Chiến tranh 1979: Gây sức ép với TQ, Liên Xô đặt 6 quân khu trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát |

Hai sư đoàn đổ bộ đường không được chuyển tới phía Đông – một sư đoàn sang Mông Cổ, triển khai tại những sân bay chỉ 1,5 giờ bay là tới Bắc Kinh.

40 năm trước, các chuyên gia quân sự Liên Xô công tác ở Việt Nam, Lào, Campuchia đã có những hành động trực tiếp phối hợp với QĐND Việt Nam tiến hành kháng chiến chống TQ xâm lược.

Đồng thời, Liên Xô cũng có loạt động thái gây áp lực mạnh với Bắc Kinh.

Chiến tranh 1979: Gây sức ép với TQ, Liên Xô đặt 6 quân khu trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu - Ảnh 1.

Trung tướng A. G. Gaponenko, cựu chuyên gia trưởng quân sự (về sau là cố vấn trưởng quân sự) của Liên Xô tại Lào (lúc đó mang quân hàm Thiếu tướng) đã kể lại việc ông được Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô điều động từ Lào sang giúp Việt Nam kháng chiến:

“Cuối năm 1978, ngay trước dịp lễ Năm mới, tôi đến Lào và đã bắt tay vào công việc từ tháng 1/1979. Công việc của tôi khởi đầu trong những điều kiện rất phức tạp. Vào ngày 8/1/1979, quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, giúp nhân dân Campuchia lập nên chính quyền mới.

Khi tôi chưa kịp nắm thật sát tình hình tại chỗ thì Nguyên soái Liên Xô N.V. Ogarkov, Tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô, gửi điện chỉ thị tôi báo cáo tình hình với Bộ trưởng Quốc phòng, Nguyên soái D.F. Ustinov.

Tôi đã báo cáo một vài nét cơ bản, kể cả tình hình ở Campuchia rồi nhận được mệnh lệnh: 'Sang Campuchia ngay, nắm tình hình ở đấy rồi báo cáo về'. Lúc đó tôi không có visa vào Campuchia, cũng không có đăng ký, chỉ có Hộ chiếu ngoại giao. Nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh, tôi vẫn lên đường… Tôi ở Campuchia 12 ngày. Sau đó được lệnh quay lại Lào.

Chiến tranh 1979: Gây sức ép với TQ, Liên Xô đặt 6 quân khu trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu - Ảnh 2.

Tướng A. G. Gaponenko.

Trong những ngày tôi không ở Lào, tình hình đã có những diễn biến mới. Vấn đề là lúc đó tại Lào có 2 sư đoàn bộ đội Việt Nam và khoảng 20 nghìn công binh Trung Quốc.

Lực lượng Trung Quốc làm con đường chiến lược xuyên qua Lào từ Bắc xuống Nam, hướng tới miền Nam Việt Nam.

Giữa bộ đội Việt Nam và lực lượng Trung Quốc có sự căng thẳng. Khi Trung Quốc tấn công qua biên giới, chỉ có một sư đoàn chủ lực Việt Nam đương đầu trực diện với quân Trung Quốc.

Hồi đó có một nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô gần 50 người do Trung tướng Vladen Mikhailovich Mikhailov lãnh đạo.

Tuy nhiên, vào ngày Trung Quốc gây chiến thì tướng Mikhailov đang điều trị bệnh ở Moskva, do đó tôi là sĩ quan cấp tướng duy nhất của Liên Xô có mặt ở Đông Dương. Tôi nhận được lệnh phải bay từ Lào sang Việt Nam nắm tình hình rồi báo cáo về Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô.

Các bạn Việt Nam đón tôi ở sân bay, đưa ngay về Bộ Tổng tư lệnh và thông báo tình hình cho tôi biết. Sau báo cáo của các bạn Việt Nam, tôi lên vùng chiến tuyến phía Bắc, làm việc với Bộ tư lệnh chiến trường để nắm rõ tình hình.

Thời điểm đó, quân Trung Quốc đánh sang Việt Nam khắp toàn tuyến biên giới, từ bờ Biển Đông đến biên giới Lào, tận vùng Tam giác vàng… Sau khi đi thực địa, tôi đã có báo cáo với Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam và với Moskva.

…Để gây áp lực mạnh với Trung Quốc, lãnh đạo Liên Xô quyết định đặt 6 quân khu trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Hai sư đoàn đổ bộ đường không được chuyển tới phía Đông – một sư đoàn sang Mông Cổ, triển khai tại những sân bay chỉ 1,5 giờ bay là tới Bắc Kinh.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Moskva được yêu cầu rút về nước, nhưng Liên Xô bố trí cho họ đi xe lửa.

Sau khi xe lửa từ Moskva vượt qua dãy núi Uran thì từ đây cho đến gần biên giới Mông Cổ, biên giới Trung Quốc, các nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc đã có thể tận mắt chứng kiến hàng đoàn xe tăng đang tiến về hướng Đông. Dĩ nhiên người Trung Quốc đã ghi nhận cảnh tượng đó.

Chiến tranh 1979: Gây sức ép với TQ, Liên Xô đặt 6 quân khu trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu - Ảnh 3.

Cuối tháng 2/1979, sư đoàn cận vệ đổ bộ đường không số 106 do Thiếu tướng E. Podkolzin chỉ huy đã tiến hành tập trận tại sa mạc Gobi, chỉ cách biên giới Mông Cổ - Trung Quốc một vài mét. Người Trung Quốc có dịp được thấy các binh sĩ của sư đoàn Xô-Viết này thiện chiến như thế nào. Nhưng trong cuộc tập trận cũng đã có hơn 10 chiến sĩ hy sinh và bị thương.

Tháng 2/1979, Đại tướng G.I. Obaturov sang Hà Nội. Trước đó, ông giữ chức Phó Tổng cục trưởng thứ nhất Tổng cục Thanh tra quân đội – Bộ Quốc phòng Liên Xô.

Đại tướng Obaturov được cử làm Cố vấn trưởng quân sự tại Việt Nam và Cố vấn quân sự cao cấp ở Đông Dương. Còn tôi thì quay lại Lào, lúc đầu giữ cương vị Chuyên gia trưởng quân sự, về sau là Cố vấn trưởng quân sự của quân đội nhân dân Lào cho đến năm 1982”.

Chiến tranh 1979: Gây sức ép với TQ, Liên Xô đặt 6 quân khu trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu - Ảnh 4.

Hải quân Liên Xô đã có đóng góp đáng kể vào việc hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam. Các tàu chiến của Hạm đội Thái Bình Dương hồi đó đã hiện diện tại một số khu vực thuộc Biển Đông.

Tháng 6/1978, sau khi xảy ra những vụ đụng độ ở biên giới Việt – Trung, một lực lượng khá lớn Hải quân Liên Xô đã tiến hành tập trận ở vùng biển giữa Đài Loan và Philippines.

Tháng 1 - 2/1979, một số tàu chiến Liên Xô cũng có mặt ở Biển Đông để thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam sau khi có tin Trung Quốc chuẩn bị tiến hành chiến tranh xâm lược.

Chiến tranh 1979: Gây sức ép với TQ, Liên Xô đặt 6 quân khu trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu - Ảnh 5.

Tướng A. G. Gaponenko (giữa) và Đại tướng Đại tướng G.I. Obaturov (người đeo kính) ở Việt Nam.

Khi chiến tranh nổ ra, Hải quân Liên Xô tàu tăng cường nhiều tàu, đến cuối tháng 2/1979, đã có tổng cộng 13 tàu chiến Liên Xô hoạt động ở Biển Đông và tháng 3/1979 con số này lên đến 30.

Trung tá hải quân V.E. Glukhov, sĩ quan thủy đồ của Hải quân Liên Xô, nhớ lại: “Dịp tôi đang làm Trưởng ban tham mưu của đơn vị thì được giao phụ trách nhóm chuẩn bị cho một số tàu chiến hành quân sang Việt Nam.

Chúng tôi chuẩn bị một ngày đêm và sau 5 ngày thì tới cảng Đà Nẵng. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải khẩn trương bảo đảm mọi điều kiện cho tàu Hải quân Liên Xô vào các cảng Việt Nam. Chúng tôi xác định độ sâu, luồng lạch ra vào, dòng hải lưu v.v…

Chúng tôi cũng kiểm tra, tìm hiểu kỹ các bến tàu. Sau đó, chúng tôi tới Cam Ranh - lúc ấy là nơi đang xây dựng căn cứ hải quân của Liên Xô. Chúng tôi đã làm việc cật lực suốt 1 tháng và chờ đợi tàu của Hạm đội Thái Bình Dương tới đây…

Thời tiết rất nóng nực, gió biển rất mạnh, nước biển cũng ấm, thậm chí là nóng. Các thủy thủ tàu ngầm nói rằng nhiều khi họ cảm thấy như đang bị “luộc” trong một cái xoong nước sôi…

Tôi cho rằng những hoạt động chuẩn bị tác chiến của Hải quân Liên Xô cũng đã tác động mạnh đến ban lãnh đạo Bắc Kinh. Hồi đó, nếu Bắc Kinh kéo dài và mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thì chắc chắn tàu chiến của Hải quân Liên Xô đã vào Vịnh Bắc Bộ. Và có thể tên lửa của chúng ta đã được khai hỏa, mà thế thì không biết chuyện gì đã có thể xảy ra…”

Đoàn tàu chiến Hải quân Liên Xô đã hoạt động tại Biển Đông cho đến tháng 4/1979 và đây là một trong những nhân tố khiến Hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc gồm 300 tàu chiến không tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm đó.

Điều quan trọng nữa là các tàu chiến Liên Xô đã bảo đảm an ninh cho hoạt động vận chuyển hàng viện trợ bằng đường biển sang Việt Nam.

Ở thời điểm cuộc chiến đang diễn biến, tại cảng Hải Phòng đang có 5 – 6 tàu thủy Liên Xô bốc dỡ hàng hóa, trong đó có nhiều trang thiết bị quân sự như tên lửa, radar.

Cùng với đó, ở đây cũng có nhiều tàu thủy của các nước xã hội chủ nghĩa khác như Ba Lan, CHDC Đức, Bungari. Điều đáng nói là tham gia bốc dỡ hàng hóa ở cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn có cả cán bộ và công nhân Liên Xô.

Một doàn cán bộ, công nhân các cảng Vladivostok, Nakhodka, Korsakov và Vanin dưới sự lãnh đạo của G.I.Pikus, Giám đốc cảng Nakhodka, đã làm việc ở cảng Hải Phòng và Sài Gòn hơn 3 tháng trong năm 1979. Họ đã tham gia bốc dỡ hơn 100 nghìn tấn hàng hóa từ 26 tàu thủy của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại