Chiến lược của Mỹ với châu Á-Thái Bình Dương: Điều ông Trump chắc chắn không thừa nhận

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Chính quyền mới ở Mỹ, như đã nhiều lần tuyên cáo, muốn có chiến lược và chính sách mới đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng cho tới nay vẫn chưa có được.

Trấn an đồng minh, răn đe đối thủ

Sau người đồng cấp ở Bộ Quốc phòng James Mattis và trước Phó tổng thống Mike Pence, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson thực hiện chuyến đi  đầu tiên tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông Mattis đã thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, ông Pence sẽ tới Australia, Indonesia và Nhật Bản, còn ông Tillerson tới Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.

Có thể thấy tất cả các hoạt động ngoại giao và quân sự của chính quyền mới ở Mỹ  tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều mục đích trấn an đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Australia, tranh thủ đối tác như Trung Quốc hay Indonesia và răn đe đối thủ như Triều Tiên.

Sứ mệnh ngoại giao của ông Tillerson khó khăn hơn cả bởi tác động của việc Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa, Trung Quốc trừng phạt Hàn Quốc về thương mại sau khi Mỹ và Hàn Quốc triển khai những khẩu đội đầu tiên của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc, lại đúng khi Hàn Quốc đắm chìm trong khủng hoảng chính trị quyền lực và chuẩn bị bầu tổng thống mới.

Chiến lược của Mỹ với châu Á-Thái Bình Dương: Điều ông Trump chắc chắn không thừa nhận - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh Reuters

Trung Quốc và Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc gặp đầu tiên giữa tân tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai bên bất đồng quan điểm về nhiều vấn đề, trong đó có chuyện chịu trách nhiệm về việc Triều Tiên tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa.

Ông Tillerson tới ba nước này để phối hợp hành động giữa Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản trong đối phó Triều Tiên nhằm vừa trấn an hai đồng minh vừa thị uy Triều Tiên.

Bình mới, rượu cũ

Điều rất đáng được chú ý là không phải Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis mà Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Tillerson răn đe và cảnh báo Triều Tiên bằng những phát biểu rất cứng rắn về quân sự, trong đó có cả việc không loại trừ sử dụng biện pháp quân sự và đánh đòn phủ đầu.

Ở Trung Quốc, ông Tillerson chuẩn bị cho cuộc cấp cao song phương sắp tới và thuyết phục Trung Quốc sử dụng mạnh mẽ hơn nữa ảnh hưởng và thế của Trung Quốc đối với Triều Tiên để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.

Mức độ có thể khác trước nhưng thực chất chính sách chưa khác trước: Vẫn cam kết đảm bảo an ninh cho Nhật Bản và Hàn Quốc, vẫn không khoan nhượng với Triều Tiên, vẫn vừa tranh thủ vừa gia tăng áp lực với Trung Quốc.

Ông Tillerson thể hiện thái độ rất cứng rắn với Triều Tiên vì chỉ như thế mới trấn an được Nhật Bản, mới làm cho bên ngoài, nhất là dân chúng và chính giới ở Hàn Quốc cũng như Trung Quốc, tin vào sự cần thiết của hệ thống THAAD, vừa xua tan những lo ngại của Trung Quốc vừa ngầm thúc giục Trung Quốc chấm dứt trừng phạt Hàn Quốc vì THAAD.

Hơn nữa, có như thế mới dễ gây áp lực với Trung Quốc và thuyết phục Trung Quốc mạnh tay hơn nữa trong việc ép Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa.

Chiến lược của Mỹ với châu Á-Thái Bình Dương: Điều ông Trump chắc chắn không thừa nhận - Ảnh 2.

Triều Tiên đáp lại bằng sách lược cũ là lấy cương chế cương với việc cho thử luôn động cơ tên lửa mới.

Còn Trung Quốc tương kế tựu kế khi vừa tỏ thiện chí và sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với Mỹ vừa duy trì quan điểm phê phán Mỹ là vì duy trì tập trận quân sự chung với Hàn Quốc nên Triều Tiên mới tiếp tục phóng tên lửa làm tình hình chính trị an ninh trở nên thêm căng thẳng và phức tạp, nguy cơ bùng phát đụng độ quân sự, thậm chí cả chiến tranh thêm tiềm tàng.

Từ đó có thể rút ra được hai nhận thức. Thứ nhất, Triều Tiên đã làm cho chính quyền mới ở Mỹ buộc phải quan tâm nhiều hơn đến chuyện chính trị an ninh ở khu vực Đông Bắc Á, liên quan đến không chỉ quan hệ của Mỹ với nước này và hai đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ mà còn cả - và ngày càng thêm nhiều hơn - với Trung Quốc.

Thứ hai, chính quyền mới ở Mỹ, như đã nhiều lần tuyên cáo, muốn có chiến lược và chính sách mới đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các đối tác trong khu vực, nhưng cho tới nay vẫn chưa có được.

Vì chưa có được cái mới nên ông Trump và ông Tillerson vẫn phải tiếp tục cái cũ. Nhưng cứ theo tính cách cá nhân và cách thức cầm quyền của ông Trump trong 2 tháng đầu tiên này thì họ sẽ không công nhận điều đó, mà sẽ lặng lẽ tìm bình mới để đựng rượu cũ cho tới khi có được rượu mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại