Nếu đấu với NATO ở Biển Đen, Nga có thể giành được phần thắng mà không cần dùng đến vũ lực.
Chiến lược tốt nhất của Nga để kiểm soát Biển Đen là gì? Câu trả lời là: Chia rẽ và chinh phục. Đó là kết luận được đưa ra dựa trên chương trình mô phỏng chiến tranh do tập đoàn tư vấn RAND (Mỹ) thực hiện.
Chia rẽ và chinh phục
RAND gần đây đã công bố kết quả của chương trình mô phỏng được thực hiện vào năm 2018 để xem xét các chiến lược khả thi của Nga cũng như các phản ứng của NATO ở khu vực Biển Đen.
Kết quả mô phỏng cho thấy, chiến lược tốt nhất của Nga là sử dụng chiến thuật "chia để trị" nhằm ngăn chặn bất kỳ liên minh tiềm năng nào có thể thách thức sự thống trị của Nga ở Biển Đen.
"Nga dễ dàng đạt được mục tiêu phân chia khu vực hơn so với mục tiêu thống nhất của Mỹ", nhà khoa học chính trị Anika Binnendijk của RAND nói với tờ Forbes.
Biển Đen được coi là "thùng thuốc súng" trong nhiều thế kỷ, khi có sự cạnh tranh ảnh hưởng của Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và các quốc gia khác. Nhưng trong những năm gần đây, Nga đã khẳng định sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở nơi mà nước này coi là "sân sau" nhạy cảm, từ sự kiện sáp nhập Crimea cho đến triển khai thêm tàu và tên lửa trong khu vực, cũng như liên tục có các động thái phô diễn sức mạnh trước các tàu chiến của NATO. Tháng trước, Nga đã điều máy bay chiến đấu để theo dõi các máy bay giám sát của Mỹ trên Biển Đen.
Tuy nhiên, theo góc nhìn của Moscow, tình hình cũng đang mang đến những đe dọa. Các quốc gia vệ tinh của Liên Xô cũ là Romania và Bulgaria đã gia nhập NATO, trong khi Ukraine và Nga giờ đây coi nhau là đối địch. Cùng với đó, các chuyên gia phương Tây hiện đang kêu gọi NATO thành lập lực lượng đặc trách thường trực Biển Đen.
RAND đã thiết kế một chương trình mô phỏng, trong đó có sự tham gia của các thế lực ở Biển Đen cùng với Mỹ. Lấy bối cảnh từ năm 2020 đến năm 2025, với kịch bản là NATO đang cố gắng mở rộng sự hiện diện hải quân ở Biển Đen, trong khi Romania tăng cường quan hệ quân sự với nước cộng hòa Moldova thuộc Liên Xô cũ.
Nga phản ứng bằng một chiến lược đa hướng, bao gồm việc thực thi Vùng đặc quyền kinh tế mở rộng ở Biển Đen, cũng như tiến hành các chiến dịch thông tin và không gian mạng chống lại Romania. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm sau khi một máy bay cường kích Su-24 của Nga tấn công một tàu khu trục của Mỹ, khiến một số thủy thủ Mỹ thiệt mạng.
Chương trình mô phỏng cho phép mỗi quốc gia lựa chọn các thẻ bài tượng trưng cho các hướng đi chiến lược khác nhau, từ khuyến khích kinh tế để thu hút bạn bè tiềm năng, đến chiến tranh mạng và triển khai quân sự cũng như các bài tập trận để đe dọa kẻ thù.
Ví dụ, Mỹ đã lựa chọn sự kết hợp giữa áp lực quân sự và chính trị để kiềm chế ảnh hưởng của Nga. Theo hướng đi này, Mỹ sẽ thiết lập lượng đặc trách Biển Đen thực hiện các hoạt động tự do hàng hải, các cuộc tập trận quân sự bổ sung với các quốc gia Biển Đen và sử dụng Công ước Montreaux – quản lý cho phép tàu chiến qua eo biển Bosporus - để ngăn không cho tàu Nga ở Biển Đen vào Địa Trung Hải.
Giảm bớt thách thức với Mỹ là quyết tâm của Nga trong việc tránh xảy ra chiến tranh. Báo cáo của RAND lưu ý: "Rủi ro mà tất cả các thành viên lực lượng Nga quan tâm nhất là khả năng leo thang không kiểm soát, dẫn đến xung đột với NATO và Mỹ".
Tuy nhiên, vấn đề đối với Mỹ là Nga không cần phải tham chiến để đạt được mục tiêu của mình. Bài mô phỏng chứng minh rằng Nga có thể sử dụng chiến lược cây gậy và củ cà rốt để phá vỡ bất kỳ liên minh chống Nga nào ở Biển Đen theo cách không cần dùng đến vũ lực.
Bộ công cụ lớn
NATO càng đông đúc càng dễ bị chia rẽ.
Trong khi các lựa chọn của Moscow bao gồm áp lực quân sự ngầm, chẳng hạn như theo sát các tàu NATO hoặc triển khai thêm tên lửa đến Crimea, Điện Kremlin cũng có thể sử dụng hỗn hợp mạnh mẽ các động lực kinh tế và chiến tranh "vùng xám", chẳng hạn như tấn công mạng, chiến tranh thông tin.
Một bộ công cụ lớn như vậy cho phép Nga điều chỉnh chiến lược phù hợp với nhu cầu và tính chất dễ bị tổn thương của mỗi quốc gia Biển Đen. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria, Nga đưa ra các ưu đãi như tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh, tập trận chung và chia sẻ thông tin tình báo về Syria cho Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như cung cấp khí đốt giá rẻ cho Bulgaria.
Ở phía ngược lại, một số quốc gia sẽ phải đón nhận một cách tiếp cận "trần trụi" hơn như chiến tranh thông tin và quấy rối vận chuyển thương mại đối với Romania, phong tỏa biển Azov đối với các đội tàu đánh cá của Ukraine và các cuộc tập trận quân sự gần Gruzia.
Cách tiếp cận cây gậy và củ cà rốt mang đến những kết quả khác nhau trong bài mô phỏng. Romania, Ukraine và Gruzia đã không chịu khuất phục trước sức ép của Nga, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria đã rút lui khỏi lực lượng Biển Đen của NATO, điều này đã giúp Nga giành ít nhất một phần thắng lợi.
Một phát hiện chính được bài mô phỏng của RAND đưa ra là tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ. "Cuối cùng, kết quả của trò chơi chủ yếu dựa vào mối quan hệ của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ", RAND kết luận.
"Những ưu đãi của Nga - đặc biệt là triển vọng tiếp tục tăng cường hợp tác ở Syria và những chi phí tiềm ẩn khi mất đi sự hợp tác hiện có - dường như đủ để khiến Thổ Nhĩ Kỳ tạm dừng cuộc chơi trước khi hỗ trợ lực lượng đặc trách của NATO.
Các nỗ lực tiếp cận song phương nhắm vào Nga của các nhóm Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria, cũng như việc Bulgaria do dự công khai tán thành sáng kiến chung, càng làm xói mòn thêm sự thống nhất trong khu vực về một phản ứng phòng thủ và răn đe chặt chẽ của liên minh".
Nhìn nhận một cách khách quan, bài mô phỏng nói trên được các chuyên gia phương Tây tiến hành và do đó phản ánh quan điểm của phương Tây về những gì Điện Kremlin có thể làm. Tuy nhiên, nó cũng phần nào cho thấy lý do tại sao Napoleon năm xưa thích chiến đấu với một liên minh hơn là từng quốc gia riêng lẻ.
"Cuộc chiến mô phỏng đã nhấn mạnh khả năng áp dụng các nguồn sức mạnh phi quân sự của Nga mà không cần phải rơi vào các kịch bản xung đột quân sự với NATO", RAND kết luận. "Trò chơi gợi ý rằng Nga có thể dễ dàng làm suy yếu sự gắn kết khu vực trong một phản ứng thống nhất hơn là xây dựng một liên minh và duy trì nó".