Mới đây, RIA Novosti đã đăng tải bài viết, được ghi lại từ chuyến đi thực tế đến thao trường Pogonovo tại vùng Voronezh của phóng viên hãng tin này, giúp bạn đọc hiểu hơn về những chiến thuật triển khai xe tăng mới trên chiến trường của Quân đội Nga.
Vòng quay xe tăng
Tiếng ầm ầm của động cơ diesel cùng tiếng nổ vang của các khẩu pháo là những âm thanh quen thuộc tại buổi diễn tập chiến thuật cấp tiểu đoàn gần đây của kíp lái thuộc đơn vị xe tăng Quân đoàn cận vệ số 20 của Quân khu miền Tây.
Những chiến sĩ lái xe tăng ở đơn vị này được trang bị cỗ xe tăng T-72 Ural với những phiên bản cải tiến khác nhau. Ưu điểm chính của dòng xe tăng T-72 là độ tin cậy cao và chạy tốt ngay cả trong điều kiện hoạt động khó khăn nhất như nắng nóng, băng giá, độ ẩm cao… Nếu toàn bộ xe bị hỏng, có thể tiến hành sửa chữa ngay tại chiến trường.
Các xe nặng 45 tấn nhanh chóng leo lên sườn dốc bị khô cằn bởi ánh nắng mặt trời tại thao trường Pogonovo, tạo ra những lớp bụi mù mịt. Những cỗ máy này bắn liên tục, không hề dừng lại. Trên thực địa, có những mục tiêu bằng gỗ, giả định làm xe bọc thép của kẻ thù. Có thể nhìn thấy qua ống nhòm, nhiều tấm lá chắn đã bị phá hủy hoặc bị phá hủy một phần.
Đại úy Roman Schegolev, chỉ huy của đại đội xe tăng chia sẻ với RIA Novosti: "Chiến thuật này được gọi là "Vòng quay xe tăng".
Phương pháp này cho phép lực lượng xe tăng khai hỏa liên tục trong một thời gian không giới hạn. Số lượng xe tăng tham gia có thể là 3, 6, 9 hoặc nhiều hơn. Chúng liên tục di chuyển theo một vòng tròn - một chiếc chiến đấu, chiếc kia đi sau và nạp đạn, chiếc thứ ba sẵn sàng chuẩn bị tiến vào vị trí…. Bắn liên tục, chỉ có thời gian để nạp đạn".
"Không giống như xe tăng Abrams của Mỹ, xe tăng của Nga có một lợi thế quan trọng - đó là cơ chế nạp đạn tự động, làm tăng đáng kể tốc độ bắn", Đại úy Roman Schegolev nói thêm.
Roman Schegolev giải thích: "Hãy tưởng tượng, xe tăng bắn trong khoảng thời gian 10, 20, 30 phút mà không nghỉ. Ở phía bên kia, đối phương không thể chịu được, họ bắt đầu khai hỏa. Ánh sáng làm lộ rõ trang bị kỹ thuật của họ. Và ngay lập tức, các lính bắn tỉa xe tăng cùng với tổ lái được huấn luyện đặc biệt của chúng tôi sẽ xung trận".
Mặc dù chủ yếu là một chiến thuật phòng thủ nhưng "Vòng quay xe tăng" cũng tạo điều kiện cho việc chuyển đổi sang cuộc tấn công. Các xe tăng liên tục di chuyển và khai hoả khiến tổ lái được "hâm nóng", sẵn sàng trở thành đội hình chiến đấu và tiến lên phía trước.
Thành lũy Syria
Các cuộc xung đột địa phương cho thấy rằng, sự phòng thủ và tấn công tại vị trí đã lạc hậu. Tại Syria, lực lượng phiến quân không quan tâm tới phương pháp tấn công theo kế hoạch chiến lược và vẽ hướng bắn trên bản đồ tác chiến, mà tuân thủ một chiến thuật du kích di động:
Tính toán vị trí của quân đội chính phủ, nhanh chóng di chuyển đến, tấn công chính xác và nhanh chóng rời đi.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B1 trong buổi diễn tập tại thao trường Pogonovo tại vùng Voronezh. Nguồn: RIA
Để đáp trả lại cuộc tập kích như vậy chiến thuật "Vòng quay xe tăng" đặc biệt hiệu quả khi kết hợp với chiến thuật "Thành luỹ Syria" (ụ đất cao và những bao cát che ngoài chiến hào với các khe hở).
Xe tăng liên tục di chuyển dọc theo ụ chiến hào và bắn qua các khe hở. Sau mỗi lần bắn, các xe tăng ẩn đằng sau đám đất. Vì các xe tăng liên tục di chuyển nên khó có thể tiêu diệt chúng. Để đánh lừa các quan sát viên của kẻ thù, chỉ huy đơn vị xe tăng thường lựa chọn lỗ bắn một cách ngẫu nhiên cho lần bắn tiếp theo.
Điều này khiến quân địch nghĩ rằng, số lượng xe tăng được triển khai là rất nhiều. Còn thực tế thì không phải vậy.
Đại úy Roman Schegolev giải thích: "Chiến thuật "Thành luỹ Syria" có thể được áp dụng ngay cả với số lượng trang thiết bị không lớn. Một trung đội xe tăng cũng có thể tạo nên hoả lực cực mạnh khiến kẻ địch sẽ nghĩ rằng cần ít nhất một tiểu đoàn mới có thể chống lại được. Điều quan trọng là chiến thuật này che được các điểm yếu của xe tăng."
"Chiếc quần xe tăng" và "Kẻ vô hình"
Một thiết bị chiến thuật thú vị khác là "Chiếc quần xe tăng". Các xe tăng luân phiên nhau bắn từ hai đường đào gần đó mà không dừng lại tại một vị trí quá 3-5 giây.
Xe tăng Nga đi vào đường hào, khai hoả, lùi về phía sau và nhanh chóng chuyển sang đường hào bên cạnh khiến vũ khí chống tăng của kẻ thù không kịp phản ứng.
Xe tăng có thể hoạt động theo cặp, thay đổi vị trí kể cả trong tình huống hỗn loạn.
Ngoài ra, các lính xe tăng của Quân đoàn cận vệ số 20 còn trau dồi việc bắn súng từ các vị trí khai hỏa được nguỵ trang-chiến thuật "Kẻ vô hình" này được phát triển từ những năm Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.
Ngày nay, cùng với sự ra đời của pháo xe tăng tầm xa mới, chiến thuật này lại được tích cực sử dụng. Các xe tăng tấn công mục tiêu không phải bằng hỏa lực trực tiếp như thường lệ, mà bắn theo đường cầu vồng.
Đạn pháo của Nga bay rất ổn định vì vậy chiến thuật này cho phép gây sát thương tối đa cho kẻ thù ở phạm vi rất xa. Vì đối phương không nhìn thấy xe tăng nên không thể ngăn chặn chúng bằng các phương tiện tấn công truyền thống như các tổ hợp tên lửa chống tăng và tên lửa chống tăng có điều khiển.
Còn hệ thống pháo binh và hàng không tầm xa thì đối phương cần có phải thời gian để triển khai và khai hoả chúng.
Thượng uý Vladislav Seliverstov, người đang tạm thời giữ vai trò chỉ huy đại đội xe tăng, chia sẻ: "Đây là những chiến thuật không hề đơn giản nên cần phải huấn luyện tổ lái kỹ càng.
Chúng tôi liên tục luyện tập. Trong một tuần, ít nhất là có 2 bài tập khai hỏa và một bài tập lái xe tăng. Binh sĩ luyện tập cách hoạt động trong xe tăng cũng như cách điều khiển vũ khí theo đúng quy định".
"Nguyên tắc quan trọng nhất của lính xe tăng là coi tổ lái là gia đình và hiểu nhau chỉ bằng một ánh mắt. Chúng tôi quan sát, ai làm việc cùng với ai như thế nào. Nếu thấy xạ thủ và chỉ huy tìm thấy tiếng nói chung, chúng tôi xếp họ vào một tổ lái và tiến hành kiểm tra khai hỏa", Đại úy Roman Schegolev nhấn mạnh.
Dù hiện đại và được trang bị vũ khí như thế nào, xe tăng cũng chỉ là một công cụ. Hiệu quả chiến đấu của nó phụ thuộc vào kỹ năng và sự gắn kết của tổ lái, Hãng tin RIA Novosti nhận định.