Hình ảnh từ video mô phỏng Kế hoạch A cho thấy kịch bản chiến tranh hạt nhân nổ ra sẽ như thế nào.
Chương trình mô phỏng này là một video kéo dài 4 phút gọi là Kế hoạch A do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Princeton phát triển.
Ngày 24/2/2022, Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine . Mặc dù phương Tây không trực tiếp tham chiến nhưng các nước này cung cấp ngày càng nhiều vũ khí hiện đại hơn cho Kiev. Sự liên quan của các cường quốc hạt nhân trong cuộc xung đột ở Ukraine đã làm nóng các cuộc thảo luận về nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân.
"Như đã thấy, đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất với chiều hướng có thể xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Nga với Mỹ hoặc NATO kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, thậm chí cả khi rủi ro của xung đột hạt nhân vẫn được cho là ở mức thấp", ông Alex Glaser, một trong những người tham gia vào việc xây dựng video mô phỏng Kế hoạch A nhận định với Newsweek.
"Một cuộc khủng hoảng giống như cuộc khủng hoảng chúng ta đối mặt hiện nay thường dẫn đến những tính toán sai lầm giữa các bên và ngày càng tồi tệ hơn khi hầu như có rất ít đường dây liên lạc chủ động giữa Nga và Mỹ hoặc NATO", Giáo sư Glaser thuộc trường Đại học Princeton cho hay.
Trước đó, trong năm nay, Nga và Mỹ đã từ bỏ một số hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Kế hoạch A cho thấy một cuộc xung đột hạt nhân khu vực có thể nhanh chóng leo thang thành một thảm họa toàn cầu như thế nào dựa trên những dữ liệu sẵn có.
"Đội ngũ của chúng tôi đã sử dụng các đánh giá độc lập dựa trên lập trường của Nga và Mỹ, các kế hoạch hạt nhân cũng như các mục tiêu vũ khí hạt nhân. Mô phỏng này được hỗ trợ bởi các dữ liệu về những vũ khí hạt nhân được triển khai, đương lượng nổ của vũ khí hạt nhân và các mục tiêu của những vũ khí cụ thể, cũng như trật tự các vũ khí có thể được sử dụng để nhắm vào các mục tiêu trong từng giai đoạn của cuộc chiến, từ đó cho thấy những diễn biến của một cuộc xung đột hạt nhân".
"Dĩ nhiên, chúng tôi không thể tiếp cận bất kỳ thông tin mật nào và thường sử dụng các nguyên tắc đơn giản khi xem xét các vũ khí được huy động để nhắm vào các mục tiêu", ông Glaser nói.
Số lượng thương vong ngay lập tức trong từng giai đoạn của cuộc xung đột sử dụng dữ liệu từ NUKEMAP.
"Ước tính có hơn 90 triệu người thiệt mạng và bị thương trong một vài giờ đầu của cuộc xung đột. Số lượng thương vong trên thực tế sẽ tăng lên đáng kể do sự sụp đổ của các hệ thống y tế cũng như đám mây phóng xạ và những hiệu ứng dài hạn khác, trong đó có mùa đông hạt nhân trên quy mô toàn cầu".
Mô hình này bắt đầu với bối cảnh của một cuộc xung đột theo quy ước sau đó leo thang thành chiến tranh hạt nhân và những đòn đáp trả nhau giữa các bên. Xung đột hạt nhân có thể leo thang nhanh chóng ở châu Âu với việc Nga sử dụng 300 đầu đạn thông qua máy bay chiến đấu và tên lửa tầm ngắn để nhắm vào các căn cứ của NATO. Sau đó, NATO sẽ đáp trả bằng 600 đầu đạn từ các tên lửa phóng từ mặt đất và phóng từ tàu ngầm của Mỹ để nhắm vào các lực lượng hạt nhân của Nga. Trước khi các hệ thống bị phá hủy, Nga sẽ phóng tên lửa từ các silo, phương tiện di động và tàu ngầm.
Trong giai đoạn cuối của cuộc xung đột, cả Nga và NATO sẽ nhắm vào 30 thành phố đông dân nhất và các trung tâm kinh tế của đối phương.
Theo ông Glaser, một cuộc chiến hạt nhân trên quy mô toàn cầu như vậy chắc chắn sẽ được coi là "kịch bản tồi tệ nhất".
Dù có khả năng xảy ra hay không thì nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân vẫn ở mức hạn chế và bên còn lại sẽ kiềm chế hoặc chỉ phản ứng bằng các vũ khí theo quy ước. Do đó, những người ra quyết định sẽ đứng trước sức ép lớn để đưa ra phản ứng phù hợp.
Theo ông Glaser, những hậu quả của chiến tranh hạt nhân đối với Trái Đất sẽ "không thể tưởng tượng nổi".
"Ngoài gây ra thương vong ngay lập tức cũng như sự sụp đổ về kinh tế - xã hội, trong những năm sau cuộc xung đột, hiện tượng mùa đông hạt nhân sẽ làm tồi tệ hơn thảm họa này", chuyên gia Glaser cho hay, đồng thời chỉ ra một nghiên cứu cho thấy hơn 5 tỷ người có thể thiệt mạng do cuộc xung đột hạt nhân giữa Nga và Mỹ.
"Tôi không muốn tính toán sẽ mất bao lâu để thế giới có thể khôi phục", ông Glaser cho hay./.