Trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 1/2018 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, hai bên nhất trí trình lãnh đạo cấp cao phê duyệt để tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson thăm Đà Nẵng, Việt Nam, dự kiến vào đầu tháng 3 này.
Đây là một phần trong các hoạt động của chiến hạm Mỹ tại Thái Bình Dương. Trước đó, từ đầu tháng 2, Mỹ đã phái Carl Vison cùng các chiến hạm hộ tống tới Tây Thái Bình Dương, gần với Bán đảo Triều Tiên. Và mới đây nhất, USS Carl Vinson hôm 20/2 đã rời Philippines sau chuyến thăm 4 ngày.
Với việc Carl Vison cập cảng Đà Nẵng, Việt Nam dự kiến từ 5-9/3 tới, Thời báo châu Á (Asia Times) đã gọi là “một chuyến thăm lịch sử”
Phản ứng từ Trung Quốc và truyền thông thế giới
Thời báo châu Á (Asia Times) đã gọi việc chiến hạm Mỹ USS Carl Vinson tới Đà Nẵng, Việt Nam, dự kiến đầu tháng 3 tới là “một chuyến thăm lịch sử”. Mỹ từng cử nhiều tàu khu trục tới thăm Việt Nam và tiến hành huấn luyện chung, nhưng tàu sân bay Carl Vinson được coi là sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ ở Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975.
Thời báo châu Á dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ: “Dựa trên sự phát triển trong mối quan hệ hợp tác quốc phòng, nhà lãnh đạo 2 bên đã nhất trí cùng cân nhắc kế hoạch Mỹ đưa chiến hạm USS Carl Vinson tới Đà Nẵng, Việt Nam vào tháng 3//2018”.
Trong chuyến thăm hai ngày 25-26/1 tới Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch cũng thảo luận về môi trường an ninh khu vực, nhất trí với việc tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai bên.
Tờ Bưu điện Washington (The Washington Post) cũng dẫn lời người đứng đầu Lầu Năm Góc Mỹ khẳng định, đây là một phần trong việc tăng cường hợp tác quốc phòng quân sự Mỹ-Việt Nam. Song tờ báo cũng cho rằng, phía Trung Quốc sẽ có phản ứng giữa bối cảnh có những tranh cãi và căng thẳng về chủ quyền trên Biển Đông.
Hãng tin AP cũng nhận định chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ sẽ làm Trung Quốc không vui.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố hôm 26/1, Trung Quốc lên tiếng nói rằng họ không phản đối chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Đà Nẵng. Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh khẳng định như vậy và nói thêm rằng miễn là những sự hợp tác đó có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực.
Theo Thời báo Washington (Washington Times), với dàn tàu chiến hiện đại đang hoạt động trên Biển Đông và chuẩn bị tới thăm Việt Nam, Lầu Năm Góc đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ. Tờ báo dẫn lời giới chức Hải quân Mỹ cho biết: “Carl Vinson hoạt động trên Biển Đông là nhằm thúc đẩy tự do hàng hải, thể hiện sự hợp tác của Hoa Kỳ với các đối tác”.
Dưới con mắt của giới chuyên gia, chuyến viếng thăm của USS Carl Vinson tới Việt Nam có nhiều ý nghĩa. Trong đó, Mỹ hiện diện hải quân trong khu vực để chứng tỏ với các nước rằng, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump cũng không tách rời khu vực này.
Các nhà quan sát cũng nhận định, Trung Quốc có thể sẽ có một phản ứng mạnh và chỉ trích Mỹ đe dọa chủ quyền và an ninh của họ. Nhưng bất kỳ xung đột nào cũng làm gián đoạn thương mại và gây tổn hại nghiêm trọng cho các bên và thực tế rằng cả Mỹ hay Trung Quốc đều không muốn căng thẳng leo thang.
Trả lời phỏng vấn kênh BBC, Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam từng làm việc tại Học Viện Quốc Phòng Hoàng gia Australia cho rằng: “Việt Nam sẽ không bị ép buộc phải vào hẳn quỹ đạo của bất cứ nước nào, mà có thể tiếp tục đóng vai trò độc lập và đóng góp cho an ninh khu vực. Điều đó lợi cho tất cả. Chuyến thăm của USS Carl Vinson không cho thấy Việt Nam đang tiến vào quỹ đạo của Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc”.
“Tôi dự đoán là chẳng bao lâu sau, Việt Nam sẽ được tàu hải quân Trung Quốc ghé thăm”, ông Carl Thayer nói thêm.
Cận cảnh boong tàu sân bay Mỹ Carl Vinson tuần tra ở Biển Đông VOV.VN - Bộ Quốc phòng Mỹ điều tàu sân bay Carl Vinson đến Biển Đông để tiến hành tuần tra bảo đảm tự do hàng hải tại khu vực này.
Khám phá sức mạnh Carl Vinson
“USS Carl Vinson là một trong số chiến hạm lớn nhất thế giới, có chiều cao bằng Tháp truyền hình Tokyo, chở theo 72 phi cơ, gồm các chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet, máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye và máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler”, báo Nikkei Asian Review đã viết như vậy.
USS Carl Vinson là siêu tàu sân bay lớp Nimitz thứ ba của Mỹ, đặt theo tên nghị sĩ Carl Vinson để ghi nhận sự đóng góp của ông cho hải quân Mỹ. USS Carl Vinson hạ thủy năm 1980 và đi vào biên chế sau đó hai năm.
Các tàu sân bay hạt nhân luôn là biểu tượng sức mạnh của Mỹ ở ngoài lãnh thổ. Riêng tàu sân bay USS Carl Vinson (chưa tính đến các tàu hộ tống, tàu ngầm đi kèm trong một nhóm tấn công) được xem là đã hội tụ sức mạnh lớn hơn hầu hết sức mạnh không quân của đa số các quốc gia trên thế giới.
Có lượng giãn nước 103.000 tấn, dài 333 m và rộng 77 m, chạy bằng 2 lò phản ứng năng lượng hạt nhân cùng 4 tua-bin hơi, USS Carl Vinson có thể chở tối đa 90 máy bay các loại và có thể đạt vận tốc 55 km/giờ.
USS Carl Vinson còn được trang bị hệ thống phòng thủ gồm: 2 bệ phóng tên lửa đối không Sea Sparrow, 2 bệ phóng tên lửa đối không tầm gần RIM. Ngoài ra, 3 hệ thống vũ khí CIWS cung cấp năng lực chống tên lửa tầm gần và các máy bay trong trường hợp các vật thể này có cơ may vượt qua năng lực phòng thủ nêu trên.
Bên cạnh đó, nhóm tàu khu trục hộ tống Carl Vinson cũng được trang bị hàng trăm tên lửa Tomahawk./.