Chiến lược này có thể phát vỡ thế độc tôn của vũ khí hạt nhân hiện nay và khơi mào cho cuộc chạy đua vũ trang mới giữa các siêu cường.
Những quan ngại liên quan tới việc Mỹ phát triển PGS đã được nêu rõ trong bài phát biểu của đại diện Bộ Quốc phòng Nga, Alexander Yemelyanov tại phiên họp Hợp tác Nga-Trung về vấn đề phòng thủ tên lửa, diễn ra bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc hồi đầu tháng 10-2017.
"Với việc kết hợp khả năng hoạt động giữa các đơn vị vũ khí tấn công và phòng thủ, Lầu Năm góc đang từng bước hoàn thiện học thuyết PGS cho phép tấn công phủ đầu bất kỳ địa điểm nào trên Trái Đất một cách nhanh chóng".
Như vậy, với những yêu cầu đối Nga và Trung Quốc thu hẹp kho vũ khí hạt nhân theo các thỏa thuận song phương, hiệu quả của PGS trong tương lai có thể tạo ra phương thức răn đe mang tính toàn cầu mới.
Chiến lược PGS chỉ dành cho siêu cường
Về bản chất, chiến lược tấn công nhanh toàn cầu là sáng kiến của giới chức quân sự Mỹ về việc phát triển hệ thống vũ khí sử dụng đầu đạn thông thường tấn công bất kỳ quốc gia nào trong vòng 1 giờ.
tưởng chính là dùng các thiết bị vận chuyển cấp chiến lược-chiến dịch đánh phủ đầu và vô hiệu hóa hệ thống quản lý nhà nước, đầu não chỉ huy quân sự, hệ thống vũ khí tấn công chiến lược của đối phương.
Trong khi đó, các loại vũ khí đáp trả của đối phương như tên lửa đạn đạo, máy bay ném bom tầm xa sẽ bị vô hiệu hóa bởi hệ thống phòng thủ tên lửa đặt trên lãnh thổ Mỹ, các quốc gia đồng minh hoặc từ hạm đội Hải quân Mỹ trên các đại dương.
ICBM Minuteman III được hoán cải trang bị đầu đạn thông thường theo chiến lược PGS.
Tấn công phủ đầu đối phương bằng vũ khí chính xác cao ở bất kỳ địa điểm nào trên Trái Đất đã giải thích cho các chương trình vũ khí siêu thanh mới của Mỹ.
Những đòn tấn công bất ngờ bằng tên lửa hành trình từ tàu ngầm là một trong những cốt lõi của chiến lược PGS.
Khi hoàn thiện, PGS có thể đánh gục quốc gia đối thủ trước khi có thể sử dụng vũ khí hạt nhân hay vũ khí cấp chiến thuật để đáp trả.
Với chiến lược trên, Mỹ đồng thời đạt được hai mục tiêu. Việc phát triển và triển khai vũ khí thông thường không bị giới hạn bởi các hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược.
Thứ 2, Washington từng công bố kế hoạch sẽ duy trì số lượng ICBM Minuterman III trang bị đầu đạn thông thường cho chiến lược PGS. Tuy nhiên, trong thực tế, liệu khi chiến tranh tổng lực, số ICBM nói trên liệu có mang đầu đạn thông thường?
Ngoài ra, PGS cũng giải thích việc Mỹ trong giai đoạn gần đây nỗ lực triển khai cả tổ hợp phòng thủ tên lửa Aegis Ashore tại châu Âu và nhiều khu vực khác trên thế giới. Hệ thống bệ phóng đa dụng MK 41 của Aegis Ashore không chỉ chứa được tên lửa đánh chặn, mà còn là tên lửa hành trình Tomahawk đáp ứng khả năng tấn công nhanh trong phạm vi hàng ngàn kilomet.
Trong thực tế, để thực hiện PGS, Mỹ sẽ huy động tổng lực các đơn vị không quân, hải quân thực hiện tấn công quy mô lớn bằng tên lửa hành trình, bom dẫn đường, thậm chí là cả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn thông thường vào các vị trí chiến lược đã được tình báo xác định trước.
Tại các vùng biển và lãnh thổ gần quốc gia đối địch, Mỹ và đồng minh sẽ triển khai các đơn vị phòng thủ tên lửa chiến trường trên bộ và trên hạm. Đây là các đơn vị phòng thủ có trách nhiệm ngăn chặn đòn phản công của đối phương sau đòn tấn công phủ đầu của PGS.
Lầu Năm góc dự kiến tới năm 2022, số lượng đạn tên lửa đánh chặn triển khai trên bộ và trên hạm của Quân đội Mỹ sẽ chạm mốc 1.000 đơn vị. Về lý thuyết, số lượng tên lửa đánh chặn trên đủ để nước Mỹ phòng thủ trong các đòn phản công có giới hạn.
Năng lực phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ tiếp tục được tăng cường trong tương lai với việc triển khai các vũ khí phòng thủ lên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất.
Sau các đòn tấn công phủ đầu, theo chiến lược PGS, Không quân Mỹ sẽ vào cuộc với việc sử dụng rộng rãi các loại bom, tên lửa dẫn đường có độ chính xác cao để đánh gục hoàn toàn năng lực phản kháng của đối phương. Với kho vũ khí thông thường khổng lồ có thể hoán cải thành vũ khí thông minh của Mỹ, việc áp chế hoàn toàn đối phương chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ai sẽ là đối tượng của PGS
"Một câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là ai sẽ là đối thủ chính của Mỹ. Trên thế giới hiện chỉ có Nga mới đủ vũ khí hạt nhân để hủy diệt nước Mỹ tới vài lần. Đó là việc mà không tổ chức khủng bố nào hay bất kỳ quốc gia nào khác có thể làm được", Trung tướng Valery Zaparenko, cựu lãnh đạo Cơ quan hoạch định chiến lược Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga đưa ra vấn đề.
Theo quan điểm của cựu Phó Tư lệnh Không quân Nga, tướng Vladimir Litvinov, chiến lược PGS có mục tiêu chính là kiềm chế và khi cần là giảm khả năng răn đe hạt nhân của Nga đối với Mỹ.
"Trong trường hợp phải đối phó với PGS, khả năng cảnh báo sớm của Nga sẽ bị giới hạn khả năng đáng kể do các đợt tấn công chủ yếu được thực hiện từ lãnh thổ nước Mỹ và tàu ngầm hoạt động trên Thái Bình Dương và Đại Tây Dương", tướng Vladimir Litvinov nói.
PGS chưa chắc đã giúp Mỹ an toàn hơn, mà có thể khơi mào cho cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu mới.
Điểm quan trọng của PGS là sử dụng tên lửa hành trình với tầm bắn khoảng vài trăm km, nên thời gian đưa ra quyết định đánh trả là rất ngắn, thậm chí là không thể khi các cơ quan chỉ huy bị tấn công và tê liệt.
"Tuy nhiên, có một vấn đề khi áp dụng PGS với Nga là lãnh thổ nước Nga rộng lớn. Các đòn tấn công phủ đầu không chắc sẽ đánh gục được năng lực đáp trả của Moscow.
Và chắc chắn nếu PGS không đánh gục được nước Nga trong 60 phút, Mỹ sẽ phải đối mặt với cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện. Kết quả của cuộc chiến sẽ không có người chiến thắng", tướng Vladimir Litvinov nhận định.
Trong tương lai, nếu căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên không hạ nhiệt, Mỹ có thể thực nghiệm một số bước của chiến lược PGS. Điều này sẽ mang lại hệ lụy không nhỏ đối với an ninh toàn cầu. Chắc chắn khi Mỹ hoàn thiện PGS, thế giới có thể bị cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang mới.
Các cường quốc chắc chắn sẽ tìm phương án đối phó với PGS không chỉ bằng vũ khí thông thường, mà cả bằng cách tăng cường năng lực răn đe hạt nhân.