Chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump: Mơ hồ, đầy mâu thuẫn nhưng rất "đáng gờm"

Tiến sĩ Terry F. Buss |

Ngày 18/12 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) để làm "kim chỉ nam" cho chính quyền Washington dưới nhiệm kì của ông.

NSS năm nay kết tinh khá nhiều triết lí chiến lược của ông Trump. Những điều này đã được thể hiện phần nào trong năm đầu nhậm chức cũng như khi ông Trump tranh cử tổng thống.

Có thể thấy, bản chiến lược phản ánh một số mâu thuẫn lớn thường thấy ở vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm. Nhưng trên hết, nó hoàn toàn khác biệt so với chiến lược của người tiền nhiệm Barack Obama và cũng không có nhiều điểm tương đồng với chiến lược của cựu tổng thống Geogre W. Bush.

Chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump: Mơ hồ, đầy mâu thuẫn nhưng rất đáng gờm - Ảnh 1.

Ông Trump đổ lỗi cho ông Obama và ông Bush vì để lại cho ông hàng loạt vấn đề ngoại giao còn tồn đọng, trong đó có: các thỏa thuận thương mại không hợp lí, cộng tác kém hiệu quả với các tổ chức đa phương và quốc tế, vấn đề vũ khí hạt nhân Iran và Triều Tiên, biến đổi khí hậu, nạn khủng bố, quỹ NATO và nhiều vấn đề khác.

Ông Trump tuyên bố 4 trụ cột chính trong bản NSS của mình gồm:

- Bảo vệ lãnh thổ

- Thúc đẩy thịnh vượng

- Duy trì hòa bình bằng sức mạnh quân sự

- Thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ lên quốc tế.

Chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump: Mơ hồ, đầy mâu thuẫn nhưng rất đáng gờm - Ảnh 2.

Ông Trump đã chú ý tới biển Đông trong chính sách với Trung Quốc. Ảnh: AP

Ông Trump không hề lơ là vấn nạn khủng bố. Ông cho rằng an ninh quốc gia luôn song hành với năng lực tài chính. Ông cam kết sẽ tái thiết quân đội sau thời ông Obama. Và, ông cũng đảm bảo sẽ phục hồi nền tảng lãnh đạo Mỹ đã bị suy yếu bởi ông Obama.

Ông Trump xác định ba "thách thức" lớn của quốc gia, bao gồm: [1] Trung Quốc và Nga; [2] Iran và Triều Tiên; và [3] nạn khủng bố.

Ông coi Trung Quốc và Nga là những đối thủ lớn trên trường quốc tế. Đáp lại, Trung Quốc cho rằng lời phát biểu của ông Trump như phát ngôn thời Chiến tranh Lạnh, trong khi Nga cáo buộc ông Trump đang hành xử như người theo chủ nghĩa đế quốc.

Cùng lúc, Triều Tiên lại tuyên bố rằng nước này cũng không hề có ý định đàm phán với Mỹ.

Ông Trump đã đem cái nhìn đạo đức vào trong chiến lược của mình. Ông mô tả hướng giải quyết vấn đề của ông tuân theo "nguyên tắc hiện thực". Gọi là "nguyên tắc" bởi nó tôn vinh các giá trị Mỹ, còn "hiện thực" bởi nó không sử dụng các giá trị ấy như công cụ để đạt được những mục tiêu chính sách đối với nước ngoài.

Ông Trump đặc biệt chú trọng kiểm soát tình trạng nhập cư bất hợp pháp và các hợp đồng giao dịch thương mại song phương. Ông nhấn mạnh "bảo tồn sự hiện diện của giải pháp ngoại giao". Qua đó, có thể thấy ông luôn công nhận tầm quan trọng của các chính sách đối ngoại.

Ông Trump đã chú ý tới biển Đông trong chính sách với Trung Quốc. Tổng thống Mỹ cũng cho rằng Việt Nam và các nước khác là những đối tác an ninh kinh tế then chốt trong khu vực.

Chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump: Mơ hồ, đầy mâu thuẫn nhưng rất đáng gờm - Ảnh 3.

Bản NSS mới đây đã tự mâu thuẫn với chính những phát biểu của ông Trump trên Twitter và trong bài nói của mình, và rất có khả năng sẽ khiến các nước khác phải "đau đầu" để tìm ra ý định thực sự của ông.

Tháng 11 vừa qua, ông Trump tới thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, và đã có bài phát biểu chính thức tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức ở Đà Nẵng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược an ninh quốc gia mới.

Tại đây, ông Trump không tiếc lời ca ngợi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhưng, trong bản NSS, ông lại gọi Nga và Trung Quốc là hai mối hiểm họa lớn đối với hòa bình và an ninh thế giới.

Ông Trump thừa nhận tầm quan trọng của hoạt động đối ngoại trong chương trình của mình, nhưng chính ông lại cắt giảm 1/3 nguồn ngân sách cho Bộ Ngoại giao cũng như làm suy giảm quyền lực của Ngoại trưởng Rex Tillerson.

Tới nay, ông Trump vẫn chưa hoàn thành đề cử các vị trí đại sứ then chốt hay thay thế những nhà quản lí chính sách quan trọng trong bộ máy của ông.

Tiếp đó, mặc dù ông Trump đề cao việc quản lí nhập cư, nhiều vị trí trong cơ quan thi hành luật Biên giới và Nhập cư từ thời ông Obama vẫn được giữ nguyên. 

Theo các công đoàn lao động, những vị trí nói trên đang cản trở sáng kiến nhập cư của ông Trump.

Với mục tiêu cuối cùng, ông Trump cam kết sẽ phục hồi tầm ảnh hưởng của Mỹ nhưng chính ông đã liên tục đẩy các nước đồng minh ra xa. Tiêu biểu nhất có thể kể đến Đức, Anh, Pháp, Mexico và Canada. Dù ông có nỗ lực kéo các đồng minh này lại gần Mỹ, thì cũng chỉ để có cơ hội xa lánh họ trong tương lai.

Chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump: Mơ hồ, đầy mâu thuẫn nhưng rất đáng gờm - Ảnh 5.

Chiến lược An ninh Quốc gia của ông Trump và ông Obama có nhiều điểm khác biệt. Ảnh: Fortune

Chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump: Mơ hồ, đầy mâu thuẫn nhưng rất đáng gờm - Ảnh 6.

Nếu so với ông Trump, có thể thấy Chiến lược An ninh Quốc gia của ông Obama coi nhẹ sức mạnh quân sự, mà đề cao hoạt động ngoại giao cũng như việc hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức đa phương, đặc biệt là Liên Hợp Quốc (LHQ), APEC, ASEAN, Liên minh châu Âu (EU), các ngân hàng và nhiều tổ chức khác.

Ông Obama đã chuyển trọng tâm trách nhiệm sang những tổ chức khác và muốn Mỹ "chỉ đạo từ hậu phương" hoặc "làm tấm gương" để các nước noi theo. Sức mạnh quân sự sẽ chỉ được sử dụng sau khi bàn bạc và cân nhắc cẩn trọng với "sự kiên trì chiến lược". Đối với ông Obama, nếu chờ đợi đủ lâu, mọi vấn đề thế giới đều có thể được giải quyết.

Bởi không cần tới một lực lượng quân đội mạnh, ông Obama đã cắt giảm rất nhiều các khoản chi quân sự. Nhưng thay vì dùng số tiền này để giảm nợ công, ông lại đầu tư vào một loạt các chính sách phi quân sự. Theo quan điểm của ông, đây chính là hình thức giải quyết các vấn đề an ninh quốc gia.

Ông Obama nhấn mạnh vấn đề biến đổi khí hậu, dân chủ, nhân quyền, giao dịch đa văn hóa, sức khỏe toàn cầu, giảm đói nghèo, bảo vệ và hỗ trợ cộng đồng tôn giáo thiểu số, người di cư, cộng đồng người đồng tính và chuyển giới (LGBT), những người tàn tật, phụ nữ và bé gái.

Ông Obama khẳng định Mỹ có "nhiệm vụ phải bảo vệ" những đối tượng dễ bị tổn thương, ngăn chặn những hành động tàn ác và nạn diệt chủng. Các ưu tiên của ông Obama có vẻ rất giống với Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỉ của Liên Hợp Quốc (MDG).

Chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump: Mơ hồ, đầy mâu thuẫn nhưng rất đáng gờm - Ảnh 7.

Ông Obama đề cao mối quan hệ đối tác với Việt Nam và nhiều quốc gia khác tại châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: AP

Trong khi đó, ông Trump chỉ nói rằng cộng đồng tôn giáo thiểu số, phụ nữ và các bé gái xứng đáng nhận được sự quan tâm đặc biệt hơn.

Ông Obama khá "dễ tính" với Trung Quốc và Nga, tin rằng ông có thể làm việc được với hai quốc gia này. Ông không quá chú trọng giải quyết chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên mà chỉ bàn luận vấn đề trong bối cảnh giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.

Ông Obama cũng đặt châu Á làm trọng tâm trong bản NSS của mình và đề cao mối quan hệ đối tác với Việt Nam cùng nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương khác.

Chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump: Mơ hồ, đầy mâu thuẫn nhưng rất đáng gờm - Ảnh 8.

Chiến lược của ông Bush lại tập trung chủ yếu vào cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Giống ông Trump, cựu Tổng thống Bush chỉ trích Trung Quốc nhưng không hề đề cập tới nước Nga bởi tại thời điểm ấy, Nga và phương Tây không kình địch lẫn nhau.

Ông Bush đề cao phát triển dân chủ trong chính sách đối ngoại của mình. Ông cũng củng cố các bước tiến dân chủ thông qua hỗ trợ từ nước ngoài.

Chương trình điều trị HIV trên toàn cầu của ông Bush cũng được đánh giá là một trong những dự án vì sức khỏe cộng đồng thành công nhất từng được thực hiện.

Ông Bush cũng đưa Công ty Thách thức Thiên niên kỷ (MCC) đi vào hoạt động thành công, cung cấp các gói hỗ trợ và đảm bảo những khoản tiền này được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Mới đây, ông Trump đã xác nhận chương trình này vẫn còn hiệu lực.

Chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump: Mơ hồ, đầy mâu thuẫn nhưng rất đáng gờm - Ảnh 9.

Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush. Ảnh: Tim Sloan / Getty Images

Chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump: Mơ hồ, đầy mâu thuẫn nhưng rất đáng gờm - Ảnh 10.

Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) là một "thủ tục" truyền thống từ khi cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan công bố bản đầu tiên của ông vào những năm 1980. Tài liệu này luôn thể hiện tư duy, dự định của vị tổng thống, và được sử dụng như là một tài liệu chính trị hơn là chiến lược cụ thể.

Hầu hết các tổng thống Mỹ đều không muốn tiết lộ quá cụ thể hành động của mình phòng trường hợp bị các thế lực khác lợi dụng, đáp trả. Do đó, NSS thường mang tính tổng quát nhiều hơn. Các tổng thống Mỹ cũng hay thay đổi chiến lược của mình vài lần trong những năm tại nhiệm.

Bản NSS của ông Trump có vẻ như đã phản ánh dự định và triết lí chiến lược của vị Tổng thống đương nhiệm.

Nhưng với khá nhiều mâu thuẫn từ lời nói tới hành động, giá trị của NSS có thể sẽ không còn bởi ông Trump thường thay đổi các chính sách theo ý muốn của mình. Từ trước tới nay, không ai biết chắc chắn ông có ý định gì.

Những chuyên gia Nhà Trắng thường đề nghị các cố vấn chính sách cấp cao phải liên hệ với đồng minh lẫn đối thủ của Mỹ sau khi ông Trump giải thích chính sách thực sự của nước Mỹ trên Twitter. Đây cũng là lí do vì sao ông Trump luôn mâu thuẫn với ông Tillerson.

Chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump: Mơ hồ, đầy mâu thuẫn nhưng rất đáng gờm - Ảnh 11.

Một vài chuyên gia tin rằng xu hướng hành động của ông Trump khá nguy hiểm. Hòa bình chỉ có thể đạt được khi các chính sách đối ngoại minh bạch và ổn định.

Nhưng những người khác cho rằng ông Trump đang có hướng giải quyết vấn đề "không bình thường". Tổng thống Richard Nixon cũng từng bị cáo buộc như vậy. Đôi lúc, việc hành động khó lường sẽ khiến đối phương bối rối bởi họ không biết phải xử trí như thế nào.

Nhìn chung, dưới con mắt của giới truyền thông đại chúng bị áp đảo bởi phe tự do, bản NSS của ông Trump bị coi là mơ hồ, thiếu sót những ưu tiên cơ bản lẫn các đường hướng cụ thể. Tuy vậy, đây có thể chỉ là những lời chỉ trích giữa các đảng phái.

Điều cần được suy xét rõ ràng nhất là lượng chi phí ông Trump cấp cho các khoản, đặc biệt cho việc tái thiết quân đội. Mỹ hiện có khoản nợ công 20 nghìn tỉ USD và Dự luật cắt giảm thuế mới đây của Quốc hội sẽ làm tăng số nợ này lên 1 nghìn tỉ USD nữa. Đây là điều không hề ổn định.

Còn hiện tại, chúng ta sẽ không thể biết chính xác bản NSS của ông Trump có ý nghĩa gì cho tới khi vị Tổng thống đưa ra quyết định cuối cùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại