Chiến sự Nga - Ukraine: Khoảng lặng trong tâm bão

Nhật Minh |

Chiến sự Nga- Ukraine có thể sẽ leo thang mạnh mẽ hơn trong thời gian tới sau khoảng lặng để thay đổi chiến thuật, tìm kiếm thêm các loại vũ khí tối tân hơn.

Chiến sự Nga - Ukraine: Khoảng lặng trong tâm bão - Ảnh 1.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 của quân đội Đức sẽ được viện trợ cho Ukraine. Ảnh: AFP.

Số người chết, phương tiện chiến tranh bị tiêu hao càng ngày càng lớn hơn trước, tình trạng bắt lính liên tục diễn ra ở Ukraine, trong khi dân chúng vẫn khốn khổ đi tị nạn, cũng như cực khổ trong cuộc sống sinh hoạt do bị tên lửa Nga tấn công hệ thống hạ tầng năng lượng làm mất điện, mất nước...

Trên mặt trận kinh tế, các đòn trừng phạt kinh tế của tập thể EU - Mỹ và khối đồng minh chưa đánh quỵ được Nga, khi Nga tạo trục liên hệ kinh tế mới với Trung Quốc, Ấn Độ, Iran cùng các quốc gia “thân thiện” khác.

Dầu thô của Nga bằng nhiều cách vẫn được xuất khẩu đến nơi có nhu cầu và thu tiền về đều. Cuộc chiến chưa có kịch bản nào rõ ràng để kết thúc. Chỉ khi một bên bị đánh quỵ hẳn không còn khả năng phản kháng cả quân sự, kinh tế, chính trị mới có thể kết luận được vấn đề. Cho nên mặt trận cần có bước tiến nhất là mặt trận ngoại giao thì lại “giậm chân tại chỗ”, không có tín hiệu sáng nào ngoài các cáo buộc và đe doạ lẫn nhau giữa các bên.

Chiến tranh đang leo thang, muốn kết thúc được chắc chắn cần có trận so găng “quyết chiến chiến lược” giữa hai bên tham chiến, mà bên nào giành phần thắng trên chiến trường sẽ có quyền ngã giá phân chia lãnh thổ, quyền lợi trên bàn đàm phán.

Hiện tại, quân Nga đang khép dần vòng vây khu vực Bakhmut - nơi tập trung rất đông binh lực tinh nhuệ của Ukraine, lính đánh thuê… Tổng thống Ukraine liên tục đề nghị cung cấp vũ khí bao gồm xe tăng chủ lực, tên lửa tầm xa, máy bay chiến đấu thế hệ mới… để chống trả lại quân Nga. Điều này chứng tỏ quân Ukraine không chiếm được ưu thế khi phòng thủ Bakhmut, hiện đang cần vũ khí mạnh hơn để chống lại Nga.

Phản ứng của Nga trên truyền thông trước việc NATO - Mỹ cung cấp các loại xe tăng chủ lực như Abrams M1 của Mỹ, Leopard 2 của Đức, Challenger 2 của Anh… rất bất ngờ là không hề gay gắt như trước. Phía Nga không đưa ra đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân, lớn tiếng cảnh báo hành động leo thang chiến tranh như đã từng làm. Nga chỉ tuyên bố việc Mỹ gửi xe tăng chủ lực đến Ukraine tham chiến là “một bước đi nguy hiểm” như lời tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov, đồng thời ông nói thêm: “Nga sẵn sàng xem xét sáng kiến để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine nhưng cho đến nay vẫn chưa có đề xuất cụ thể. Trong điều kiện hiện tại, việc Washington công bố quyết định cung cấp xe tăng cho Kiev sẽ khiến cho cuộc đối thoại với Ukraine trở nên vô nghĩa”.

Đây giống như khoảng lặng tạm lắng giữa cơn bão. Khi yên tĩnh đáng sợ tạm thời này sẽ nhanh chóng qua đi, bão sẽ quay lại tàn khốc, khủng khiếp hơn lúc trước.

Chiến sự Nga - Ukraine: Khoảng lặng trong tâm bão - Ảnh 2.

Lực lượng tăng thiết giáp hiện đại do phương Tây viện trợ cho Ukraine

Việc công bố công khai chuyển vài chục, thậm chí hàng trăm chiếc xe tăng cho Ukraine không thể đủ để xoay chuyển cục diện chiến trường, khi mà trước chiến sự Nga- Ukraine , Ukraine sở hữu gần 3 ngàn chiếc tăng còn không làm nổi điều gì. Nên cho dù xe tăng Mỹ - NATO có mang những tính năng vượt trội cũng không thể giành chiến thắng thuyết phục trước lực lượng áp đảo của Nga. Chưa kể, dù có tối tân đến đâu thì xe tăng cũng không phải là đối thủ của bom hay pháo nhiệt áp.

Các bước leo thang này đều nằm trong kế hoạch tính toán chiến thuật “tằm ăn lá dâu” của Mỹ -NATO, sẽ từng bước cung cấp cho Ukraine. Sau xe tăng sẽ là tên lửa tầm xa, máy bay chiến đấu… Mục đích dần dần bào mòn làm suy kiệt sức chiến đấu của Nga rồi tung đòn knock out kết liễu.

Giới tinh hoa quân sự Mỹ - NATO có kinh nghiệm chiến tranh dày dạn, sừng sỏ; vũ khí của Mỹ - NATO cực kỳ chính xác, hiệu quả. Sự phát triển khoa học công nghệ được áp dụng vào kỹ thuật quân sự tối đa, nhưng niềm tin vào chiến thắng của Ukraine trước quân Nga thì chưa đủ. Do vậy, họ còn chần chừ, cũng như sẵn sàng tháo bỏ các thiết bị có tính chất tuyệt mật liên quan đến bí mật công nghệ quân sự, chứ không sẵn sàng dốc hầu bao cung cấp tất cả những thứ Ukraine cần. Họ lo ngại những bí mật đó lọt vào tay quân Nga.

Ở phía Nga, với việc ông Putin cử Đại tướng Gerasimov đảm nhiệm chức Tư lệnh chiến dịch quân sự đặc biệt, có thể sẽ không còn các trận đánh cấp chiến thuật, chiến dịch nữa, mà sẽ là các trận đánh cấp độ quyết chiến chiến lược, quyết định sự thành bại cuộc chiến.

Dù kết quả trận quyết chiến này có ra sao thì người đau khổ vẫn là những gia đình có người thân bị vong mạng. Hy vọng có phép màu nào đó cho cuộc chiến này mau chóng chấm dứt thay vì một cuộc chiến cực lớn sắp sửa diễn ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại