Chiến tranh thương mại toàn cầu: Cấm đối thủ, chặn đồng minh, Mỹ "không sứt đầu cũng mẻ trán"

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Cuộc chiến tranh thương mại của chính quyền Tổng thống Trump không chỉ chống lại những nước thù địch mà còn nhằm vào cả đồng minh của mình.

Cuộc chiến tranh kinh tế trên phạm vi toàn cầu

Mặc dù bị dư luận phản đối mạnh mẽ, Mỹ vẫn tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề nhất từ trước tới nay chống Iran, thậm chí cả đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 6/8/2018, Tổng thống Donald Trump đã công bố lệnh cấm vận toàn diện đợt đầu tiên đối với Iran và đầu tháng 11 tới sẽ cấm Iran xuất khẩu dầu mỏ.

Mục tiêu là bóp nghẹt nền kinh tế Iran, gây sức ép buộc Iran thay đổi chính sách, kích động dân chúng nổi dậy lật đổ chính quyền.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp theo việc trừng phạt nhằm vào hai bộ trưởng trong chính phủ của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Trump đã quyết định tăng gấp đôi mức thuế đánh vào thép và nhôm của nước này, cụ thể 20% đối với nhôm và 50% đối với thép.

Có thể nói, kể từ khi NATO tuyên bố thành lập năm 1949 đến nay, quan hệ giữa hai đồng minh trong khối quân sự này chưa bao giờ tồi tệ như bây giờ.

Với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Nga, Triều Tiên, châm ngòi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, liên minh châu Âu... Washington đã thực sự bước vào cuộc chiến tranh kinh tế trên phạm vi toàn cầu.

Chiến tranh thương mại toàn cầu: Cấm đối thủ, chặn đồng minh, Mỹ không sứt đầu cũng mẻ trán  - Ảnh 1.

Giá đậu tương trên thị trường thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất 10 năm do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Ảnh: Sina

Lực lượng mới đang hình thành chống lại chính sách cường quyền của Mỹ

Các nước bị cấm vận đang có nhiều hành động mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích của mình và chống lại chính sách của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Nga, Trung Quốc, liên minh châu Âu sẽ dùng đồng tiền của mình để làm phương tiện thanh toán cho các hợp đồng thương mại.

Đồng đô la sẽ không còn là phương tiện thành toán duy nhất nữa. Đấy là chưa kể đến các nước này cũng áp thuế đáp trả đối với các hàng hoá của Mỹ.

Tại Trung Đông đang hình thành một tam giác chiến lược Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề khu vực.

Trên bình diện rộng lớn hơn, các nước gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước trong Tổ chức hợp tác Thượng Hải, nhóm BRICS và thậm chí cả Liên minh châu Âu (EU) đang phối hợp hành động đê đối phó lại cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Đáng lưu ý, theo sáng kiến của Tổng thống Erdogan, một cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Đức và Pháp sẽ được tổ chức tại thành phố Istanbul vào ngày 7/9/2018 tới để bàn giải pháp cho cuộc xung đột Syria.

Cũng không phải ngẫu nhiên, các nhà lãnh đạo cao nhất của 5 quốc gia ven biển Kaspian gồm Tổng thống Ilham Aliyev của Azerbaijan, Hassan Rohani của Iran, Nursultan Nazarbaev của Kazakhstan, Vladimir Putin của Nga và Gurbanguly Berdymukhammedov của Turkmenistan đã tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh tại Aktau (Kazakhstan) và ngày 12/8/2018, sau hơn 20 năm đàm phán đã đạt được thỏa thuận lịch sử về hợp tác trong các lĩnh vực.

Đặc biệt, tuyên bố cuối cùng của Hội nghị nêu rõ "chỉ lực lượng của các nước ven biển Kaspuan mới có quyền có mặt ở đây". Đây là thắng lợi lớn của Nga bởi vì các lực lượng của NATO, trong đó có Mỹ không được bén mảng tới khu vực này.

Thỏa thuận này có ý nghĩa hết sức đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường các biện pháp cấm vận, cô lập Iran và Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự xích lại gần nhau giữa Pakistan và Iran sẽ phản ánh tiêu cực lên kế hoạch của Washington. Pakistan dưới thời Tổng thống mới được bầu Imran Khan đã không tuân theo chiếc gậy chỉ huy của Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan Mohammad Faisal mới đây đã tuyên bố Pakistan sẽ không thực hiện các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Iran, quan hệ buôn bán với Iran vẫn được tiếp tục không có gì thay đổi. Pakistan là một quốc gia có chủ quyền, đề ra chính sách theo lợi ích của mình chứ không theo lệnh áp đặt từ bên ngoài.

Sự thay đổi quan điểm này của Pakistan có nghĩa là Pakistan muốn tách ra khỏi Ả rập Saudi và một số nước vùng Vịnh khác, quyết định đứng về phía Iran trong cuộc đối đầu với chính quyền của Tổng thống D. Trump.

Các biện pháp cấm vận hay còn được gọi là cuộc chiến tranh kinh tế nhằm vào Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, ba thành viên trong "Cơ chế Sochi" đang củng cố thêm sự đoàn kết của ba nước này với nhau, đồng thời tăng cường sự hợp tác giữa Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan với Tổ chức hợp tác Thượng Hải và nhóm BRICS (Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Chiến tranh thương mại toàn cầu: Cấm đối thủ, chặn đồng minh, Mỹ không sứt đầu cũng mẻ trán  - Ảnh 2.

Đây là những nước tuyên bố phản đối các biện pháp cấm vận của Washington. Nếu các nước này đoàn kết với nhau chống lại các biện pháp cấm vận của Mỹ thì Mỹ thì Mỹ không dễ gì khuất phục được họ.

Malaysia dưới thời Thủ tướng mới Mahathir Mohamad cũng bắt đầu thay đổi thái độ, rút khỏi Liên minh quân sự Hồi giáo, bắt đầu bằng việc chấm dứt tham gia vào Liên quân trong cuộc chiến Yemen.

Trong một động thái mạnh mẽ hơn nữa, ngày 7/8/2018 vừa qua Malaysia đã quyết định đóng cửa Trung tâm chống khủng bố của Ả rập Saudi mở tại Kuala-Lumpur tháng 3/2017 dưới tên "King Salman Center for International Peace" (KSCIP). Theo một số nguồn tin, Indonesia cũng đang tính toán rút khỏi Liên minh do Ả rập Saudi đứng đầu này.

Không phân biệt bạn thù trong cuộc chiến tranh kinh tế, thương mại, Washington "không sứt đầu thì cũng bị mẻ trán"

Cuộc chiến tranh kinh tế, thương mại của chính quyền Tổng thống Trump không chỉ chống lại những nước thù địch mà còn nhằm vào cả đồng minh của mình.

Nếu trước đây các biện pháp trừng phạt kinh tế, thương mại của Washington... chủ yếu nhằm vào Iran, Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Venezuela và Cuba, thì nay ông Trump nhằm cả vào các đồng minh thân cận của mình là Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ, Canada....là những đồng minh thân cận của Mỹ.

Đã là chiến tranh, dù đó là chiến tranh thương mại chống lại các nước thì bản thân Mỹ cũng không thể tránh khỏi thiệt hại.

Mới đây, cơ quan xếp hạng Fitch Ratings cho biết, do thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm tăng và các biện pháp trả đũa của các nước sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch buôn bán ước tính 2 ngàn tỷ đô la của Mỹ, giá hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ tăng 35-40%, gây thiệt hại cho tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Mỹ khoảng 0,5%.

Đây là thiệt hại về kinh tế có thể tính toán được. Còn thiệt hại vô hình không thể đo đếm được còn lớn hơn rất nhiều.

Bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại các nước, Washington đã đánh mất đi niềm tin với tư cách một nước lớn, tự đặt mình đối đầu với cả cộng đồng quốc tế, đẩy các nước tập hợp lại với nhau chống Mỹ. Washington đang mất đi nhiều đồng minh.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan viết trên báo New York Times số ra ngày 10/8/2018 " các hành động đơn phương của Mỹ chống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hủy hoại lợi ích của Mỹ và buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải đi tìm những người bạn và đồng minh mới ".

Các đảng đối lập, đứng đầu là đảng Nhân dân Cộng hoà (CHP) lớn thứ hai ở Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng hết sức gay gắt, cho rằng Washington đã vi phạm tới nhân phẩm và lòng tự trong của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ đã không giành được thắng lợi trong các cuộc chiến tranh nóng chống Afghanistan, Iraq, Libya, Syria....thì cuộc chiến tranh kinh tế của Mỹ có thể gây khó khăn cho các nước, nhưng cũng sẽ không đạt được kết quả mong muốn..

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại