Phát biểu của ông Trump trước những người ủng hộ ở Tampa, bang Florida, ngày 1/8, là tín hiệu mới nhất về các vấn đề giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên khi Washington cố gắng thực thi thỏa thuận giữa ông Trump với lãnh đạo Kim Jong Un ngày 12/6 về việc "hợp tác hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn".
"Chúng ta đang làm tốt ở Triều Tiên, dù đôi khi tôi nghĩ là chúng ta đang làm rất tốt [về chiến tranh thương mại] với Trung Quốc, đến mức Trung Quốc có thể đang ngáng đường chúng ta," tổng thống Mỹ nói trong phần lý giải cuộc chiến thương mại do ông phát động nhằm vào Trung Quốc.
Ông Trump nhắc rằng thành quả đạt được với Triều Tiên là lãnh đạo Kim Jong Un đang tiếp tục kiểm soát tốt chương trình hạt nhân, tên lửa của nước này.
"Không có vụ thử nào, không có tên lửa phóng đi. Rồi chúng sẽ thấy mọi chuyện ra sao," ông nói.
Tổng thống Trump không cung cấp chi tiết Trung Quốc can thiệp các cuộc đối thoại về hạt nhân với Bình Nhưỡng như thế nào, song đây không phải lần đầu ông nêu "ẩn ý" rằng Bắc Kinh gây sức ép lên Triều Tiên giữa bối cảnh Mỹ-Trung căng thẳng thương mại.
Sau cuộc hội đàm với ông Kim Jong Un tại Singapore, ông Trump thừa nhận rằng đối đầu thương mại Mỹ-Trung có thể khiến Mỹ mất đi sự hợp tác của chủ tịch Tập Cận Bình.
Ngoài vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, Trung Quốc còn được ông Trump đánh giá là nhân tố quan trọng nhất trong chiến dịch "sức ép tối đa" của Mỹ nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.
Sau khi lãnh đạo Mỹ-Trung gặp gỡ tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của gia đình Trump, ban lãnh đạo Trung Quốc đã mạnh tay hơn trong việc ủng hộ và chấp hành các vòng cấm vận của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên, bao gồm siết chặt thương mại ở vùng biên Trung-Triều.
Cho đến nay, Bắc Kinh luôn tránh tạo ra xáo trộn giữa mâu thuẫn về thương mại [với Mỹ] và vấn đề Triều Tiên. Chính phủ Trung Quốc chỉ nói rằng HĐBA cần tái xem xét các lệnh cấm vận sau thượng đỉnh Trump-Kim.
Trump khẳng định trước những cử tri ủng hộ ông, rằng ông đang có mối quan hệ tốt với lãnh đạo Kim.
"Không có gì bằng đối thoại," tổng thống cho biết.
Bình luận của ông Trump đưa ra trước thềm diễn đàn an ninh vào tuần này ở Singapore - nơi ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được kỳ vọng có cuộc tiếp xúc đầu tiên với đồng cấp Triều Tiên Ri Yong Ho.
Ngoại trưởng Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc - những nước tham gia các vòng đàm phán 6 bên trước đây nhằm hóa giải vấn đề hạt nhân Triều Tiên - cũng sẽ có mặt.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), lệnh cắt nguồn cung dầu và nhiên liệu cho Triều Tiên cần phải có sự chấp hành trước hết là từ Trung Quốc - nước cung cấp phần lớn nhu cầu năng lượng của Bình Nhưỡng, và sau đó là Nga.
Bất chấp nhiều lo ngại về tiến độ giải trừ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, các bộ trưởng tham dự diễn đàn được cho là sẽ có tiếng nói đề cao thỏa thuận giữa ông Trump và ông Kim.
Các bên sẽ khích lệ Mỹ và Triều Tiên "tiếp tục hợp tác nhằm đạt được hòa bình và ổn định lâu dài trên một bán đảo liên Triều phi hạt nhân" - trích dự thảo tuyên bố của diễn đàn mà hãng tin AFP có được.