Chiến lược răn đe hạt nhân Nga là lời cảnh báo tới Mỹ?

An Bình |

Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Ba ủng hộ chính sách răn đe hạt nhân bổ sung của nước này, theo đó cho phép Nga sử dụng vũ khí nguyên tử để đáp trả một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường nếu nhắm vào cơ sở hạ tầng quân sự và chính phủ quan trọng.

Bằng cách đưa nội dung một cuộc tấn công phi hạt nhân cũng là một tác nhân có thể dấy lên sự trả đũa hạt nhân của Nga, tài liệu này dường như gửi tín hiệu cảnh báo tới Mỹ.

Nội dung mở rộng mới này phản ánh những lo ngại của Nga về sự phát triển các loại vũ khí tiềm tàng có thể giúp Washington nhắm vào các cơ sở quân sự và chính phủ của đối thủ mà không dùng đến vũ khí nguyên tử.

Nằm trong khuôn khổ học thuyết quân sự của Nga, tài liệu mới khẳng định rằng nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó với một cuộc tấn công hạt nhân hoặc một cuộc tấn công thông thường nhưng đe dọa sự tồn tại của nhà nước.

Tài liệu này cũng mô tả chi tiết về các tình huống có thể kích hoạt việc sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga hoặc các đồng minh hay một cuộc tấn công của kẻ thù bằng vũ khí thông thường đe dọa sự tồn vong của đất nước.

Ngoài ra, tài liệu này còn tuyên bố rằng Nga có thể sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình nếu nhận được thông tin đáng tin cậy về việc có tên lửa đạn đạo được phóng đi nhắm vào lãnh thổ hoặc các đồng minh của mình và trong trường hợp có "hậu quả thù địch đối với các cơ sở quân sự và chính phủ quan trọng của Liên bang Nga, mà hậu quả này có thể dẫn đến thất bại trong hành động trả đũa của các lực lượng hạt nhân".

Quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức thấp sau Chiến tranh Lạnh do cuộc khủng hoảng Ukraine, những cáo buộc về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 và nhiều khác biệt khác.

Năm ngoái, cả Moscow và Washington đều rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987. Thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất Hoa Kỳ-Nga vẫn còn tồn tại là hiệp ước New START, được ký kết năm 2010 giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Hiệp ước này giới hạn mỗi quốc gia không triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân; 700 tên lửa và máy bay ném bom và có các cuộc thanh sát tại chỗ để xác minh sự tuân thủ.

Trong khi Nga đã đề nghị gia hạn New START, sẽ hết hạn vào tháng 2 năm 2021, thì Mỹ muốn có một một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới cũng bao gồm cả Trung Quốc – điều Moscow cho là không khả thi.

Trong một cuộc gọi với các thành viên Hội đồng an ninh Nga cuối tuần qua, ông Putin cảnh báo rằng hiệp ước New START mới sắp hết hạn trong khi "các cuộc đàm phán về vấn đề quan trọng đó, không chỉ đối với chúng ta mà cả toàn thế giới, đang thất bại từ khi bắt đầu".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại