Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ nguy cơ chỉ là viễn tưởng

Hùng Cường |

Việc Quốc hội đang phải tìm đủ mọi cách để tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ khiến chiến lược quốc phòng mới của Mỹ bị đặt dấu hỏi.

Chiến lược quốc phòng Mỹ nhằm vào Nga - Trung

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 19/1 đã công bố Chiến lược Quốc phòng mới, trong đó xem Trung Quốc và Nga như hai mối đe dọa chính, thách thức an ninh và thịnh vượng của nước Mỹ.

Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ nguy cơ chỉ là viễn tưởng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: AP.

Trong tuyên bố khi trình bày chiến lược quốc phòng mới, ông Mattis đã cáo buộc Nga và Trung Quốc đang tìm cách thiết lập một thế giới theo mô hình của hai nước này, tiếp tục dùng quyền phủ quyết để bác bỏ những quy định về kinh tế, ngoại giao và an ninh của các quốc gia khác.

Bộ trưởng Mattis cũng nói rằng Mỹ đang đánh mất lợi thế cạnh tranh quân sự với Trung Quốc, Nga và đây là một thách thức trọng tâm với lực lượng vũ trang của Mỹ chứ không phải cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố mà Mỹ đang dẫn đầu, như mục tiêu mà hai chính quyền trước đây ở Mỹ từng xác định.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến dịch chống khủng bố mà chúng tôi đã tham gia, nhưng cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, không phải chủ nghĩa khủng bố, giờ đây mới là trọng tâm đầu tiên của an ninh quốc gia Mỹ", ông Mattis nói.

Bản tóm tắt Chiến lược Quốc phòng 2018 của Mỹ đưa ra dự báo "Trung Quốc sẽ tiếp tục chương trình hiện đại hóa quân sự để làm bá chủ vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong ngắn hạn và đẩy lui Mỹ để giành thế áp đảo trên toàn cầu trong tương lai".

Nhận định về "đối thủ" Nga, văn kiện này cho rằng Nga tìm cách phá vỡ liên minh NATO nhằm thay đổi an ninh và cấu trúc kinh tế châu Âu và Trung Đông theo ý muốn của Moscow. Ngoài hai "kỳ phùng địch thủ" nói trên, bản báo cáo cũng cho rằng cần phải có chiến lược đối phó với Triều Tiên và Iran.

Nga và Trung Quốc phản pháo

Trong phản ứng được đưa ra sau khi phía Mỹ công bố bản tóm tắt Chiến lược Quốc phòng 2018, ngày 22/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho rằng bản báo cáo này phản ánh tâm lý Chiến tranh Lạnh khi cố tình làm sai lệch chính sách ngoại giao và quốc phòng của Trung Quốc.

Trước đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cũng đã chỉ trích chiến lược mới mà Lầu Năm Góc đưa ra, đồng thời khẳng định Bắc Kinh tìm kiếm "quan hệ đối tác toàn cầu, không phải sự thống trị toàn cầu".

Tân Hoa xã dẫn lời một đại diện của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nói: "Nếu một số người nhìn thế giới bằng tư duy Chiến tranh Lạnh và trò chơi 'kẻ thắng - người thua', họ rốt cuộc sẽ chỉ nhìn thấy xung đột và đối đầu. Với tư duy đó, hòa bình và phát triển toàn cầu là những lý tưởng không thể với tới".

Trong khi đó, bình luận về chiến lược quốc phòng mới của Mỹ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Washington đang áp dụng "cách tiếp cận đối đầu", đồng thời phản bác những luận điểm của Mỹ cho rằng Trung Quốc và Nga đang phá hỏng những nỗ lực của quốc tế nhằm củng cố an ninh toàn cầu.

Ông Lavrov nhấn mạnh, thay vì sử dụng cơ sở của luật pháp quốc tế, Washington trên thực tế lại tìm cách chứng tỏ vai trò lãnh đạo của mình thông qua những chiến lược và khái niệm đối đầu như vậy.

Đâu là tính khả thi của chiến lược quốc phòng Mỹ 2018?

Hãng thông tấn UPI nhận định, cách tiếp cận của Chiến lược Quốc phòng Mỹ 2018 khá khác biệt so với chiến lược năm 2014. Bản thân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng thừa nhận điều này.

Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ nguy cơ chỉ là viễn tưởng - Ảnh 2.

Binh sĩ Mỹ làm nhiệm vụ. Ảnh: AP.

"Chiến lược này phù hợp với thời đại ngày nay – giúp cho người dân Mỹ có được lực lượng quân đội cần thiết để bảo vệ cuộc sống, ủng hộ các đồng minh và thực thi trách nhiệm… Điều này đòi hỏi các lựa chọn khó khăn và chúng ta tạo ra chúng… dựa trên quy tắc cơ bản, đó là nước Mỹ có thể tồn tại", ông Mattis nhấn mạnh.

Ông Elbridge Colby, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng đặc trách phát triển chiến lược và lực lượng cho biết, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cần một chiến lược quốc phòng mới bởi vì Trung Quốc và Nga đã trải qua 25 năm nghiên cứu cách thức để phủ nhận lợi thế quân sự lớn nhất của Mỹ - đó là khả năng triển khai lực lượng đến bất kỳ đâu trên thế giới và sau đó là duy trì lực lượng này.

"Cần phải có đòn phản công đối với những gì mà cả Nga và Trung Quốc phát triển. Chiến lược mới này đặt ra khuôn khổ để xây dựng những khả năng đó", ông Colby nói.

Trên thực tế, các lãnh đạo quốc phòng cấp cao của Mỹ trước đây đã cảnh báo về sự trỗi dậy của Trung Quốc và chính quyền Tổng thống Barack Obama đã tập trung hơn vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả việc bổ sung các tàu cho lực lượng hải quân trong khu vực.

Ông Derek Chollet, cựu quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc trong chính quyền Obama, hiện là chuyên gia của quỹ German Marshall Fund tại Washington nhận định, phần lớn nội dung chiến lược quốc phòng mới được công bố là "bình mới rượu cũ". Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chiến lược này vẫn được đánh giá là một chiến lược tốt.

Thực tế, các chuyên gia đã dành cho bản chiến lược này những lời khen ngợi khi vạch ra danh sách dài hơn, cụ thể hơn những mối đe dọa đối với nước Mỹ so với một số bản chiến lược trước đây.

Mặc dù vậy, một số vẫn tỏ ra hoài nghi khi bản báo cáo chiến lược không đi kèm với cam kết ngân sách, điều này sẽ rất khó để đánh giá liệu đó có phải là một chiến lược đúng đắn hay không.

Mara Karlin, thành viên của Viện nghiên cứu Brookings Institution, người từng là quan chức quốc phòng cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Obama, nói: "Nếu chúng ta không thực sự thấy tiền ở đâu, bạn biết đấy, nó có nguy cơ chỉ là những lời nói suông".

"Một chiến lược vạch ra mà không quan tâm tới việc nguồn lực bị hạn chế thì nó có nguy cơ không thể thực hiện được trên thực tế. Nếu đây chỉ là những lời nói trên giấy tờ và không đi kèm với những con số thực tế thì điều đó không bao giờ là đủ", ông Todd Harrison, chuyên gia về ngân sách quốc phòng tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cảnh báo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại