Chiến tranh Biên giới Tây Nam: Trận đổ bộ thần tốc đánh chiếm quân cảng Ream

Thanh Hoa |

Trên hướng biển, địch thủ của Hải quân nhân dân Việt Nam là sư đoàn hải quân 164 và trung đoàn biên phòng 17 của Polpot, cùng các lực lượng trên bộ khác, với hàng trăm tàu thuyền các loại, với quân số đông đảo và nhiều loại hỏa lực mạnh.

Trong chiến dịch giải phóng đất nước và nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng Polpot đầu năm 1979, bên cạnh những mũi tiến công trên bộ của các quân khu, các quân đoàn chủ lực, thì Hải quân nhân dân Việt Nam cũng đảm nhiệm những hướng tiến công quan trọng: Hủy diệt lực lượng hải quân Khmer Đỏ, thực hành đổ bộ đường biển để yểm hộ cho các mũi tiến công của lục quân.

Trên hướng biển, địch thủ của Hải quân nhân dân Việt Nam là sư đoàn hải quân 164 và trung đoàn biên phòng 17 của Polpot, cùng các lực lượng trên bộ khác, với hàng trăm tàu thuyền các loại, với quân số đông đảo và nhiều loại hỏa lực mạnh.

Trong hoàn cảnh đó, với sự phối hợp cùng không quân và lục quân, Hải quân nhân dân Việt Nam đã tiến hành nhiều trận hải chiến, đánh bại lực lượng tàu chiến của quân Polpot, bảo vệ thành công cho cuộc đổ bộ của Lữ đoàn hải quân đánh bộ 126 lên bãi biển Tà Lơn đêm 06/01/1979.

Sau khi đổ bộ thành công, quân ta bắt đầu phát triển đánh chiếm các quân cảng quan trọng của địch, gồm Sihanoukville (Kampong som) và Ream. Trong đó, trận hợp công thủy - bộ đánh chiếm quân cảng Ream của quân Khmer Đỏ ngày 09-10/01/1979 là một chiến thắng rực rỡ của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Chỉ trong khoảng 24 giờ đồng hồ, Hải quân ta đã vừa trinh sát, vừa chế áp hỏa lực địch, vừa tiến hành đổ bộ đánh chiếm một quân cảng quan trọng bậc nhất của hải quân Polpot.

Chiến tranh Biên giới Tây Nam: Trận đổ bộ thần tốc đánh chiếm quân cảng Ream - Ảnh 1.

Hải quân đánh bộ Lữ đoàn 101 lên tàu.

Bối cảnh trận đánh

Ream là một quân cảng của Khmer Đỏ, nằm ở tây bắc đảo Phú Quốc, cách Phú Quốc chừng 25km, nằm trong tầm bắn của pháo hạng nặng cỡ 130mm, thuộc biên chế tiểu đoàn pháo binh 21, Vùng 5 Hải quân trên đảo Phú Quốc.

Do đó, khi thực hành đổ bộ chiếm cảng, hải quân ta có được sự yểm hộ hỏa lực mạnh mẽ của pháo binh.

Tuy vậy, địa thế của Ream rất phức tạp, có nhiều đảo nhỏ bao bọc, che khuất, thuận lợi cho quân địch che giấu lực lượng, bất ngờ tấn công hải quân ta. Phía ngoài cảng Ream có đảo Hòn Nước và Phú Dự che chắn, chỉ cách đảo Phú Quốc của ta chừng 4km, khiến hai bên đều có thể theo dõi động tĩnh của nhau.

Vùng biển phía tây nam đảo Phú Quốc rộng rãi, dễ cơ động, song chịu ảnh hưởng của gió mùa và sóng lớn, gây khó khăn cho hạm tàu hải quân ta. Trên bờ, trên các đảo có rừng cây rậm rạp rất khó phát hiện những trận địa hỏa lực của địch, khu vực cảng Ream hoàn toàn xa lạ với Hải quân nhân dân Việt Nam.

Trước ngày 07/01/1979, trong căn cứ Ream có biên chế nhiều tàu chiến của sư đoàn hải quân 164 của địch, gồm tàu tuần tiễu, tàu phóng lôi, tàu PCF, tàu quét mìn và các thuyền chiến đấu bằng gỗ.

Nhưng sau trận đọ sức với Hải quân nhân dân Việt Nam ngày 06-07/01/1979, Hải quân Polpot đã bị thiệt hại nhiều tàu. Nhận thấy không còn khả năng đột kích vào Hải quân ta trên biển, quân Khmer Đỏ đã tự phá hủy, đánh chìm đa số tàu còn lại, và rút lính thủy lên bờ, dựa vào hệ thống công sự, hầm hào ven bờ để chống trả.

Cán cân lực lượng

Tại căn cứ Ream, địch ước tính có trên 1.100 tên, gồm một tiểu đoàn của trung đoàn 63, sư đoàn 164, hai trận địa pháo cao xạ 37mm hai nòng (8 khẩu), bốn trận địa súng cối và súng ĐKZ, hai trận địa trọng liên 12,7mm, cùng nhiều chốt hỏa lực trung liên, đại liên.

Cụ thể: Một trận địa 12,7 mm ở mỏm giữa Hòn Tây Nam. Một trận địa 12,7 mm ở Hòn Giữa. Một trận địa súng cối và ĐKZ ở phía bắc Hòn Dừa. Một trận địa cối ở phía nam Hòn Luông. Một trận địa pháo cao xạ 37 mm di động ở đầu phía bắc cầu cảng.

Một trận địa pháo cao xạ 37 mm cố định ở phía nam cảng. Một trận địa cối và đại liên ở phía nam cầu cảng. Một tuyến phòng thủ giao thông hào và các ụ hỏa lực từ bắc cầu cảng chính đến cầu cảng Cá.

Theo kế hoạch ban đầu, Hạm đội 171 của Hải quân nhân dân Việt Nam sẽ làm nhiệm vụ bắn dọn bãi đổ bộ cho lực lượng của Vùng 5 Hải quân. Tuy nhiên, do tình huống phát sinh ngoài dự kiến, nên việc này chưa thực hiện được.

Lữ đoàn 127 của Vùng 5 Hải quân đã huy động 06 tàu PGM, 06 tàu PCF, và 02 tàu đổ bộ cơ giới LCM-8 từ bãi Tà Lơn sang, để bổ sung cho lực lượng sẵn có của Hạm đội 171 (gồm 04 tàu chiến lớn HQ-01, HQ-03, HQ-05, HQ-07, 04 tàu tuần tiễu K-62 100 tấn, 01 tàu PGM).

Lực lượng tàu chiến đấu chủ yếu là các tàu chiến hệ 2 (chiến lợi phẩm thu được từ Hải quân chế độ cũ), ngoại trừ một số tàu chiến lớn (như tàu HQ-01 có lượng giãn nước 2.800 tấn, HQ-03 1.600 tấn, HQ-05 và HQ-07 650 tấn) thì đa số chỉ có lượng giãn nước khoảng 100 tấn.

Hỏa lực chủ yếu của hạm tàu Hải quân nhân dân Việt Nam là pháo cao xạ 37mm và 25mm, trọng liên 14,5mm và 12,7mm. Một số tàu chiến lớn có pháo lớn cỡ 127mm và 76mm. Ngoài ra, trên nhiều tàu có trang bị các giàn hỏa tiễn phóng loạt H12 để oanh kích diện rộng.

Lực lượng trực tiếp đổ bộ gồm 02 tàu PCF (số hiệu 108 và 3825), 04 tàu vedette, 05 tàu PBR, 01 tàu LCM-6, cùng 15 thuyền huy động của nhân dân. Trên các tàu chở theo hai đại đội bộ binh tăng cường, để làm nhiệm vụ đánh chiếm cảng.

Nhìn chung, các tàu tham gia chiến gồm nhiều kiểu loại, tốc độ không đồng đều, trang bị không đồng bộ, máy thông tin liên lạc còn thiếu. Công tác hiệp đồng giữa các lực lượng không quân, tàu và pháo bờ chưa có nên Hải quân ta vừa phải làm nhiệm vụ trinh sát, vừa phải làm nhiệm vụ bắn phá tiêu diệt, vừa tổ chức đổ bộ, đổ bộ bộ binh lên chiếm cảng Ream.

Diễn biến chiến đấu

Trước hoàn cảnh tình hình địch phức tạp, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam đã tổ chức trinh sát, tiến hành nhiều đợt tập kích hỏa lực, sử dụng hỏa lực hạm tàu, cùng với pháo binh bờ biển và không quân tiêu diệt các ổ đề kháng của địch trên bờ.

Hai tàu PCF số 102 và 107 có nhiệm vụ chở bộ phận mũi nhọn của đại đội 3, tiểu đoàn 1 đổ bộ lên cảng Ream để đánh chiếm đầu cầu. Chi viện hỏa lực trực tiếp cho bộ phận mũi nhọn là hai tàu PCF số 103 và 104.

Chi viện hỏa lực tầm xa bằng hỏa tiễn H12 là bốn tàu PGM số 602, 605, 606, và 607, đóng vai trò diệt các hỏa điểm kiên cố của địch trên bờ, trên đảo, bắn dọn bãi đổ bộ, chi viện hỏa lực cho bộ binh.

Sau khi bộ phận mũi nhọn đổ bộ thành công, hai tàu PCF số 108 và 3825 sẽ hộ tống đội hình đổ bộ, đưa toàn bộ lực lượng bộ binh lên bờ.

Ngay trước giờ nổ súng, tàu PGM số 602 được lữ đoàn 127 điều đi tăng cường cho biên đội tàu 603 và 615 ở Sihanoukville, nên chỉ còn 3 tàu PGM số 605, 606, và 607 tiến hành trinh sát cảng Ream.

16 giờ chiều 09/01/1979, biên đội tàu đi đến ngang Hòn Tây Nam thì gặp hỏa lực 12,7 mm, cối 81, M79, ĐKZ của địch ở trong bờ bắn ra. Ba tàu ta bình tĩnh đánh trả và đã tiêu diệt cụm hỏa lực địch ở Hòn Tây Nam và Hòn Giữa, tiếp tục tiến sâu vào trinh sát cảng Ream.

Biên đội ba tàu PGM thành đội hình hàng dọc tiến vào, khi cách cảng 2 hải lý thì bị trọng liên 12,7mm ở bắc Hòn Bãi bắn ra và súng cối 71mm từ trên cảng bắn xuống. Biên đội chuyển thành hàng ngang, dùng hỏa tiễn H12 bắn vào các hỏa điểm địch ở Hòn Dừa, sau đó tiếp cận dùng pháo 37mm bắn nhanh.

Bọn địch trên bờ ngoan cố chống trả mãnh liệt. Trước tình hình trời sắp tối và xét thấy khả năng ta chưa thể vào cảng được, chỉ huy trận đánh quyết định cho biên đội tàu PGM dừng lại và lùi ra xa thả trôi.

Song song với quá trình trinh sát cảng Ream, chiến sự ở cảng Sihanoukville diễn biến căng thẳng, lữ đoàn 127 tiếp tục điều hai tàu PCF số 101 và 3825 lên phối thuộc cho Hạm đội 171, giữ lại bốn tàu PCF, để tiếp tục tấn công cảng Ream vào ngày hôm sau.

09 giờ sáng ngày 10/01/1979, hai tàu PCF số 102 và 107 tiếp tục trinh sát cảng Ream: Tàu 107 đi qua khu vực Hòn Dừa rẽ sang phải trinh sát bờ bên phải và cầu cảng, còn tàu 102 đi thẳng từ ngoài vào trinh sát bờ bên trái cửa vịnh cảng Reem. Biên đội ba tàu PGM ở vòng ngoài sẵn sàng chi viện.

09 giờ 32 phút sáng, tàu ta vào đến cách cảng 2 km thì địch ở hai cầu cảng bắn bằng hỏa lực cối 81mm, ĐKZ, 12,7 mm, 37mm. Hai tàu của ta bắn lại quyết liệt, biên đội ba tàu PGM cũng chi viện bằng hỏa tiễn H12. Diễn biến chiến đấu rất quyết liệt, suốt hai tiếng đồng hồ quân ta không tạo được thế đổ bộ. Trước tình hình đó, lúc 11 giờ 30 phút sáng, các tàu ta lại một lần nữa được lệnh rút ra ngoài.

Đến 12 giờ trưa, lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam tiến công Ream có thêm ba tàu PGM (số 602, 603, 615) từ Sihanoukville trở về. Ban chỉ huy Lữ đoàn hải quân 127 hạ quyết tâm đánh địch theo phương án có hỏa lực tăng cường.

12 giờ 30 phút, lực lượng tàu đổ bộ chở theo bộ binh xuất phát từ Bãi Dài.

13 giờ, biên đội sáu tàu PGM chiếm lĩnh vị trí chi viện hỏa lực. 10 phút sau, hai tàu PCF số 102 và 107 cặp mạn tàu 603 để lấy quân.

Đến 13 giờ 15 phút, hai tàu HQ-05 và HQ-07 bắt đầu pháo kích bằng trọng pháo vào cảng Ream. 15 phút sau, các giàn hỏa tiễn H12 trên 06 tàu PGM bắn vào khu vực cảng. Bọn địch trong bờ ngoan cố chống trả điên cuồng, nhưng chúng bị toàn bộ hỏa lực của Hải quân ta áp đảo.

Chiến tranh Biên giới Tây Nam: Trận đổ bộ thần tốc đánh chiếm quân cảng Ream - Ảnh 2.

Tàu PGM số 615 của Hải quân nhân dân Việt Nam, lượng giãn nước khoảng 120 tấn, trang bị hai pháo 37mm hai nòng, hai trọng liên 14,5mm hai nòng, hỏa tiễn phóng loạt H12.

Lợi dụng thời cơ có lợi, đến 13 giờ 50 phút, hai tàu PCF số 102 và 107. tăng tốc độ vượt lên trước đội hình sáu tàu PGM để tiến vào cảng Reem. Trọng liên 12,7mm trên tàu bắn quét vào cảng. Khi còn cách cảng 1km, hỏa lực trung liên RPD, tiểu liên AK bắt đầu phát huy tác dụng, bắn găm vào khu vực cảng.

Địch vẫn chống cự quyết liệt, tàu 107 bị trúng 1 quả đạn M79, 1 chiến sĩ hy sinh, 6 người khác bị thương. Dù bị thương vong, tàu 107 vẫn dũng cảm, vừa bắn chế áp địch vừa cơ động tiến vào cảng.

Đến 14 giờ 15 phút, 2 tàu 107, 102 cập cảng Cá, phía bên trái cảng chính. Bộ binh nhanh chóng đổ bộ lên bờ chiếm lĩnh trận địa, vận động tiêu diệt các ổ đề kháng làm bàn đạp cho lực lượng đổ bộ tiếp theo.

Đến 15 giờ 30 phút, lực lượng đổ bộ chủ yếu đã đến vị trí tập kết. Đến 16 giờ, hai tàu PCF số 108 và 3825 nhận lệnh tiến thẳng vào cảng Ream. Đến 17 giờ, đội tàu vận tải cập cảng Ream, bộ binh lên bờ mở rộng đầu cầu đã chiếm được.

Cùng lúc đó, mũi tiến công của bộ binh Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 cũng nhanh chóng áp sát, giải phóng cảng Ream.

Cùng ngày 10/01/1979, Tiểu đoàn 8, Lữ đoàn hải quân đánh bộ 101, Vùng 5 Hải quân cũng từ ngã 3 Ream kịp thời tiến vào cảng, cùng với các đơn vị triển khai đội hình phòng thủ bảo vệ các mục tiêu. Tại cảng Ream, ta thu được 2 tàu cá Thái Lan trọng tải lớn, 1 tàu LCU, 2 ca nô, 1 đốc nổi; 10 thuyền vũ trang đang trên sửa chữa trên đốc; 1 kho đạn, 21 quả ngư lôi; 6 khẩu pháo.

Như vậy, trong vòng một ngày chiến đấu, các lực lượng của Hạm đội 171, của Vùng 5 Hải quân đã phối hợp với bộ binh tiến hành đánh chiếm thành công cảng Ream, với tổn thất hạn chế nhất có thể.

Việc đánh chiếm nhanh chóng và nguyên vẹn các mục tiêu chiến lược dọc duyên hải Cam-pu-chia như Sihanoukville và cảng Ream của Hải quân nhân dân Việt Nam là một chiến công xuất sắc, góp phần quan trọng trong việc thiết lập tuyến hậu cần trên biển cho bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia, cũng như giữ vai trò to lớn trong xây dựng, tái thiết đất nước Chùa Tháp sau chiến tranh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại