Chiến lược A2/AD của Nga-Trung có thắng được siêu tàu sân bay Mỹ?

Trung tá Trịnh Ngọc Tiến/ Trường Đại học Chính trị |

Tàu sân bay Ford chưa được đưa vào sử dụng đã bị đánh giá là lạc hậu, do những đối thủ tiềm năng của Mỹ như Nga, TQ hay Iran đã triển khai chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập.

Ngày 9/11/2013, tại cảng Newport News, bang Virginia, hải quân Mỹ tổ chức lễ hạ thủy siêu tàu sân bay và đặt tên chính thức là USS Gerald R. Ford; mã ký hiệu là CVN-78. Con tàu đã chính thức gia nhập Hải quân Mỹ vào ngày 22/7/2017, dự kiến chính thức hoạt động vào năm 2020.

Chưa đưa vào sử dụng đã bị đánh giá lạc hậu

Chiếc CVN-78 là tàu sân bay đầu tiên thuộc lớp Gerald R. Ford; sau nó còn 2 chiếc nữa là USS John F. Kennedy (CVN-79, đang được đóng) và USS Enterprise (CVN-80).

Lớp tàu sân bay mới sẽ dần thay thế lớp tàu sân bay Nimitz nổi tiếng đã phục vụ trong hải quân Mỹ từ năm 1975; chiếc mới nhất thuộc lớp này là chiếc USS George H.W. Bush mới được đưa vào sử dụng năm 2009.

Những chiếc tàu sân bay lớp Ford của Mỹ theo tính toán sẽ phục vụ đến cuối thế kỷ 21. Quá trình khai thác trong vòng đời của mình, chắc chắn nó sẽ có những cải tiến, nâng cấp nhất định nhưng nhìn chung, những thiết kế cơ bản sẽ vẫn được giữ nguyên như những lớp tàu sân bay của Mỹ trước đây.

Chiến lược A2/AD của Nga-Trung có thắng được siêu tàu sân bay Mỹ? - Ảnh 1.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78).

Theo một số nhà phân tích quân sự, tàu sân bay lớp Ford này của Mỹ rất hiện đại và tiêu tốn một lượng ngân sách khổng lồ.

Song, khi nó chưa được đưa vào sử dụng đã bị đánh giá là lạc hậu, do những đối thủ tiềm năng của Mỹ như Nga, Trung Quốc hay Iran đã triển khai chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập A2/AD (anti-access/area denial); giúp các nước này ngăn chặn từ xa bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào...

Nếu vậy, việc đầu tư vào một siêu tàu sân bay dự định phục vụ 80 năm có thể xem như một sự lãng phí tiền bạc khổng lồ.

Có phải là một quyết định lỗi thời?

Chiến thuật A2/AD có thể làm hạn chế hiệu quả của lớp tàu sân bay Ford nhưng hải quân Mỹ vẫn sẽ tiếp tục sử dụng lâu dài các tàu sân bay này. Vậy đâu là lý do để hải quân Mỹ tiếp tục khai thác các lớp tàu sân bay đầy tốn kém này?

(Theo Daily Press, chi phí đóng chiếc USS Gerald R.Ford đã ngốn hết 12,9 tỉ USD; chưa tính 4,7 tỉ USD chi phí nghiên cứu và phát triển. Chi phí hoạt động một ngày cho con tàu này là 6 triệu USD, chưa kể phí sửa chữa, bảo dưỡng và nâng cấp).

Trước hết cần khẳng định, Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới duy trì được đội tàu sân bay đông đảo. Họ có nhiều kinh nghiệm trong chế tạo, sử dụng các tàu sân bay trong gần một thế kỷ qua. Những kinh nghiệm quý đó đã được kế thừa ở lớp tàu sân bay Ford mới.

Chiến thuật A2/AD của Nga và Trung Quốc là một chiến thuật phòng thủ mới. Tập trung vào một mục đích cụ thể là hạn chế sức mạnh của quân đội Mỹ, đặc biệt là lực lượng không quân và hải quân với phương pháp tác chiến truyền thống là dùng hỏa lực áp đảo đối phương từ xa.

Chiến lược A2/AD của Nga-Trung có thắng được siêu tàu sân bay Mỹ? - Ảnh 2.

"Sát thủ tàu sân bay" DF-21D

Trong chiến thuật này, sự lựa chọn vũ khí hàng đầu của Trung Quốc là tên lửa Đông Phong 21D (DF-21D), một loại tên lửa đạn đạo chống tàu, được Trung Quốc tung hô là "sát thủ tàu sân bay". Bên cạnh đó, hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu sẽ cung cấp cho lực lượng tên lửa chiến lược của PLA khả năng tấn công chính xác mục tiêu, cộng với vô vàn hệ thống vũ khí khác.

Còn Nga sẽ lựa chọn các loại tên lửa hành trình chống tàu tầm xa được phóng từ các căn cứ trên đất liền, từ các tàu ngầm, tàu nổi và các loại máy bay ném bom chiến lược…

Nhưng xét một cách công bằng, chiến thuật này mới chỉ dừng lại trên mặt lý luận và mới được xây dựng trong những năm gần đây; chưa hề được kiểm nghiệm qua thực chiến.

DF-21D là tên lửa đạn đạo được dùng để phá hủy các mục tiêu cố định trên mặt đất có diện tích lớn. Giả sử Trung Quốc đã cải tiến thành công các tên lửa này thành tên lửa diệt hạm thì điều đó còn đặt ra nhiều nghi ngờ.

Tàu sân bay là mục tiêu rất nhỏ trên biển, lại di chuyển với tốc độ cao (từ 20 đến 30 hải lý/giờ) nên rất khó bị đánh trúng bởi một tên lửa đạn đạo với tốc độ trên Mach 5, trong khi tên lửa này không có radar tự dẫn mà chỉ điều chỉnh theo quán tính và tín hiệu vệ tinh.

Nếu chỉ theo phương pháp dẫn đường như vậy thì tên lửa DF-21D sẽ có mức chính xác thấp, chỉ có thể bắn trúng những mục tiêu cố định, chứ khó bắn trúng các mục tiêu di động.

Cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc chưa bao giờ thử nghiệm thành công tên lửa DF-21D tiêu diệt mục tiêu trên biển (cả cố định và di động). Do vậy, liệu có quá sớm để Trung Quốc tuyên bố DF-21D là "sát thủ tàu sân bay" hay không?

Cùng với Trung Quốc, trong những năm gần đây, Nga đã phát triển mạnh những tên lửa hành trình diệt hạm siêu vượt âm, như tên lửa Zircon chẳng hạn. Nó có thể đánh chìm những tàu sân bay như tàu USS Gerald R.Ford chỉ bằng một phát bắn duy nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế thì Zircon chỉ mới ở giai đoạn thử nghiệm, chứ chưa được kiểm nghiệm trong các điều kiện chiến trường nên cũng chưa có cơ sở để khẳng định những tên lửa loại này sẽ là mối đe dọa lớn nhất cho tàu sân bay.

Giả sử các tàu sân bay lớp CVN-78 không thể xâm nhập vào các hệ thống A2/AD nâng cao, chúng vẫn có thể phục vụ các mục đích hữu ích khác.

Thực tế đã chứng minh, các tàu sân bay của Mỹ từ Thế chiến II đã là những căn cứ nổi di động trên biển, là phương tiện răn đe quân sự, phô diễn sức mạnh quân sự và ngoại giao của Mỹ ra toàn thế giới cũng như tham gia các hoạt động cứu trợ. Do vậy, không thể vội vã đánh giá tàu sân bay đã lỗi thời trong hiện tại và cả trong tương lai.

Chiến thuật A2/AD có chống được tàu sân bay?

Không phải bây giờ, mà ngay từ khi Thế chiến II kết thúc, một số nhà quân sự đã dự đoán sự lạc hậu của tàu sân bay do Liên Xô lúc đó đã phát triển một hệ thống tàu ngầm, cảm biến và máy bay hiện đại được thiết kế để tấn công các tàu sân bay của Mỹ.

Mỹ cũng đã phát triển các biện pháp đối phó, như tiêm kích hạm F-14 Tomcat, nhằm đánh bại và giảm hiệu quả các hệ thống của Liên Xô.

Tuy nhiên, chiến tranh không bao giờ xảy ra, cả hai bên không bao giờ có cơ hội để thử nghiệm tính năng các loại vũ khí của mình, như máy bay ném bom chiến lược Tu-22M "Backfire", chuyên mang các tên lửa diệt hạm tầm xa, được coi là "khắc tinh" đối với các tàu sân bay Mỹ.

Chiến lược A2/AD của Nga-Trung có thắng được siêu tàu sân bay Mỹ? - Ảnh 3.

Tu-22M3 từng được coi là sát thủ diệt tàu sân bay đáng gờm đối với Mỹ

Hiện nay, các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc có thể tiêu diệt các tàu sân bay Mỹ nhưng việc phòng thủ tên lửa và các biện pháp chế áp điện tử có thể làm cho tên lửa này trở nên vô dụng.

Tàu sân bay là những căn cứ không quân di động trên biển; các tàu sân bay của Mỹ có cấu trúc rất lớn, có thể mang trên 60 máy bay các loại (tàu sân bay lớp Ford có thể mang được 100 máy bay).

Kể từ khi kết thúc chiến tranh Lạnh, trong các cuộc chiến có sự góp mặt của các tàu sân bay, Mỹ gần như không vấp phải sự ngăn chặn nào của các đối thủ. Do vậy trong suốt thời gian dài, quân đội Mỹ đã chậm chân trong việc tìm ra những biện pháp để chống lại các mối đe dọa mới, như chiến thuật chống tiếp cận A2/AD chẳng hạn.

Các nước như Nga và Trung Quốc hiện đã phát triển máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 và 6. Bên cạnh đó, việc các nước này trang bị các vũ khí tiến công tầm xa có mức chính xác cao và đưa các học thuyết quân sự mới vào đã gián tiếp đẩy các tàu sân bay ra xa khu vực cần tiếp cận hơn.

Có phải thiết lập lại một tư duy về hải quân hiện đại?

Rất nhiều vũ khí trên thế giới mặc dù được đánh giá rất cao nhưng cũng nhanh chóng trở nên lạc hậu vì sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, ví dụ như những thiết giáp hạm nổi tiếng một thời đã nhanh chóng trở nên lỗi thời chỉ sau một thập kỷ đưa vào sử dụng. Những chiếc máy bay tiêm kích và máy bay ném bom thậm chí có tuổi thọ ngắn hơn.

Tuy nhiên, với tàu sân bay thì khác, nó đã khẳng định vai trò trong các cuộc chiến tranh, cũng như tầm quan trọng trong việc khẳng định sức mạnh của một cường quốc quân sự.

Do các máy bay chiến đấu thông dụng đều có tầm bay ngắn cũng như việc xây dựng các sân bay cố định đều có nhiều điểm yếu, kể cả về mặt chính trị cũng như quân sự, nên trong bối cảnh các cường quốc quân sự hiện nay luôn muốn hiện diện trên tất cả các điểm nóng trên thế giới, thì vai trò của tàu sân bay chưa bao giờ là hết thời.

Bằng chứng là Trung Quốc gần đây đã hạ thủy chiếc tàu sân bay thứ hai của mình và tiếp tục muốn đóng thêm chiếc thứ ba để phục vụ cho việc xây dựng hạm đội đại dương của mình.

Trong cuộc chiến tranh công nghệ cao, không phải những chiếc tàu sân bay là bất khả xâm phạm, kể cả siêu tàu sân bay lớp Ford.

Lúc này, những biên đội tàu sân bay phải đối phó với nguy hiểm đến từ nhiều hướng và những quốc gia sở hữu nhiều tàu sân bay như Mỹ sẽ tìm cách giải quyết vấn đề đó hoặc họ sẽ phải phát minh một loại phương tiện mới để vận chuyển những chiếc máy bay chiến đấu của mình, thay vì chế tạo ra những siêu tàu sân bay đầy tốn kém.

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại