Chiến sự Libya: Cuộc chiến giữa những "vị khách lạ", muốn "mượn tay" tướng Haftar?

Quốc Vinh |

Mặc dù có những mục tiêu khác nhau giữa hai bên, cuộc chiến ở Libya dường như đang bị các thế lực bên ngoài chi phối, tạo đòn bẩy cho cuộc cạnh tranh rộng lớn hơn.

Chiến sự Libya: Cuộc chiến giữa những vị khách lạ, muốn mượn tay tướng Haftar? - Ảnh 1.

Tướng Haftar đang có được nhiều sự ủng hộ hơn Chính phủ GNA.

Tương quan ủng hộ giữa GNA và LNA

Cuộc đối đầu để kiểm soát Thủ đô Libya đã kéo dài gần một tháng qua, cướp đi sinh mạng của ít nhất 392 người và gần 2.000 người bị thương, theo số liệu của Liên Hợp Quốc. Hàng ngàn người khác đã phải di tản và có mối lo ngại về việc các cuộc đụng độ sẽ tăng cường trước tháng chay Ramadan.

Mặc dù có những mục tiêu khác nhau giữa hai bên, cuộc chiến ở Libya dường như đang bị các thế lực bên ngoài chi phối, tạo đòn bẩy cho cuộc cạnh tranh rộng lớn hơn, theo CNN.

Người có lực lượng đang bao vây Tripoli là tướng Khalifa Haftar. 50 năm trước, với tư cách là một sĩ quan cấp dưới, ông đã tham gia cuộc đảo chính đưa Moammar Gadhafi lên nắm quyền. Bây giờ - ở tuổi 76 - ông dẫn đầu Quân đội Quốc gia Libya (LNA) băng qua sa mạc từ Benghazi để giành lấy Libya cho chính mình.

Trong khi bảo vệ thủ đô là các lực lượng ủng hộ Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) được Liên Hợp Quốc công nhận.

Haftar có rất nhiều bạn bè nước ngoài. Ông đã từng đến Moscow và nhận sự hỗ trợ từ Paris. Tuy nhiên, những vị khách ủng hộ chính của ông được cho là Saudi, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, theo CNN.

Vài ngày trước khi cuộc tấn công bắt đầu, tướng Haftar đã gặp Quốc vương Salman bin Abdulaziz và Thái tử Mohammed bin Salman ở Riyadh – trở thành nhà lãnh đạo Libya đầu tiên đến thăm một vị vua Ả Rập trong hơn 50 năm.

Theo báo cáo của các chuyên gia Liên Hợp Quốc, trong những năm gần đây, UAE đã cung cấp cho lực lượng của Haftar máy bay và gần 100 xe bọc thép. Báo cáo tương tự cho biết nhiều khả năng UAE đã giúp Haftar phát triển căn cứ không quân tại Khadim.

Một nguồn tin trong khu vực cũng tiết lộ, Chính phủ UAE và Saudi Arabia đã cam kết 200 triệu USD cho chiến dịch Haftar, một phần trong đó đã được sử dụng để mua vũ khí. Tuy nhiên, cả hai Chính phủ nói trên đều không xác nhận có một sự hỗ trợ tài chính như vậy.

Trong khi đối thủ của tướng Haftar – Chính phủ GNA- lại có ít bạn bè hơn.

Kể từ khi bước vào hoạt động từ năm 2016, ảnh hưởng của Chính phủ GNA hiếm khi được mở rộng ra ngoài thủ đô. GNA cũng bị phụ thuộc vào lực lượng dân quân để bảo vệ an ninh cho chính mình.

Về phần mình, tướng Haftar và các đồng minh gọi lực lượng dân quân này là những kẻ "cực đoan Hồi giáo". Tuần trước, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash nói rằng "các dân quân cực đoan" đã "làm hỏng" việc tìm kiếm một giải pháp chính trị ở Libya.

Một nguồn tin ngoại giao của UAE nói với CNN rằng, những gì đang diễn ra ở Libya là cuộc chiến về "chấm dứt ảnh hưởng khu vực của Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và sự tài trợ của các nước này cho các nhóm dân quân do tổ chức Anh em Hồi giáo lãnh đạo trong khu vực".

Năm ngoái, trong một cuộc phỏng vấn với al Hayat, Ngoại trưởng Gargash nói rằng: "Qatar vẫn ủng hộ chủ nghĩa cực đoan và khủng bố, cũng như tán thành nhiều kế hoạch khủng bố trong thế giới Ả Rập. Có nhiều bằng chứng bao gồm vai trò của Qatar ở Libya và sự ủng hộ nhóm Anh em Hồi giáo".

Arturo Varvelli, chuyên gia về Bắc Phi tại Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế Italia nhận định: "Tướng Haftar có thể phù hợp với nhiều lợi ích khác nhau của các thế lực bên ngoài như UAE, Saudi và Ai Cập. Mục tiêu ưu tiên của họ là chống lại các phong trào cực đoan Hồi giáo và đặc biệt là nhóm Anh em Hồi giáo được cho là nằm dưới sự ủng hộ của Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ".

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà chính quyền Trump - một đồng minh vững chắc của Saudi và UAE - đang xem xét chỉ định nhóm Anh em Hồi giáo là một tổ chức khủng bố.

Yếu tố Nga, Mỹ, châu Âu

Nhưng đó không chỉ là cuộc cạnh tranh giữa các thế lực vùng Vịnh đang diễn ra ở Libya. Các chỉ huy quân sự cấp cao của Mỹ bày tỏ quan ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Nga tại đây.

"Về mặt ngoại giao, Moscow vẫn cố gắng thể hiện mình là người tham gia với nhiều bên khác nhau trong cuộc đấu tranh quyền lực ở Libya. Họ dường như không ủng hộ hoàn toàn bất kỳ phe phái nào", nhà báo Mary Fitzgerald, tác giả của "Cuộc cách mạng Libya và hậu quả", nói với CNN.

Nhưng một số nhà phân tích vẫn tin rằng Điện Kremlin có phần ưu tiên nhỉnh hơn về tướng Haftar, lưu ý rằng Moscow đã chặn một tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi quân đội của Haftar "tạm dừng hoạt động quân sự" đối với Tripoli.

Chiến sự Libya: Cuộc chiến giữa những vị khách lạ, muốn mượn tay tướng Haftar? - Ảnh 2.

Cuộc đối đầu ở Libya đã kéo dài suốt một tháng qua.

Về phần mình, chính quyền Trump đã gửi các thông điệp hỗn hợp. Ngoại trưởng Mike Pompeo nói vào ngày 7/4: "Chúng tôi phản đối cuộc tấn công quân sự của lực lượng Khalifa Haftar".

Nhưng những ngày sau đó, Tổng thống Trump đã nói chuyện với tướng Haftar về "những nỗ lực chống khủng bố đang diễn ra" và "vai trò quan trọng của Nguyên soái Haftar trong cuộc chiến chống khủng bố và đảm bảo nguồn tài nguyên dầu mỏ của Libya", theo một tuyên bố của Nhà Trắng.

Nhà quan sát Libya lâu năm Geoff Porter cho rằng: "Sự ủng hộ của Mỹ cho Haftar có nghĩa là Haftar có thể bắt đầu hoạt động xuất khẩu dầu dưới sự kiểm soát của mình mà không cần phải lo lắng về việc Mỹ đang cố gắng ngăn chặn ông ấy".

Cũng có một khía cạnh liên quan đến châu Âu đối với câu chuyện Libya. Pháp và Italia đang bất đồng lẫn nhau, với Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Antonio Tajani, đổ lỗi cho Paris về "những sai lầm lịch sử" đã góp phần vào sự bất ổn của Libya.

Các nguồn tin của Pháp khẳng định Paris không biết về kế hoạch tấn công của tướng của Haftar - một lời tuyên bố đã được đón nhận trong sự hoài nghi ở Rome. Nhưng Pháp đã chặn một tuyên bố của EU về việc kêu gọi Haftar dừng chiến dịch của mình.

Các công ty dầu khí của Pháp, Ý và Nga đều nhìn thấy cơ hội ở Libya.

Sa lầy

Haftar từ lâu đã đe dọa sẽ tiến về Tripoli - và sau khi củng cố quyền kiểm soát các mỏ dầu quan trọng ở phía Đông đầu năm nay, vị tướng này đã sẵn sàng đẩy mạnh về phía Tây.

Trong chiến dịch, tướng Haftar đã bất chấp các nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong việc triệu tập một hội nghị hòa bình quốc gia, hiện đang bị trì hoãn vô thời hạn.

"Haftar đã cố gắng làm suy yếu tiến trình của Liên Hợp Quốc ở mọi ngã rẽ kể từ khi nó bắt đầu vào cuối năm 2014 bằng cách thể hiện mình là một lực lượng cần được nhượng bộ", Fitzgerald nói với CNN. "Ông ấy muốn tiến trình của Liên Hợp Quốc phải uốn cong để thích nghi với mình hơn là bản thân phải thỏa hiệp".

Fitzgerald, người đã gặp Haftar ở Benghazi vào năm 2014, nhớ lại: "Một trong những cố vấn của ông ấy nói với tôi rằng Haftar muốn thống lĩnh Libya và Libya cần những gì ông ấy gọi là một nhân vật mạnh mẽ. Haftar tin rằng Libya chưa sẵn sàng cho dân chủ".

Nhưng nếu nghĩ rằng đối thủ của mình sẽ thất bại nhanh chóng, Haftar dường như đã tính toán sai.

"Haftar có lẽ đang nhắm mục tiêu thủ đô sẽ là vị cứu tinh của đất nước mình. Ông cho rằng dân chúng mệt mỏi vì sự hỗn loạn sẽ ủng hộ ông và các nhà lãnh đạo dân quân không có cảm hứng chiến đấu. Có lẽ ông ấy đã đánh giá quá cao bản thân và đánh giá thấp sự kháng cự ở Tripoli", chuyên gia Varvelli nhận xét.

Haftar cho biết mục tiêu của ông là thanh trừng các chiến binh thánh chiến và các băng đảng tội phạm khỏi Libya. Nhưng khác xa với việc dập tắt chúng, một số chuyên gia lo ngại chiến dịch của ông sẽ chỉ càng tạo cho khủng bố chỗ đứng.

Tháng trước, tàn quân IS đã phát động một cuộc tấn công ở miền Nam Libya, giết chết hai người ở thị trấn al Fuqaha, cách Tripoli 600 km. Gần đây, IS cũng đã tấn công một trại quân của tướng Haftar gần Sabha.

Như nhà quan sát Porter nhận xét: "Không có điều gì khiến IS thích thú hơn là một chiến trường hỗn loạn, nơi chúng có cơ hội để chen chân vào".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại