Xe mang biển số Nga qua cửa khẩu Phần Lan (Ảnh: AFP)
Tuần trước, Tổng thống Nga V. Putin đã quyết định điều động quân sự một phần, đây là lệnh động viên đầu tiên kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II. Và đây cũng là điều chưa có tiền lệ khi binh sĩ được điều động chủ yếu chiến đấu bên ngoài lãnh thổ.
Cho dù theo cách nhìn của các nhà hoạch định chiến lược an ninh bên trong điện Kremlin ra sao thì hầu hết cộng đồng quốc tế và một bộ phận người Nga vẫn thấy đó là nghịch lý, bởi hàng trăm nghìn người phải lên đường chiến đấu với láng giềng chứ không phải chống lại đạo quân xâm lăng nào đó.
Mâu thuẫn bên trong lòng nước Nga bắt đầu bục phát thành hành động, hàng trăm nghìn đàn ông rời bỏ đất nước. Hãng tin AFP đăng tải rất nhiều hình ảnh, video người Nga tay xách nách mang ùn ứ ở biên giới Gruzia.
Cho dù Kremlin phản bác thông tin này, nhưng một loạt các nước Baltic giáp Nga là Latvia, Lithuania và Estonia cho biết sẽ không tiếp nhận người Nga tị nạn vì trốn lệnh động viên của Tổng thống Putin.
Ngoại trưởng Estonia, Urmas Reinsalu nói với Reuters: “Hành động từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Nga không đủ cơ sở để được cấp quyền tị nạn ở nước khác”. Do người dân Nga không thể chạy thoát nên mâu thuẫn giữa dân chúng và chính quyền Nga sẽ càng căng thẳng.
Lệnh điều động ngầm truyền tải nhiều thông điệp, đây không còn là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, kể từ năm 1945 chưa một quốc gia nào huy động đến nửa triệu quân cho một cuộc chiến được cho là “giải phóng khỏi thế lực tân phát xít”.
Diễn biến chiến sự Nga- Ukraine và tình hình nước Nga cho thấy sự bế tắc của ông Putin. Làn sóng phản ứng gay gắt hơn những gì được thông báo, và đỉnh điểm đã có nổ súng tại một văn phòng tuyển quân ở Nga.
Mối nguy của nước Nga không trực tiếp đến từ Ukraine, mà chính tầng lớp phản chiến trong nước, các phe nhóm kinh tế sẽ là lực lượng nòng cốt gây áp lực với Kremlin.
Tổng thống Putin vẫn còn lựa chọn an toàn
Với tình hình tại Ukraine, mùa đông sắp đến, khả năng phản công còn bỏ ngõ, theo nhiều chuyên gia phân tích, Moscow cần không ít thời gian để động viên đủ quân số, huấn luyện để đạt được kỹ năng thực chiến.
Dĩ nhiên, khả năng chiến thắng của Kiev chưa phải là cao, song hy vọng lật ngược tình thế cho Nga chỉ có thể đến khi ông Putin dùng đến vũ khí tối tân hơn – trong trường hợp này là vũ khí hạt nhân chiến lược.
Vũ khí hạt nhân là con dao hai lưỡi, cho dù áp đảo Ukraine thì không ai đảm bảo Mỹ và NATO không đáp trả mạnh mẽ như tuyên bố của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, ông Jack Sullivan.
Đàm phán, xuống thang chiến tranh là con đường duy nhất có thể dập tắt mọi kịch bản xấu. Điều này không phải là không thể - nhưng với điều kiện đa số giới tinh hoa chính trị Nga đến lúc phản lên tiếng.