Chiến tranh thương mại chưa kết thúc, Mỹ tiếp tục chịu đòn tấn công từ thế lực "bí mật, lành nghề"

An An |

Cuộc tấn công từ Trung Quốc xảy ra đồng thời với cuộc tấn công từ Iran nhằm để đánh cắp bí mật thương mại và quân sự của các nhà thầu quân sự và công ty công nghệ Mỹ

Các cơ quan doanh nghiệp và chính phủ Mỹ là mục tiêu tấn công chủ yếu của tin tặc Iran và Trung Quốc. Các chuyên gia an ninh cho rằng, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm ngoái và cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã khiến những tin tặc này có "động lực hơn", The New York Times viết.

Tờ này cũng cho biết, các cuộc tấn công mạng gần đây của Iran vào các ngân hàng, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ Mỹ đã mở rộng hơn so với trước đây.

Theo nguồn tin riêng của NYT, cuộc tấn công từ Trung Quốc xảy ra đồng thời với cuộc tấn công từ Iran nhằm để đánh cắp bí mật thương mại và quân sự của các nhà thầu quân sự và công ty công nghệ Mỹ, trong đó có các mục tiêu nổi bật như Boeing, General Electric và T-Mobile.

"Giới quan chức tình báo và các nhà nghiên cứu an ninh tư nhân cho biết, thỏa thuận an ninh mạng giữa Bắc Kinh và Washington được ký kết năm 2015 dường như đã bị hủy bỏ một cách không chính thức trong bối cảnh căng thẳng song phương đang leo thang, Các hoạt động tấn công của tin tặc Trung Quốc khôi phục như trước đây và giờ đây lực lượng này trở nên bí mật và lành nghề hơn", NYT nhận định.

"Không gian mạng là đối tượng để đối thủ tấn công, trả đũa chúng ta một cách hiệu quả và khốc liệt nhưng lại không bao giờ đạt tới mức độ của một cuộc tấn công vũ trang hoặc ngưỡng cửa chiến tranh." Joel Brenner, người từng phụ trách lĩnh vực phản gián Mỹ thuộc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ nhấn mạnh.

Theo NYT, từ trước tới nay, người dân Mỹ vẫn coi tin tặc Nga là đối thủ quan trọng nhất nhưng thực tế các mối đe dọa từ Trung Quốc và Iran chưa bao giờ dừng lại hoàn toàn.

"Các nhà nghiên cứu cho biết nhiệm vụ chính của tin tặc Bắc Kinh là hậu thuẫn cho kế hoạch phát triển kinh tế cho 5 năm của Bắc Kinh, nhằm mục đích đưa Trung Quốc trở thành lãnh đạo hàng đầu về trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mũi nhọn khác", báo Mỹ cho biết, động cơ của tin tặc Trung Quốc xuất phát từ động cơ thương mại.

"Một số thu thập tình báo gần đây xuất phát từ mục đích quân sự hoặc chuẩn bị cho cuộc xung đột không gian mạng trong tương lai, nhưng nhiều "vụ trộm" gần đây lại xuất phát từ kế hoạch phát triển kinh tế cho năm năm và các chiến lược công nghệ khác," Adam Segal chuyên gia trong an ninh mạng tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ nói.

NYT cho hay, bên cạnh lực lượng tin tặc từ Trung Quốc thì các cơ quan liên bang Mỹ cũng đang nỗ lực ngăn chặn một đợt tấn công mới từ tin tặc Iran.

Sau khi chính quyền Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen đã tuyên bố trước Quốc hội rằng, Mỹ sẽ có khả năng đối mặt với các vụ tấn công của tin tặc Iran.

Theo NYT, đợt tấn công mới nhất của tin tặc Iran đã bắt đầu vào năm ngoái với mục tiêu là các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư. Các nhà nghiên cứu tại công ty an ninh không gian mạng Fire Eye cho biết, kể từ đó, mục tiêu tấn công của lực lượng này đã lên tới 80 quốc gia vùng lãnh thổ, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ Internet, các công ty viễn thông và các cơ quan chính phủ ở 12 quốc gia châu Âu và Mỹ.

Benjamin Read, quản lý cấp cao của Phòng phân tích gián điệp không gian mạng Fire Eye cho biết, mục tiêu của tin tặc Iran bao gồm các cơ quan cảnh sát, cơ quan tình báo và Bộ Ngoại giao.

Các vụ tấn công gần đây ở Iran đã khiến giới quan chức Mỹ rất căng thẳng. Fire Eye cũng cho biết, hoạt động gián điệp của các tin tặc Iran đã nâng cấp đáng kể.

"Nếu bạn nói với người Iran rằng, bạn sẽ rút khỏi thỏa thuận và làm mọi cách có thể để phá hủy chính phủ của họ", cựu quan chức tình báo Mỹ Brenner nói. "Nếu họ tấn công an ninh không gian mạng của chính phủ của chúng ta, thì bạn chắc sẽ không ngạc nhiên."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại