"Chiến thắng" kỳ quặc
Đó là một ngày năm 1986, Donald Trump cùng lúc nhận được hai thông tin một vui, một buồn. Tin vui là liên minh các CLB của USFL (Liên minh bóng bầu dục Hoa Kỳ) do ông lãnh đạo thắng kiện trước NFL (Liên minh bóng bầu dục quốc gia). Nên biết, thời điểm đó NFL đã tồn tại được 66 năm, trong khi USFL mới hoạt động vỏn vẹn 3 năm.
Tuy nhiên, thông tin tiếp theo quả là "sét đánh". Bồi thẩm đoàn quyết định liên minh của Donald Trump chỉ được bồi thường 1 USD, thay vì 1,7 tỉ USD như yêu cầu. Theo điều khoản chống độc quyền, số tiền bồi thường gấp lên 3 lần, thành 3 USD. Cộng thêm khoản đánh thuế, con số cuối cùng mà USFL nhận được là 3,76 USD.
Tấm séc trị giá 3,76 USD mà NFL trả cho USFL.
Liên minh của Donald Trump vô cùng thất vọng với phán quyết này. Họ cố gắng kháng án nhưng bất thành. Cho tới ngày hôm nay, tấm séc trị giá 3,76 USD từ NFL vẫn chưa được quy đổi ra tiền và chẳng khác nào một lời giễu cợt với Donald Trump.
"Cú bước hụt" của Trump
Tại sao một người được coi là giàu mưu mẹo trên thương trường như Trump lại rơi vào hoàn cảnh như trên?
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1983. Donald Trump - vừa mới xây xong tòa tháp kính cao 68 tầng tại trung tâm Manhattan, New York và mở một casino cực lớn - mở hầu bao để mua lại đội bóng bầu dục New Jersey Generals.
CLB này chơi tại USFL, giải đấu mới thành lập và được tổ chức vào mùa Xuân, tránh trùng lịch với "ông lớn" NFL. USFL có luật thi đấu thoáng hơn, đậm tính giải trí hơn và thường chế giễu NFL là "No Fun League" (tạm dịch: Giải đấu chẳng có gì vui).
Donald Trump gây "náo loạn" giải đấu với túi tiền của mình.
Jim Kelly - một cầu thủ bóng bầu dục nổi tiếng của Mỹ - vui mừng với sự xuất hiện của Trump: "Trump là một doanh nhân. Ông ấy có tiền để trả cho các cầu thủ. Đó là điều chúng tôi muốn".
Steve Ehrhart - giám đốc USFL - cũng rất hào hứng: "Trump có tham vọng rất lớn. Ông ấy sẽ biến giải đấu này trở nên vĩ đại".
Nếu bạn đã từng quen với các thương vụ của tỉ phú Abramovich cùng Chelsea, Donald Trump cũng chẳng hề thua kém. Một trợ lý của tỉ phú người Mỹ kể lại:
"Hôm đó, tôi đọc trên báo thấy Lawrence Taylor (ngôi sao bóng bầu dục Mỹ) không hài lòng với CLB chủ quản New York Giants. Trump biết chuyện và nói: "Chúng ta sẽ lấy cậu ta về". Ít giờ sau, Lawrence Taylor xuất hiện tại tháp Trump. Một triệu USD được chuyển vào tài khoản của cầu thủ này và anh chuyển sang khoác áo New Jersey Generals".
Trước đó, Lawrence Taylor chỉ nhận được chừng 100.000 USD/năm. Đến với New Jersey Generals, lương của anh vọt lên gấp gần 7 lần.
Lawrence Taylor và Donald Trump.
New York Giants sau đó mới cuống cuồng lên. Họ ra sức thuyết phục và cuối cùng đưa được Lawrence Taylor trở lại với điều kiện: Lawrence Taylor chuyển lại 1 triệu USD, New York Giants trả thêm cho Trump 3,75 triệu USD trong 5 năm. Ngoài ra, New York Giants phải ký hợp đồng mới có trị giá 6,2 triệu USD với cầu thủ này.
Mùa giải đầu tiên dưới thời tỉ phú người Mỹ, New Jersey Generals tiến bộ trông thấy. Số trận thắng từ 6 tăng lên 14, khán giả lúc nào cũng đến rất đông, có lúc đạt tới con số đáng mơ ước 40.000. Hàng loạt ngôi sao đang chơi tại NFL hướng về USFL với con mắt thèm thuồng.
Bước ngoặt lớn nhất đến vào năm 1986. Trump muốn chuyển USFL sang thi đấu vào mùa Thu, trùng lịch với NFL. Trước những lời phản đối gay gắt, ông chỉ nói ngắn gọn: "Nếu Chúa muốn có bóng đá vào mùa Xuân, Người đã không tạo ra bóng chày".
Mùa giải USFL 1986 không được bắt đầu vào tháng Hai như thường lệ. Các đội bóng bị thiệt hại tổng cộng 200 triệu USD do bỏ lỡ các hợp đồng truyền hình. Những ông chủ buộc phải nghe lời Trump, lên kế hoạch tổ chức giải đấu vào mùa Thu.
Nhưng trước khi các trận đấu được lên lịch, USFL đã khởi kiện NFL vì lí do giải đấu này độc chiếm các kênh sóng truyền hình. Nhiều người cho rằng, Trump đang tung ra đòn đe dọa nhiều hơn là muốn thắng kiện. Ý định thật của ông là đưa USFL và NFL sát nhập lại với nhau.
Tiếc rằng, phía NFL lại vô cùng cứng rắn, cương quyết chống trả, không thỏa hiệp. Cuối cùng, Trump và liên minh của mình thắng kiện với khoảng bồi thường mang tính hình thức 3,76 USD. Kết quả này khiến USFL suy sụp và nhanh chóng tan rã. Giải đấu đáng mơ ước và đội bóng New Jersey Generals "vô đối" mà Trump đặt nhiều tham vọng cũng đi vào dĩ vãng.
Donald Trump và USFL tiếng là thắng kiện, nhưng thất bại hoàn toàn về mọi mặt.
Steve Ehrhart, người phải nhận tấm séc đầy mỉa mai kia, đau đớn kể: "Có một số người phản đối ý định chuyển giải đấu sang mùa Thu. Nhưng khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu, Trump đã thuyết phục được họ. Ông ta có một thứ sức mạnh đủ để bẻ gãy lí lẽ của tất cả những ai dám đối đầu với mình".
Cho đến tận bây giờ, nhiều người từng gắn bó với USFL, đặc biệt là các cầu thủ bị thất nghiệp vẫn coi Trump là nguyên nhân chính khiến giải đấu tan vỡ. Câu chuyện này còn bị nhắc lại nhiều hơn khi tỉ phú người Mỹ tham gia tranh cử tổng thống.
Nhưng Trump vẫn luôn bảo vệ ý kiến của mình rằng đó là cách duy nhất có thể làm lúc đó. Ông viết trong một cuốn sách:
"Kể cả khi chúng tôi không thua lỗ vào mùa Xuân thì khả năng tạo ra lợi nhuận của giải đấu là không có. Một số ông chủ không còn chi trả nổi lương cầu thủ nữa và chúng tôi phải hành động thật nhanh. Thực tình, tôi nghĩ rằng nếu mình không xuất hiện, USFL đã không kéo dài được như thế".
30 năm sau "chiến thắng" phải trả giá quá đắt trên, Donald Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ sau một cuộc tranh cử quyết liệt. Brian Sipe - một thành viên New Jersey Generals năm xưa - gửi lời chúc đến vị tỉ phú 70 tuổi:
"Ông ấy luôn đề cao lợi thế trên bàn đàm phán, luôn đề cao việc tiến lên, và đó cũng là tư tưởng chủ đạo của USFL lúc bấy giờ. Chúng tôi hiểu điều đó và chấp nhận nó. Hi vọng, những gì ông ấy làm cho nước Mỹ sẽ thành công hơn với USFL".
Theo CBS Sport, số nhân vật thể thao ủng hộ tiền cho Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống ít hơn khá nhiều so với Hillary Clinton. Tuy nhiên, số tiền cao nhất mà một cá nhân quyên góp vào quỹ của Hillary Clinton chỉ là 5.400 USD. Còn riêng Bob McNair - ông chủ CLB bóng bầu dục Houston Texans - đã ủng hộ Trump những 254.600 USD.