Chiến sự Nga - Ukraine và cuộc chiến ngầm về kinh tế

TRƯƠNG KHẮC TRÀ |

Song song chiến sự Nga - Ukraine là màn so găng kinh tế gay cấn, các bên dường như cắn răng chịu đựng những vết thương.

Theo WB, Ukraine cần ít nhất 350 tỷ USD để tái thiết hậu chiến tranh

Theo WB, Ukraine cần ít nhất 350 tỷ USD để tái thiết hậu chiến tranh

Bom đạn trút xuống lãnh thổ Ukraine ngày càng dữ dội, chiến sự Nga- Ukraine đã cướp đi hàng vạn sinh mạng. Thiệt hại kinh tế còn trầm trọng hơn khi các bên dường như đang thi gan chịu đau đớn tột cùng để không bật ra tiếng kêu ở thời điểm rất nhạy cảm này.

Nền kinh tế Ukraine gần như tê liệt, GDP dự báo giảm 35% năm nay. Tất cả nguồn thu thuế không đủ phục vụ chi tiêu cho chiến tranh, chính phủ in thêm tiền khiến đồng nội tệ hryvnia “bốc hơi” tới 70%, chỉ số giá tiêu dùng hiện ở mức 30% và có nguy cơ chạm mốc “siêu lạm phát” trên 40%.

Những thắng lợi liên tiếp của Ukraine trên chiến trường đồng nghĩa với đòi hỏi thêm tiền bạc, vũ khí; chúng không đủ che khuất nỗi lo về kinh tế. Có thể nói Ukraine như cỗ máy tiêu tiền khủng khiếp.

Trong bài phát biểu ngày 12/10, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, quốc gia này cần thêm 38 tỷ USD cho ngân sách 2022. Từ nay đến cuối năm 2022, Nhà trắng còn gói 4,5 tỷ USD, phía châu Âu cam kết 11 tỷ USD nhưng chỉ mới giải ngân 3 tỷ USD. Nghĩa là số tiền khổng lồ mà ông Zelensky yêu cầu vẫn chưa được bàn tới.

Điều này rất quan trọng với Ukraine, ông Joe Biden sắp “thử lửa” bầu cử giữa nhiệm kỳ, lưỡng viện có thể thay đổi cơ cấu quyền lực. Không ai chắc Tổng thống Mỹ duy trì được mối thống nhất về chiến sự Nga - Ukraine như hiện nay, dễ dàng thông qua các gói viện trợ.

Chiến sự Nga - Ukraine và cuộc chiến ngầm về kinh tế - Ảnh 1.

Ông Joe Biden sắp “thử lửa” bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Trong khi đó, Châu Âu đang cho thấy tình trạng quá tải an sinh xã hội do khủng hoảng năng lượng, lương thực, hàng loạt cuộc biểu tình lớn nổ ra ở Paris, Madrid, Rome vào ngày 16/10 phản đối tình trạng giá khí đốt và điện tăng cao khiến mọi thứ trở nên cực kỳ đắt đỏ.

Cần lưu ý rằng, ba chính trị gia hàng đầu châu Âu, gồm các ông E. Macron, M. Draghi và O. Scholz đã đến thăm Ukraine ngày 16/6. Cả ba ông đều có ý tưởng giải quyết căng thẳng bằng con đường đàm phán, trong đó Kiev nên nhượng bộ Moscow.

Dường như châu Âu không sẵn sàng gia nhập cuộc chơi đầy rủi ro cho đến khi ông Biden công du 8 ngày đến châu lục này, sau đó quyết định cấm vận dầu Nga mới được thông qua. Vào tình thế “cưỡi lưng hổ”, EU trượt dài và đóng băng hoàn toàn quan hệ mọi mặt với Nga.

EU không dễ giải ngân như Mỹ bởi cơ chế liên minh không phải bất cứ lúc nào cũng đạt đồng thuận tối đa, nhất là vấn đề tiền bạc. Vì vậy, một lần nữa Mỹ và châu Âu lại bất đồng về vấn đề viện trợ Ukraine.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Jannet Yellen cho rằng, cần thiết phải giải ngân nhanh chóng các khoản viện trợ trực tiếp, thay vì các khoản vay, để giúp Ukraine. Bà Yellen như ám chỉ EU vì khối này chỉ cho Ukraine vay ưu đãi chứ không viện trợ vĩnh viễn.

Washington Post dẫn phát ngôn một quan chức châu Âu, như lời phản pháo: “EU đã chào đón và chăm sóc hàng triệu người tị nạn từ Ukraine. Tất cả những điều này cũng cần được tính đến khi thảo luận về hỗ trợ tổng thể dành cho Ukraine”.

Chiến sự Nga - Ukraine và cuộc chiến ngầm về kinh tế - Ảnh 3.

Ukraine ngày càng lệ thuộc vũ khí và tiền bạc từ Mỹ và châu Âu

Công cuộc tái thiết Ukraine cũng là vấn đề nan giải, theo ước tính của WB, Kiev cần tối thiếu 350 tỷ USD để nền kinh tế tái hoạt động, số tiền tương đương 1,5 lần GDP nước này trước chiến tranh.

Tái thiết một quốc gia giàu tài nguyên như Ukraine là kênh đầu tư đầy hấp dẫn, không thiếu nhà tài trợ sẵn sàng chi tiền. Tuy nhiên, vấn đề then chốt lúc này là nuôi sống bộ máy của Tổng thống Zelensky.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại