuyền dụ giặc

Trong số những tướng lĩnh đóng góp và lập công lớn bậc nhất của trận Bạch Đằng lịch sử, người ta xếp Nguyễn Tất Tố đứng đầu, ông chính là người chỉ huy đoàn thuyền nhử quân Nam Hán lọt đúng vào trận địa cọc đúng thời điểm, đúng vị trí theo đúng kế hoạch.

Nguyễn Tất Tố, giỏi tài bơi lội, ông quê ở làng Gia Viên (nay thuộc nội thành TP Hải Phòng). Khi biết tin Ngô Quyền về vùng ven biển Đông Bắc chiêu mộ thêm lực lượng để đánh giặc, Nguyễn Tất Tố cùng bạn là Đào Nhuận và một số trai tráng trong làng rủ nhau theo đầu quân.

Vốn là người thạo đường đi lối lại, thông thuộc con nước sông Bạch Đằng, Nguyễn Tất Tố và Đào Nhuận được Ngô Quyền tin tưởng giao nhiệm vụ tìm hiểu về quy luật thủy triều, các địa hình hiểm yếu để bố trí phục binh.

Chiến tướng nào đã dũng cảm lấy thân mình dụ địch vào bãi cọc ngầm trên sông Bạch Đằng? - Ảnh 2.

Nguyễn Tất Tố đã dùng thuyền đưa các tướng lĩnh được Ngô Quyền cắt cử đến tận thực địa xem xét con nước, các nhánh sông, những nơi rừng rậm hai bên bờ để chọn chỗ đặt phục binh, che giấu thuyền bè, đẵn gỗ đóng cọc…

Đến khi thuyền giặc Nam Hán đang tiến xuống phía Nam, Ngô Quyền họp chư tướng bàn kế sách đối phó, trong cuộc họp ấy, Nguyễn Tất Tố đã bước ra tâu xin được tình nguyện làm người dẫn nhử quân giặc vào trận địa cọc mà quân ta đã bố trí sẵn.

Mọi người hỏi Nguyễn Tất Tố thì ông đáp rằng:

- Vùng sông nước này tôi rất quen thuộc, biết được lúc nước lên nước xuống, nay muốn giặc mắc bẫy thì chỉ có cách dùng thuyền nhỏ ra khiêu chiến, chọn đúng giờ khắc thích hợp thì giả thua bỏ chạy.

Bọn giặc vốn kiêu ngạo, tưởng quân ta thất thế tất sẽ hùng hổ đuổi theo, ta sẽ dụ chúng vào bãi cọc, đến khi nước rút nhanh thì thuyền chiến của chúng như những con cá mắc cạn. Lúc đó, sợ gì mà không phá được giặc.

Nghe ông nói vậy, Ngô Quyền mừng lắm bèn giao cho Nguyễn Tất Tố một đội thuyền chiến nhỏ, với nhiệm vụ "đánh thật mà giả, giả như thất trận thật".

Mang trọng trách được giao, Nguyễn Tất Tố đã hoàn thành xuất sắc, đội thuyền chiến nhỏ thao tác linh hoạt do ông chỉ huy đã tấn công dũng mãnh vào đội thuyền của giặc khi chúng vừa vượt biển tiến vào mạn sông Bạch Đằng, khiến giặc bất ngờ.

Tuy nhiên tự đắc rằng đoàn thuyền "nhỏ như những lá tre" ấy sao chống lại những con thuyền to lớn, tướng giặc Hoằng Tháo thúc chiến và đó cũng là lúc Nguyễn Tất Tố vẫy cờ ra hiệu vờ thua bỏ chạy làm cho sự kiêu ngạo của giặc tăng cao, được thể, ồ ạt đuổi theo, tiến vào bãi cọc mà không hề hay biết.

Chiến tướng nào đã dũng cảm lấy thân mình dụ địch vào bãi cọc ngầm trên sông Bạch Đằng? - Ảnh 3.

Khi nước sông bắt đầu rút, Ngô Quyền chỉ huy đại quân từ ba phía (thủy bộ phối hợp) đổ ra đánh. Quân Nam Hán bị rối loạn phải tháo chạy ra biển, thuyền chiến của chúng va vào cọc nhọn bị chìm đắm, rồi bị những bè lửa ngùn ngụt cháy lao đến thiêu đốt; Nguyễn Tất Tố cũng chỉ huy các thuyền nhỏ đánh quật lại.

Sự phối hợp nhịp nhàng, đúng theo kế hoạch với việc truy kích quyết liệt làm quân Nam Hán hoảng sợ bỏ thuyền nhảy xuống sông, phần bị giết, phần chết đuối, thiệt hại đến quá nửa, chủ tướng giặc là Lưu Hoằng Tháo cũng bỏ mạng tại trận.

2. Đào Nhuận là phụ tá đắc lực của Nguyễn Tất Tố, tư liệu về nhân vật này rất ít ỏi, chỉ biết rằng ông cùng quê ở Nguyễn Tất Tố ở làng Gia Viên, vốn là một dân thường, quen nghề chài lưới, lấy thuyền làm nhà, lấy sông nước làm nơi kiếm sống.

Biết Đào Nhuận là người thông thạo địa hình địa vật, Ngô Quyền đã sai ông và Nguyễn Tất Tố dẫn đầu một lực lượng đi thám sát, thăm dò con nước, các nhánh sông, bờ bãi quanh hai bờ sông Bạch Đằng để bố trí quân mai phục.

Chiến tướng nào đã dũng cảm lấy thân mình dụ địch vào bãi cọc ngầm trên sông Bạch Đằng? - Ảnh 4.

Thuyền giặc sa vào thiên la địa võng (Hình minh họa- Nguồn: artvn)

Trong trận đại chiến trên sông Bạch Đằng, Đào Nhuận điều chiến thuyền cùng với Nguyễn Tất Tố dụ giặc, sau đó phối hợp với cánh quân trên bộ của tướng Phạm Bạch Hổ, được bố trí tấn công giặc tại một địa điểm bên sông.

Ông đã chỉ huy đội thuyền của mình chiến đấu rất dũng cảm, nhanh nhẹn, góp phần vào chiến thắng chung.

Ghi nhớ công tích những người anh hùng của quê hương, sau này người dân ở vùng duyên hải miền Đông khi lập đền thờ Ngô Quyền còn phối thờ một số tướng lĩnh, trong đó có Đào Nhuận, Nguyễn Tất Tố

3. Ba anh em họ Lý ở Hoàng Pha (nay thuộc xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) tên là Lý Minh, Lý Khả, Lý Bảo xuất thân trong gia đình dân dã.

Khi Ngô Quyền và bộ chỉ huy kéo quân về vùng ven biển Đông Bắc chuẩn bị đón đánh quân Nam Hán. Anh hùng nghĩa sĩ, dân chúng ở đây ai cũng nhiệt tình tham gia, người mang vũ khí, kẻ mang thuyền bè tìm đến cửa quân xin diệt giặc.

Ba anh em Lý Minh, Lý Bảo, Lý Khả ở Hoàng Pha biết tin ấy bàn với nhau rằng:

- Sống ở đời phải coi quốc gia làm trọng, nay non sông nguy biến, chính là lúc những người như anh em ta phải ghé vai gánh vác.

Sau đó ba anh em hô hào, chiêu mộ trai tráng trong vùng được hơn trăm người đến doanh trại của Ngô Quyền đầu quân. Khi trận địa cọc ngầm đã được bố trí xong, ba anh em họ Lý được Ngô Quyền cử theo giúp Nguyễn Tất Tố thực hiện kế dụ địch.

Chiến tướng nào đã dũng cảm lấy thân mình dụ địch vào bãi cọc ngầm trên sông Bạch Đằng? - Ảnh 5.

Sau trận đại thắng Bạch Đằng, ba anh em họ Lý được phong làm tướng quân nhưng họ đều từ chối nhận mọi bổng lộc, địa vị mà xin ở lại quê nhà cùng nhân dân vui sống đời sống thôn dã.

Khi ba ông mất, người dân nhớ công đã lập đền thờ phụng, tôn làm Thành hoàng.

Ngày nay ở ngôi chùa Hoàng Pha có tên chữ là An Lạc Tự thuộc xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, không chỉ thờ Phật mà còn có ban thờ các vị thành hoàng làng Hoàng Pha là 3 anh em họ Lý, những người có nhiều công lao chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước và đặc biệt là công sức đóng góp xây dựng quê hương.

Tài liệu tham khảo:

1. Bang giao Đại Việt triều Ngô, Đinh, Tiền Lê – NXB Văn hóa thông tin, 2005

2. Các vị thần thời Ngô Quyền đến Tiền Lê -NXB Quân đội nhân dân, 2011

3. Đại Việt sử ký toàn thư - NXB Văn hóa thông tin, 2006

4. Kể chuyện lịch sử, địa lý Hải Phòng – NXB Hải Phòng, 2000

5. Kể chuyện lịch sử nước nhà thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý– NXB Trẻ, NXB Giáo dục, 2009

6. Kể chuyện 4000 năm giữ nước- NXB Quân đội nhân dân, 1973

7. Lễ hội truyền thống tiêu biểu Hải Phòng – NXB Hải Phòng, 2006

8. Thần tích Việt Nam (Lê Xuân Quang) – NXB Thanh niên, 2007

9. Các tài liệu khác…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại