Theo tờ Defense News, nếu Quốc hội Mỹ đồng ý phê chuẩn, Mỹ sẽ cung cấp cho quân đội Ukraine 210 tên lửa và 37 bộ điều hành.
Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh thương vụ này không làm ảnh hưởng tới cán cân quân sự trong khu vực, nơi quân chính phủ Kiev đang giao tranh với quân nổi dậy ở khu vực miền Đông. Kiev từng nhiều lần cáo buộc Nga ủng hộ lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraine song Moscow phủ nhận.
"Hệ thống Javelin sẽ giúp Ukraine xây dựng năng lực quốc phòng lâu dài để bảo vệ chủ quyền và sự hợp nhất lãnh thổ nhằm đáp ứng những yêu cầu của nền quốc phòng quốc gia", Lầu Năm Góc cho hay.
Hồi đầu tuần này, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng cho biết ông hy vọng Mỹ sẽ chuyển lô vũ khí sát thương đầu tiên cho Ukraine "trong vài tuần tới" nhưng không nói rõ là loại vũ khí gì.
Theo Đạo luật Cấp phép quốc phòng quốc gia 2018 (NDAA), Mỹ đã quyết định tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kiev bao gồm cả các loại vũ khí sát thương. Nhưng cho tới nay, Mỹ mới chỉ hỗ trợ hậu cần, tình báo, huấn luyện cho quân đội Ukraine.
Washington cũng đã lên tiếng cáo buộc Moscow xâm chiếm Ukraine kể từ năm 2014 mà đỉnh điểm là việc bán đảo Crimea quyết định sáp nhập vào lãnh thổ Nga. Trong khi đó, khu vực Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine đã thành lập Nhà nước Cộng hòa tự xưng và kiên quyết chiến đấu chống lại nỗ lực "tái hợp nhất" của quân chính phủ Kiev.
Về phần mình, Moscow phủ nhận liên quan tới cuộc xung đột ở miền đông Ukraine đồng thời cảnh báo Washington không nên cung cấp vũ khí sát thương cho quân chính phủ Kiev bởi hành động này có thể làm bùng phát ngọn lửa xung đột, đẩy dân thường phải chịu thêm cảnh thương vong.