Xe tăng Nga tại tỉnh Zaporizhzhia
Sau khi Thượng viện Mỹ thông qua việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố Nga tấn công Ukraine là một sai lầm chiến lược lớn, khiến Nga yếu hơn về mặt quân sự, kinh tế và địa chính trị.
Trên thực tế, cuộc tấn công của Ukraine ở Kharkov vào tháng 9 vừa qua đã cho thấy thế khó của Nga. Khi các lực lượng của Nga dần mất đà trên chiến trường, Ukraine đã nắm lấy thế chủ động, giáng đòn quyết định vào quân đội Nga. Tuy nhiên, thay vì từ bỏ, ông Putin đã giải quyết những vấn đề này bằng cách ra lệnh tổng động viên quân đội một phần, đưa ra các hình phạt mạnh hơn đối với những binh sĩ đào ngũ hoặc đầu hàng, và sáp nhập 4 khu vực của Ukraine.
Cuộc chiến ở Ukraine đã giáng một đòn mạnh vào kinh tế Nga. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Nga sẽ giảm 6% trong năm 2022, nhưng đây mới chỉ là bước khởi đầu. Bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của phương Tây đối với Nga sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của nước này với các công nghệ và linh kiện quan trọng, khiến nhiều ngành công nghiệp của Nga điêu đứng, kể cả ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.
Lệnh cấm vận của Châu Âu đối với dầu khí Nga khiến khu vực này phải đối mặt với những thách thức trong việc tìm nguồn cung thay thế cho nhập khẩu năng lượng của Nga trong thập kỷ tới. Nhưng về dài hạn, Châu Âu sẽ dần dần không còn phụ thuộc vào năng lượng của Nga, khiến nước này mất đi một đối tác tiêu thụ vô cùng lớn.
Quân đội Nga hiện nay được đánh giá đang ở trạng thái không tốt. Chiến sự Nga-Ukraine đã tiêu tốn rất nhiều vũ khí và làm hao mòn một lượng lớn thiết bị quân sự của Nga, khiến Nga đang phải đàm phán mua vũ khí từ một số quốc gia. Bên cạnh đó, đến nay có khoảng hơn 80.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc giao tranh với Ukraine.
Càng kéo dài chiến sự ở Ukraine, Nga sẽ càng chịu thêm nhiều thiệt hại, nhất là khi Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục hỗ trợ Ukraine những loại vũ khí hiện đại hơn. Tuy nhiên, nước này không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục thực hiện mục tiêu chiến sự của mình ở Ukraine.
Mặc dù vậy, Nga đang tìm cách hóa giải những thách thức hiện nay. Chẳng hạn như với lệnh cấm vận dầu khí của Châu Âu đối với Nga, thì nước này đã hóa giải bằng cách chiết khấu cao cho các đối tác nhập khẩu, như Trung Quốc, Ấn Độ… để đẩy mạnh tiêu thụ dầu mỏ. Không những thế, Nga còn siết chặt hợp tác với Saudi Arabia để tác động OPEC+ cắt giảm sản lượng nhằm đẩy giá dầu lên, gây bất lợi cho Mỹ và phương Tây… Ngoài ra, Nga cũng đang thực hiện hóa giải thách thức hiện nay bằng nhiều cách khác.
Bà Andrea Kendall-Taylor, Giám đốc Chương trình An ninh xuyên Đại Tây Dương của Trung tâm An ninh Mỹ, cho rằng Nga càng nhận thấy sự bị tổn thương, thì sẽ càng cố gắng bù đắp bằng cách sử dụng đa dạng vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Nói cách khác, sức mạnh và ảnh hưởng của Nga có thể bị suy giảm, nhưng điều đó không có nghĩa là Nga sẽ trở nên ít đe dọa.
Cục diện chiến trường Ukraine sau hơn 8 tháng giao tranh. Đồ họa: WP.
Hơn nữa, Nga vẫn là nước đi đầu trong lĩnh vực phòng không tổng hợp, tác chiến điện tử, vũ khí chống vệ tinh, tàu ngầm và các hệ thống tiên tiến khác. Mặc dù ban đầu có vẻ như Nga đã không sử dụng các hoạt động tấn công mạng, nhưng theo phân tích của Microsoft, Nga đã thực hiện gần 40 cuộc tấn công mạng nhằm vào Ukraine trong 3 tháng đầu tiên của chiến sự Nga- Ukraine.
Ngoài ra, kho vũ khí hạt nhân của Nga cũng là lý do mà Mỹ và phương Tây luôn có bước đi thận trọng trong việc hỗ trợ Ukraine trong chiến sự này. Bà Andrea Kendall-Taylor cho biết, Nga có kho vũ khí hạt nhân đa dạng hơn Mỹ, với nhiều loại vũ khí phi chiến lược khác nhau. Về mặt lý thuyết, dường như nước này sẵn sàng sử dụng những vũ khí đó hơn trong cuộc xung đột với Ukraine.
Đến nay, sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây dành cho Ukraine là rất lớn. Chỉ riêng Mỹ đã hỗ trợ Ukraine hơn 45 tỷ USD và con số này sẽ chưa dừng lại. Sự hỗ trợ này đã giúp Ukraine không chỉ tự vệ mà còn phát động một cuộc phản công nhằm chiếm lại lãnh thổ bị quân Nga chiếm đóng. Dù Ukraine đang có một số lợi thế, nhưng không dễ giành chiến thắng trước Nga. Do đó, cuộc chiến này sẽ còn kéo dài.
Bà Andrea Kendall-Taylor cho rằng, ngay cả khi Ukraine và những đồng minh phương Tây thực hiện được mục tiêu nói trên của mình, Nga vẫn sẽ là một thách thức lớn đối với an ninh Châu Âu. Cuộc chiến ở Ukraine chỉ là cuộc chiến mới nhất trong một loạt các cuộc xung đột khác giữa Nga và phương Tây.
“Việc viện trợ Ukraine sau nhiều tháng chiến sự đã bộc lộ những lỗ hổng lớn trong khả năng sản xuất đạn dược và các vũ khí của phương Tây. Việc châu Âu hóa giải thách thức này để bảo vệ chính mình là một mục tiêu lớn và sẽ mất nhiều năm, thậm chí có thể là nhiều thập kỷ”, bà Andrea Kendall-Taylor nhận định.