Nhưng bây giờ, với tôi, Hoàng Anh Tuấn đã là một ấn tượng khó có thể phủ nhận. Sự thay đổi đó của tôi, có cớ sự đến từ tấm vé World Cup đầu tiên trong lịch sử bóng đá sân 11 người của Việt Nam, nhưng hoàn toàn không phải bởi hào quang của thành tích ấy mà thành.
Sau ngày giành vé World Cup U20, tôi viết 1 bài về Trần Minh Chiến, theo đề nghị của một tòa soạn. Họ muốn tôi viết về người đã tạo dựng nên lứa cầu thủ U19 xuất thân từ PVF, những Minh Dĩ, Đức Chinh, Tiến Dụng, Việt Anh… Bài viết đó đã thành cái cớ để tôi và Hoàng Anh Tuấn quen nhau. Từ Bahrain, anh nhắn qua facebook cho tôi "Add fb anh".
Rồi từ sau cú "kết bạn facebook" kia, tôi và anh Tuấn nói chuyện với nhau nhiều, qua những tin nhắn trên mạng. Để rồi từ đó, tôi cũng cảm mến anh hơn, đằng sau một tấm vé vinh quang đủ sức ghi danh anh vào lịch sử nền bóng đá nước nhà, bất chấp rằng anh đã từng (và vẫn còn) bị đánh giá thua kém nhiều "ngôi sao" bóng đá khác.
Cũng trong một chia sẻ facebook, một đồng nghiệp mà tôi vô cùng quý mến đã "thắc mắc" với tôi rằng "lúc người ta chê (ám chỉ chê Hoàng Anh Tuấn) sao anh không bảo vệ? Giờ thì nói gì chả được. Lúc đó người ta mới cần chứ".
Đó là một câu hỏi rất hay. Người ta là vậy. Thói đời là vậy. Phù thịnh chứ ai phù suy bao giờ. Và nó càng làm tôi nhớ thời gian Hoàng Anh Tuấn còn chưa là Hoàng Anh Tuấn World Cup.
Tôi từng đọc những dòng người ta chê bai anh, nói anh kém, yêu cầu anh nghỉ đi, đừng làm tuyển nữa. Trước những dòng ấy, tôi dửng dưng. Có chăng, chỉ một đôi lần, trong chương trình bình luận trên truyền hình (Đội Tuyển Tôi Yêu), tôi nhẹ nhàng bảo vệ anh, với quan điểm "đừng vội vã phán xét người khác, nhất là về tư cách và năng lực".
Trước khi đoạt vé tới World Cup U20 năm sau, HLV Hoàng Anh Tuấn đã phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích.
Và tôi trả lời người đồng nghiệp yêu quý của mình rằng "Câu hỏi của em rất hay. Lúc anh bảo vệ sao không ai quan tâm và chia sẻ? Nó yếu ớt vô chừng vì lẽ gì? Hay là khi anh Hoàng Anh Tuấn có thành tích thì người ta mới bắt đầu tra vấn anh rằng anh "tại sao bênh?"".
Đúng vậy, chúng ta quen sống với mối hoài nghi găm theo mình, như vũ khí, như vật bất ly thân. Và hoài nghi ấy chụp lên những người như Hoàng Anh Tuấn, như tấm lưới chụp lên những con cá vậy.
May là Hoàng Anh Tuấn không "giãy giụa" trong tấm lưới ấy. Con cá càng giãy giụa, nó càng khốn khổ, càng không thể thoát ra khỏi tấm lưới. Tuấn nói với tôi rất hay "Chưa làm được thì họ nói mình ngu. Mình mới làm được một chút thôi là sẽ có người đố kỵ. Sống mãi trong cái lò bát quái ấy nên anh thấy mọi thứ đều bình thường hết em à".
Mọi thứ đều bình thường hết. Thế nên con cá mới không bị tấm lưới làm cho giãy giụa, mà thay vào đó, nó lặng lẽ tìm ngách hở nào đó để thoát khỏi tấm lưới ngờ vực luôn được giăng sẵn kia.
Cái cách mà Hoàng Anh Tuấn đi ra khỏi tấm lưới ngờ vực không hẳn đã nhẹ nhàng gì. Nó cũng để lại vết thương cho chính anh.
Tuấn tâm sự với tôi rằng "Giờ anh mới được thanh thản, không phải vì thành tích mình đạt được. Mà cái được lớn nhất của anh là các quyết định của anh đã đúng, dù để quyết định nó, anh có khi phải hơi nhẫn tâm một chút, không xuất phát từ cái tình cảm thực của mình". Tôi mập mờ hiểu chuyện gì đó có thể đã xảy ra, giằng xé nào đó có thể đã có.
