Ukraine đang chuẩn bị tiến hành cuộc phản công Nga, sớm nhất là vào tháng tới, các quan chức Mỹ cho hay giữa bối cảnh Kiev đang đối mặt với rủi ro lớn.
Đó là nếu không giành được chiến thắng mang tính quyết định, sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraine có thể suy yếu và Kiev đứng trước áp lực ngày càng gia tăng trong việc bước vào bàn đàm phán để chấm dứt hoặc đóng băng xung đột.
Mỹ và đồng minh đã cung cấp cho Ukraine số lượng lớn đạn dược và vũ khí cho cuộc tấn công sắp tới. Các quan chức hy vọng các đợt vận chuyển mới sẽ kéo dài – đánh dấu sự thay đổi so với thời điểm cách đây 2 tháng với những đợt vận chuyển nhỏ giọt và Mỹ lo ngại nguồn cung cạn kiệt.
Theo tài liệu bị rò rỉ của Lầu Năm Góc về kế hoạch của Kiev, 12 lữ đoàn chiến đấu của Ukraine với mỗi lữ đoàn khoảng 4.000 binh lính dự kiến sẽ sẵn sàng hoạt động vào cuối tháng 4/2023. Mỹ và NATO đang huấn luyện cũng như cung cấp vũ khí cho 9 trong số các lữ đoàn trên.
Mặc dù Ukraine hầu như chia sẻ rất ít thông tin chi tiết về kế hoạch hành động của nước này với các quan chức Mỹ nhưng chiến dịch tấn công dự kiến sẽ nổ ra ở phía Nam, dọc bờ biển Azov, gần Bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014.
"Mọi thứ đều xoay quanh cuộc phản công này. Nó sẽ góp phần quyết định kết cục cuộc xung đột ở Ukraine, từ việc khôi phục lãnh thổ cho tới việc đạt được ảnh hưởng lớn hơn trong quá trình đàm phán", Alexander Vershbow, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga, đồng thời là một quan chức cấp cao NATO cho hay.
Trong khi các quan chức Ukraine cho biết mục tiêu của họ là phá vỡ các phòng tuyến của Nga và khiến lực lượng của Moscow sụp đổ trên quy mô lớn thì các quan chức Mỹ nhận định, cuộc phản công này khó có khả năng tạo ra sự dịch chuyển mạnh mẽ theo hướng có lợi cho Ukraine.
Quân đội Ukraine đang đối mặt với nhiều thách thức và tình trạng xung đột đi vào bế tắc vẫn là kết cục có khả năng xảy ra nhất. Giao tranh ở Bakhmut thuộc phía Đông Ukraine vào mùa đông này đã làm hao hụt các nguồn dự trữ đạn dược và dẫn đến thương vong nặng nề cho một số đơn vị giàu kinh nghiệm của Kiev.
Tuy nhiên, một số quan chức quân sự Mỹ cho rằng, quân đội Ukraine có thể một lần nữa khiến họ bất ngờ. Kiev hiện được trang bị các xe tăng và xe bọc thép tiên tiến của phương Tây, cùng với các đơn vị mới được huấn luyện và được trang bị bởi các lực lượng của NATO.
Binh lính Ukraine khai hỏa súng cối ở Bakhmut. Ảnh: Reuters
Chiến thuật mới và bài toán phối hợp đầy thách thức
Mặc dù Ukraine đã đi từ việc giữ bí mật về các kế hoạch quân sự sang công khai nói về cuộc phản công sắp tới, một phần là bởi giới lãnh đạo Ukraine cần thúc đẩy tinh thần chiến đấu của quân đội và gây sức ép để phương Tây tăng cường hỗ trợ vũ khí, nhưng các quan chức Mỹ dự đoán quân đội Ukraine sẽ sử dụng kế nghi binh để đánh lạc hướng Nga.
Cơ hội tạo nên đột phá của Kiev trong cuộc phản công sắp tới phụ thuộc vào các thông tin tình báo từ Mỹ, NATO và chính Ukraine nhằm khai thác điểm yếu của Nga.
Dù vậy, không có gì đảm bảo thành quả lớn cho Ukraine. Chiến trường hiện nay được Nga bố trí dày đặc các bãi mìn và cuộc tiến công của Kiev sẽ phụ thuộc vào việc liệu Ukraine có thể triển khai hiệu quả các thiết bị dọn mìn hay không - chủ yếu do phương Tây cung cấp.
Ukraine đã xây dựng những lữ đoàn chiến đấu mới bằng cách kết hợp giữa các binh lính mới được tuyển với một số cựu binh nòng cốt giàu kinh nghiệm.
Từ tháng 1, các đơn vị đã tới các địa điểm huấn luyện của Mỹ ở Đức để học cách sử dụng các thiết bị mới và cách tiến hành các chiến dịch phối hợp, sử dụng hiệu quả các phương tiện liên lạc để phối hợp giữa các đơn vị tấn công với các đơn vị hỗ trợ như xe tăng và pháo binh.
Theo các quan chức Mỹ, việc huấn luyện cho quân đội Ukraine những chiến thuật trên đang diễn ra suôn sẻ nhưng việc triển khai các chiến thuật mới ở các bãi huấn luyện thường dễ dàng hơn so với trên chiến trường, đặc biệt giữa bối cảnh Nga tăng cường các phòng tuyến.
Ukraine đang gặp khó khăn trong việc phối hợp các hoạt động bởi họ cần hệ thống liên lạc xuyên suốt, vốn khó thực hiện do sự khác nhau về phương tiện giữa các đơn vị và các hệ thống gây nhiễu của Nga. Theo một binh lính của Ukraine, việc phối hợp trên cấp trung đội - một đơn vị khoảng 30 người, vẫn vô cùng khó khăn.
Giới quan sát nhận định, nếu Ukraine thành công trong việc sử dụng các chiến thuật mới, thậm chí ở cấp độ nhỏ, họ có thể vượt qua sự áp đảo của quân đội Nga về số lượng.
"Nếu họ có thể phá vỡ phòng tuyến của Nga, tôi nghĩ họ có thể thay đổi cục diện chiến trường", Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Christopher W. Grady cho hay.
Cuộc phản công quyết định tương lai hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine
Nhiều câu hỏi vẫn để ngỏ về kho đạn pháo của Ukraine. Nguồn cung tên lửa phòng không và đạn pháo của Ukraine, vốn có vai trò quan trọng trong bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm đẩy lùi các cuộc không kích của Nga, có thể ở mức nguy hiểm nếu các lực lượng này tiếp tục sử dụng ở mức độ hiện tại.
Sau khi cuộc phản công kết thúc, hầu như không có khả năng phương Tây sẽ tăng cường hỗ trợ với mức độ như trước đây cho cuộc tấn công tiếp theo của Ukraine , bởi các nước này không có đủ nguồn cung trong các cơ sở hiện tại và việc sản xuất sẽ không thể lấp đầy khoảng trống đó cho tới tận năm sau, các chuyên gia đánh giá.
Quân đội Ukraine đang sử dụng hàng nghìn quả đạn pháo mỗi ngày trong nỗ lực cố thủ ở Bakhmut, một mức độ mà các quan chức Mỹ và châu Âu cho rằng không thể kéo dài và có thể đe dọa đến cuộc tấn công tiếp theo. Các cuộc ném bom dày đặc của Ukraine đã khiến Lầu Năm Góc cảnh báo, Kiev đang lãng phí đạn dược vào thời điểm then chốt.
Trong khi các lực lượng của Ukraine có thể sử dụng UAV để tấn công vào sâu trong phòng tuyến của Nga thì họ không được cung cấp tên lửa với tầm bắn đủ xa để nhắm vào các trung tâm hậu cần của Nga.
Dĩ nhiên, Nga cũng đối mặt với những thách thức của mình, trong đó có những tổn thất về lực lượng và vũ khí. Tuy nhiên, Moscow đang nỗ lực khắc phục hạn chế này. Quân đội Nga đang cải thiện khả năng sử dụng UAV và các hệ thống pháo để nhắm vào các lực lượng của Ukraine ngày một hiệu quả hơn.
Gần đây, việc họ bắt đầu dùng bom lượn - sử dụng trọng lực và thiết bị dẫn đường để nhắm trúng mục tiêu mà không gây tiếng ồn - đã cho thấy Moscow có khả năng triển khai các vũ khí mới hơn trên chiến trường.
Trong các cuộc họp kín, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết ông tin là Nga có lợi thế về số lượng trên chiến trường bởi nước này có máy bay chiến đấu, xe tăng, đạn pháo và binh lính nhiều hơn so với Ukraine, một quan chức cấp cao EU cho hay. Trong những cuộc thảo luận này, ông Shoigu tự tin rằng Nga sẽ chiếm ưu thế.
Một số nước châu Âu, trong đó có Pháp đang thúc đẩy các bên bước vào đàm phán song với việc cả Nga và Ukraine đều quyết tâm cao đạt được mục tiêu, đàm phán hòa bình dường như vẫn là kịch bản xa vời.