Gần đây, khi xung đột giữa Nga và Ukraine ngày càng căng thẳng, nhiều nước phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Để đối phó với các lệnh trừng phạt này, Nga cũng đã áp dụng nhiều phương pháp khác nhau.
Ngày 27/2 theo giờ địa phương, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức cuộc họp về tình hình Ukraine và chỉ thị Bộ Quốc phòng Nga đặt lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược của nước này vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
Động thái này đã khiến người dân nhiều nước châu Âu bắt đầu cảm thấy bất an và đổ xô đi mua i-ốt.
Sản phẩm i-ốt dạng viên. Ảnh: 163.com
Doanh số bán sản phẩm liên quan đến i-ốt tại các hiệu thuốc ở Bulgaria được cho là đã đạt doanh số cả năm ngoái chỉ trong vài ngày.
Sản phẩm i-ốt dạng viên ở Cộng hòa Séc, Ba Lan và một số nước khác đang được người dân săn tìm.
Những viên i-ốt trên hiệu thuốc trực tuyến Apotea ở Thụy Điển đã bán hết sạch vào ngày đầu tiên quân đội Nga tiến vào Ukraine.
Nhiều hiệu thuốc ở Phần Lan cũng đã hết hàng.
Tại sao người châu Âu lại đổ xô đi mua i-ốt?
Trong nhiều bộ phim về hạt nhân, chúng ta có thể thấy rằng khi con người gặp phải bức xạ hạt nhân, thứ đầu tiên họ ăn là một viên i-ốt.
Ở nhiều nước, khi các nhà máy điện hạt nhân bị rò rỉ phóng xạ, việc đầu tiên là phát các viên i-ốt cho nhân viên.
Vào năm 2019, các vết nứt đã xuất hiện trên lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Tihange của Bỉ, khiến dư luận lo lắng. Tại Aachen - một thành phố nằm trên biên giới Đức - Bỉ, chỉ cách nhà máy điện hạt nhân 70 km, các bộ phận liên quan ngay lập tức cho người dân đặt mua viên i-ốt miễn phí trên mạng.
Lò phản ứng trong nhà máy điện hạt nhân Tihange (Bỉ) xuất hiện vết nứt vào năm 2019.
Mỗi vụ nổ hạt nhân hoặc rò rỉ hạt nhân đều giải phóng một lượng lớn i-ốt phóng xạ. Chúng là sản phẩm của quá trình phân hạch hạt nhân, thường ở thể khí hoặc lỏng. I-ốt phóng xạ có thể gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, thực phẩm, thậm chí xâm nhập vào cơ thể con người. Nếu bị nhiễm i-ốt phóng xạ sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng như sốc, xuất huyết, thậm chí là ung thư.
Theo tài liệu liên quan, trong thảm họa hạt nhân Chernobyl, đã có 9 trẻ em chết vì ung thư tuyến giáp do đồng vị i-ốt phóng xạ gây ra.
I-ốt có thể giúp ức chế đồng vị i-ốt phóng xạ
Theo thông tin đăng tải trên trang 163 của Trung Quốc, cơ quan duy nhất trong cơ thể con người có liên quan đến i-ốt là tuyến giáp. Tuyến giáp có thể hấp thụ i-ốt. Nó cũng có một chức năng: sau khi lượng i-ốt trong tuyến giáp bão hòa mà vẫn tiếp tục ăn i-ốt, một lượng i-ốt vừa phải có thể giúp ức chế đồng vị i-ốt phóng xạ trong máu.
Chính bằng cách sử dụng nguyên tắc này, khi xảy ra phóng xạ hạt nhân, ăn i-ốt trước có thể làm giảm tác hại của i-ốt phóng xạ đối với cơ thể. Mặc dù lượng i-ốt phóng xạ này vẫn đi vào cơ thể, nhưng nó không được tuyến giáp hấp thụ mà thải ra ngoài qua đường nước tiểu. Tuy nhiên, cách làm này chỉ có thể ngăn chặn i-ốt phóng xạ, còn các nguyên tố phóng xạ khác như cesium-137 thì không thể tránh được.
Tuyến giáp có thể hấp thụ i-ốt. Ảnh: 163.com
Ăn muối i-ốt có thể chống lại phóng xạ không?
Mặc dù ăn i-ốt có thể ngăn chặn tác hại của i-ốt phóng xạ đối với cơ thể con người, nhưng không thể ăn i-ốt một cách bừa bãi. Như muối i-ốt thường dùng trong cuộc sống hàng ngày sẽ không có tác dụng. Do hàm lượng i-ốt trong muối i-ốt quá thấp, thường có tỉ lệ 30mg i-ốt trên 1kg muối, chủ yếu tồn tại dưới dạng kali i-ốt. Trong khi đó, các viên i-ốt đặc chế để ngăn ngừa phóng xạ chứa 100mg i-ốt mỗi viên.
Nói cách khác, muốn đạt được tác dụng tương đương 1 viên i-ốt thì phải ăn một lúc 3kg muối i-ốt - điều gần như là không thể. Vì vậy, việc dựa vào muối i-ốt để phòng chống phóng xạ i-ốt là không hiệu quả.
I-ốt không nên ăn bừa bãi
Theo trang 163, việc hấp thụ quá nhiều i-ốt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta và hoạt động bình thường của tuyến giáp. Nó có thể dẫn đến cường giáp và cũng có thể dẫn đến suy giáp. Phụ nữ mang thai hấp thụ quá nhiều i-ốt có thể gây bướu cổ ở trẻ sơ sinh và bị suy giáp.
Và ngộ độc i-ốt cấp tính có thể gây đau quặn bụng, tiêu chảy và đi ngoài ra máu, loét dạ dày tá tràng, phù mặt và cổ, thiếu máu, tan máu, toan chuyển hóa, gan nhiễm mỡ và suy thận…
Khi bắt đầu xảy ra vụ rò rỉ hạt nhân ở Nhật Bản vào năm 2011, người dân Mỹ đã lo ngại phóng xạ hạt nhân có thể ảnh hưởng đến nước Mỹ nên đã tự uống viên i-ốt, kết quả là có 57 trường hợp ngộ độc i-ốt đã xảy ra chỉ trong vài ngày. Vì vậy, đừng cố ăn i-ốt vì sợ, việc này rất nguy hiểm, cần tuân thủ hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.