Nhưng tất cả những gì tôi làm được chỉ là lời an ủi. "Công việc gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ. Và khi quyết định hướng đến cái chung thì không thể nói là nó tàn nhẫn hay thiếu lương tâm được. Bởi nếu anh không đạt được mục tiêu, anh là người gánh chịu hết. Sự tàn nhẫn khó đánh giá lắm".
Nếu không thành công ở U19 châu Á thì thay bằng nụ cười này, có thể HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ mất chức.
Đúng, nếu như Hoàng Anh Tuấn không hoàn thành tốt nhiệm vụ ở giải đấu này, chính anh sẽ là con cá lên thớt của dư luận, của đồng nghiệp, vì chính những quyết định mà tự anh cho là nhẫn tâm ấy.
Và Tuấn cũng kể về những giông bão trước khi lên đường thi đấu. Rồi anh kể cả những khó khăn mà đội gặp phải, từ chuyện nhiều cầu thủ giỏi nhưng thời gian tập trung gấp rút quá, nên họ chỉ lên tuyển ở những ngày cuối cùng trước khi lên đường. Bởi thế, nhiều kế hoạch đã phải xáo trộn.
Song, cái anh được là ý chí của cả một tập thể học trò. Và tôi tin rằng, ý chí ấy đến một phần lớn cũng từ động lực mà anh tạo ra cho họ. Đó là cái đích được trình chiếu bằng máy chiếu trong các buổi họp đấu pháp: Chúng ta phải tới World Cup.
Tôi quay lại với câu hỏi cũ rích, về những quan điểm của "giới chuyên môn" và "giới truyền thông" suốt thời gian qua, những quan điểm tỏ rõ sự không tin tưởng khả năng của anh, và rồi khi anh giành thành quả thì cũng không tâm phục khẩu phục mà chỉ coi đó như "cái may mà Tuấn có được".
Tuấn gửi một câu trả lời nhanh, gọn, và bằng câu hỏi "Họ phục anh thì họ được cái gì hả em? Cái anh cần phải làm anh đã làm rồi, chẳng lẽ anh cứ phải đi làm những việc chỉ để cho người ta phục mình? Đúng không?".
Tôi giật mình. Nhiều khi chính tôi cũng đi làm những việc chỉ để tìm sự ghi nhận ở người khác để rồi suy cho cùng, đó chỉ là việc vô ích. Câu hỏi mà trả lời ấy của Tuấn bắt đúng cái bệnh của tôi, và của nhiều người: bệnh thiếu tự tin. À, mà nếu Tuấn cũng thiếu tự tin, học trò của anh chắc gì đã chơi bóng được với tinh thần như thế. Đội bóng là phản chiếu của cá tính người HLV mà.
Sung sướng tột độ, U19 Việt Nam “đại náo” phòng thay đồ
Và anh chốt lại bằng một câu mà tôi thấy mình cần nhớ thật lâu: "Thời gian mình dành cho gia đình mình còn chưa đủ, sao lại tốn thời gian cho những việc thị phi vô bổ đó làm gì em ơi". Tôi rời màn hình "chat", nhìn sang con trai tôi đang ngủ. Giờ đã là nửa đêm. Và tôi thầm tính nhẩm khoảng thời gian tôi dành cho nó mỗi ngày. Tôi hiểu…
Hoàng Anh Tuấn có tài không? Tôi không trả lời câu hỏi đó.
Hoàng Anh Tuấn có tốt không? Tôi không trả lời câu hỏi đó.
Hoàng Anh Tuấn có phải một ‘tượng đài mới’ của BĐVN không? Tôi càng không muốn kiếm tìm câu trả lời cho nó.
Tôi chỉ tin một điều thôi: Tuấn sẽ là người anh tôi có thể chơi được lâu dài, với sự tin tưởng hoàn toàn, dù ngoài đời thực, chúng tôi chưa từng bao giờ gặp mặt.
Đơn giản, khi làm quen, Tuấn "chat" với tôi để nói câu đầu tiên, về Trần Minh Chiến, "Anh hứa với Minh Chiến sẽ làm tất cả cho nó. Và dứt khoát anh không quên lời hứa ấy. Giờ này, lẽ ra nó phải ở đây với anh chứ. Nó xứng đáng được như vậy. Phải không Minh?".
Tuấn à, Chiến ơi, người HLV mà biết sống có chữ tín, có chữ nghĩa, có chữ tình, thì học trò nó mới giỏi. Thầy không sống cho ra người đàn ông, trò sao nó ra sân chơi bóng dũng cảm như đàn ông được.
Còn giữa cái "lò bát quái" này, anh em bạn bè còn giữ được suy nghĩ, tình cảm, tận tâm cho nhau là đã quý lắm rồi. Lời hứa, đừng để nó thành tấm lưới khác, chụp lên mình và làm mình giãy giụa…