Chiến thuật mới của Nga để ‘đập tan’ cuộc tấn công đổ bộ của Mỹ

Đức Trí (lược dịch) |

Chuyên gia Nga mới đây đã đưa ra một chiến thuật hoàn toàn mới trong việc đối phó với hoạt động đổ bộ của Mỹ, UAV cỡ nhỏ là nhân tố then chốt làm nên thành công của chiến thuật này.

Tạp chí Lực lượng Phòng không và Vũ trụ Nga số 18 năm 2021 đã đăng bài viết với tiêu đề "Mô hình tác chiến liên hợp trên biển giữa lực lượng hàng không và các UAV tấn công loại nhỏ trong việc chống lại cuộc đổ bộ đường biển".

Bài viết đề xuất mô hình mới trong sử dụng máy bay có người lái và UAV cỡ nhỏ để đối phó với cuộc tấn công đổ bộ từ đường chân trời.

Phân tích khả năng tác chiến đổ bộ trên biển tầm xa của Mỹ

Quân đội Mỹ được trang bị một loại tàu đổ bộ đệm khí mới mang tên LCAC-100, giúp tăng cường khả năng tác chiến của lực lượng đổ bộ trên biển và hoàn toàn có thể áp dụng mô hình mới trong hoạt động tấn công đổ bộ.

Ngoài LCAC-100, Mỹ còn có tàu LCU-1600, LCM-8, các phương tiện này có khả năng hành trình tối đa lần lượt là 300 hải lý, 1.200 hải lý và 190 hải lý với tốc độ rất cao, tối đa lên đến 65 hải lý/giờ. Các tính năng này đủ để Hải quân Mỹ thực hiện các hoạt động đổ bộ "ngoài đường chân trời" cách bờ biển từ 30 đến 50 hải lý và ngoài phạm vi trinh sát trực tiếp.

Chiến thuật mới của Nga để ‘đập tan’ cuộc tấn công đổ bộ của Mỹ - Ảnh 1.

Tàu đổ bộ đệm khí LCAC-100 của Mỹ. Nguồn: Sina.

Đồng thời, tàu đổ bộ tích hợp lớp America được hiện đại hóa của Mỹ hoàn toàn có khả năng bảo vệ các khu vực biển được chỉ định, hỗ trợ các hoạt động trên không, tăng cường sức mạnh của các nhóm đổ bộ và hộ tống, đảm bảo an toàn hàng hải cùng các nhiệm vụ khác, có thể hoàn thành các hoạt động ven biển bao gồm chống các mục tiêu trên bờ.

Ngoài ra, tàu này cũng có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ đặc biệt trong Thủy quân lục chiến (như xâm nhập khu dân cư, chiếm đóng cảng và sân bay, bảo vệ các cơ sở năng lượng, thực hiện các hoạt động trinh sát và giám sát...).

Trong các hoạt động tác chiến tương tự, nhìn chung không cần sự hợp tác và hỗ trợ đầy đủ của các tàu sân bay hạng nặng. Các tàu đổ bộ lớp America có thể thực hiện độc lập các hoạt động viễn chinh, các tàu này có thể có thể đảm bảo cho một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ (khoảng 1.700 lính thủy đánh bộ và thiết bị đổ bộ) hoàn thành hoạt động đổ bộ và các biên đội hàng không trên tàu có thể tiến hành hỗ trợ trên không cho hoạt động đổ bộ.

Theo phân tích, các tàu đổ bộ tích hợp mới và các thiết bị đổ bộ khác của Mỹ hoàn toàn có khả năng đổ bộ từ đường chân trời, điều này đảm bảo lợi thế chiến dịch - chiến thuật, gây thêm rất nhiều khó khăn cho các hoạt động chống đổ bộ.

Biện pháp đối phó của Nga

Nhìn chung, cuộc đổ bộ của Thủy quân lục chiến được chia thành năm giai đoạn cơ bản: Lập kế hoạch chiến dịch, tàu đổ bộ chở quân đổ bộ, quân đổ bộ rời tàu tiến hành các kế hoạch đã được định sẵn, vượt biển, đổ bộ đường biển và hoạt động tác chiến trên bờ.

Trong bối cảnh không biết rõ vị trí đổ bộ của địch và khả năng phòng không tương đối yếu, có thể tiến hành các cuộc không kích tại vị trí tàu đổ bộ của địch hay trong suốt quá trình vượt biển của địch, từ đó tạo ra tổn thất lớn nhất cho địch, đây là phương pháp có hiệu quả nhất. Tuy nhiên khi đối phương có ưu thế trên biển và trên không nhất định, thì phương án tác chiến kiểu này là phi thực tế.

Khi các đội của đối phương đang đổ bộ, Nga có thể sử dụng phương thức tác chiến liên hợp giữa UAV tấn công cỡ nhỏ và lực lượng tác chiến hàng không để chống lại các hoạt động đổ bộ của đối phương. Các UAV cỡ nhỏ phối hợp với máy bay trực thăng vũ trang được trang bị tên lửa có tầm bắn 25 km và các đơn vị hàng không chiến thuật được trang bị bom lượn trên không, tên lửa tầm xa có thể tấn công hỏa lực từ ngoài khu vực phòng không của Nga và từ ngoài khu vực phòng không của tàu đổ bộ đối phương.

Trong quá trình này, việc sử dụng UAV cỡ nhỏ để cung cấp thông tin trinh sát cho trực thăng vũ trang, tên lửa, bom là nhân tố then chốt quyết định thắng lợi của cuộc chiến.

Tác giả cho rằng khi máy bay vận tải đổ bộ của đối phương chuẩn bị đổ bộ (tức là khi nó đang ở trên boong và chưa cất cánh) là thời điểm tốt nhất để Nga tấn công, tương ứng với chiến tuyến 1 (R1).

Trước khi tàu đổ bộ của đối phương đến R1, nhiệm vụ chiến đấu của UAV tấn công cỡ nhỏ là phá hủy thiết bị hàng không trên boong tàu đổ bộ và phá hủy ăng-ten radar của hệ thống phòng không trên tàu.

Trong khi thực hiện các cuộc tấn công, các UAV tấn công nhỏ có thể cung cấp chỉ thị mục tiêu cho các vũ khí tấn công dẫn đường hàng không được trang bị trong tổ hợp hàng không đa chức năng. Sau đó, các UAV nhỏ tiếp tục khai hỏa và gây trở ngại cho hoạt động của các nhóm tác chiến tàu đổ bộ.

Sau khi thủy quân lục chiến địch rời tàu và đổ bộ, tổ hợp hàng không đa chức năng của không quân và Lục quân bắt đầu cất cánh tham chiến, tiến đến khu vực sử dụng vũ khí tấn công dẫn đường (khu tham chiến), nhưng không đi vào vùng sát thương phòng không của địch, thông qua chỉ thị mục tiêu từ UAV và chỉ lệnh từ các thiết bị vô tuyến điện để tấn công.

Do thiết bị vô tuyến gắn trên UAV cỡ nhỏ không hoàn hảo nên tỷ lệ ném bom tấn công trúng mục tiêu đang di chuyển tương đối thấp, và rất khó để UAV cỡ nhỏ tấn công tàu đổ bộ của đối phương trước khi nó đến R1.

Bắt đầu từ R2, các tàu của nhóm tấn công đổ bộ viễn chinh bắt đầu giảm tốc độ cho đến khi đến tiền tuyến và dừng lại hoàn toàn trước khi bắt đầu thả lính thủy đánh bộ. Khi tốc độ của các tàu của nhóm tấn công viễn chinh giảm, độ tấn công chính xác của các UAV ngày càng tăng.

Tóm lại, các UAV nhỏ và các tổ hợp hàng không đa chức năng có người lái nên hình thành một phương thức hoạt động tác chiến chung theo thứ tự sau:

1. Sau khi nhận được thông tin sơ bộ về vị trí của lực lượng đổ bộ, hệ thống UAV trinh sát nhỏ bay vào khu vực địch có thể đổ bộ, tổ chức cảnh báo trên không, tìm kiếm tàu đổ bộ và đưa ra cảnh báo về đối phương bắt đầu đổ bộ (các thê đội đột kích bắt đầu hành), xác định các mục tiêu tấn công riêng lẻ và đưa ra chỉ thị mục tiêu sơ bộ cho sở chỉ huy.

2. Sở chỉ huy xử lý thông tin do các UAV thu thập được. Hoàn thành chỉ định mục tiêu và gửi thông tin (loại mục tiêu, vị trí) của mục tiêu tới các UAV, trực thăng và máy bay tấn công.

3. UAV đi vào vùng cảnh giới phòng không của đối phương, sau khi nhận được chỉ thị mục tiêu do sở chỉ huy gửi đến, tiến vào khu vực tác chiến được chỉ định và sử dụng mìn chống bộ binh và đạn dược nhỏ để tiêu diệt lực lượng chủ động và trực thăng (máy bay) của đối phương trên boong và ăng-ten radar. Đồng thời, phóng thiết bị định vị vô tuyến điện xuống tàu đổ bộ để làm chỉ thị mục tiêu cho tổ hợp hàng không đa chức năng tấn công.

4. UAV trinh sát cỡ nhỏ theo dõi và giám sát hiệu ứng cuộc tấn công.

Hiện nay, Mỹ được trang bị các thiết bị mới như tàu đổ bộ tích hợp và phương tiện tấn công đổ bộ đệm khí, đã cải thiện đáng kể khả năng tác chiến trong hoạt động đổ bộ đường biển.

Trong những điều kiện như vậy, để thực hiện thành công chiến dịch chống đổ bộ, phương thức hoạt động chung của UAV tấn công cỡ nhỏ và các nhóm hàng không có người lái có thể được áp dụng để nâng cao khả năng chiến đấu, nhằm đạt được mục đích phản công các cuộc đổ bộ trên biển.

Phương thức tác chiến này có những ưu điểm sau: Chỉ những UAV cỡ nhỏ mới có thể xâm nhập vào tầm bắn hiệu quả của vũ khí phòng không của đối phương, trực thăng tấn công và máy bay duy trì trạng thái cơ động, khi chưa phóng tên lửa có thể tiến hành ngụy trang và che giấu; lực lượng tác chiến hàng không chiến thuật có thể sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác tầm ngắn và tầm trung để tấn công các tàu đổ bộ và tàu vận tải của địch, và bố trí trận địa thủy lôi trên đường vượt biển tiến công của địch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại