Các căn cứ tàu ngầm chính của Hạm đội Phương Bắc của Nga đóng tại làng Gadzhievo và Tây Litsa trên bán đảo Kola.
Từ đó, lối ra biển lớn duy nhất và khá hẹp là qua Vịnh Kola. Gần cửa biển, các tàu ngầm của Nga thường xuyên được các trạm định vị, tàu tuần tra và máy bay chống ngầm của nước láng giềng Na Uy “quan tâm” theo dõi. Đi qua đó mà không bị phát hiện gần như là điều không thể.
Tàu ngầm K-138 Obninsk thuộc dự án 671RTMK; Nguồn: navyrecognition.com.
Tiếp theo là việc theo dõi các tàu ngầm hạt nhân của Nga dọc theo toàn bộ tuyến đường di chuyển và khả năng bị tiêu diệt bởi lực lượng NATO trong trường hợp chiến sự nổ ra. Các tuyến phòng thủ chống ngầm chiều sâu của NATO trong khu vực này khá phức tạp.
Tuyến đầu tiên giăng từ mũi Nordkapp đảo Magerø đến đảo Gấu (tiếng Na Uy là Bjorneya) của Na Uy. Sẽ không thể đi qua trừ khi lặn dưới băng Bắc Băng Dương. Tuyến thứ hai là tuyến Faroe-Iceland, trải dài từ bờ biển Greenland đến phía bắc Vương quốc Anh.
Được trang bị hệ thống giám sát bằng thủy âm của Mỹ, với sự theo dõi liên tục từ các tàu và máy bay chống ngầm của NATO, các thiết bị này luôn được phương Tây coi là phương tiện đáng tin cậy để phát hiện tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Liên Xô và bây giờ là Nga. Vậy mà các tàu ngầm Nga đã học được cách thoát khỏi sự đeo bám đó, mặc dù không dễ dàng.
Trong quá khứ, độ tin cậy của các tuyến phòng thủ tàu ngầm hạt nhân NATO này bị đả phá bởi việc đột nhập đồng thời của mười tàu ngầm Nga (tám tàu chạy bằng năng lượng nguyên tử và hai tàu sử dụng động cơ diesel) vào Bắc Đại Tây Dương - điều được báo chí Na Uy tiết lộ.
Trích dẫn các nguồn tin tình báo quân sự của chính Na Uy, các phương tiện truyền thông xác nhận các cuộc diễn tập dài ngày chưa từng có của các tàu ngầm Nga đã diễn ra trước ngày 25/10/2019 - khi cuộc gặp mặt của Bộ trưởng Ngoại giao Nga và Na Uy diễn ra.
Phó Đô đốc Anatoly Shevchenko - nguyên Sư trưởng Sư đoàn Tàu ngầm 33; Nguồn: ruspekh.ru
Mười tàu ngầm của Hạm đội phương Bắc Nga được cho là thâm nhập càng xa càng tốt vùng biển Bắc Đại Tây Dương mà không bị phát hiện. Mục đích của chiến dịch là vượt qua tuyến phòng thủ tàu ngầm Faroe-Iceland của NATO và chứng minh là mối đe dọa đối với bờ biển phía đông Hoa Kỳ, theo kênh truyền hình NRK.
Theo ghi nhận, đây là hoạt động lớn nhất kể từ đầu những năm 1990 của hạm đội tàu ngầm Nga, đây không phải là cuộc tập trận, mà là "một chiến dịch được thiết kế để thể hiện sức mạnh quân sự" của Hải quân Nga.
Đồng thời, có thông tin rằng tình báo Na Uy đã theo sát sự di chuyển của tàu ngầm Nga và biết vị trí của một số trong số tàu tham gia chiến dịch. Dữ liệu được dẫn chứng là hai tàu ngầm được phát hiện ở phía tây, hai chiếc nữa - phía nam và phía đông của đảo Gấu; hai chiếc khác ở phía bắc biển Na Uy.
Như vậy, nếu thông tin của Na Uy là chuẩn, khối NATO chỉ nắm một cách mơ hồ các khu vực hiện diện của sáu tàu ngầm Nga - là những địa điểm truyền thống của các cuộc tập trận của Hải quân Nga - điều mọi người đã biết rõ từ lâu. Còn đâu nữa bốn tàu ngầm nguyên tử, có khả năng lặn độc lập dài ngày?
Như tình báo Na Uy phỏng đoán, chúng đã tiếp cận bờ biển phía đông Hoa Kỳ, vượt thành công tuyến chống ngầm Faroe-Iceland được bảo vệ cẩn mật mà không để lộ hành tung.
Đương nhiên, Hải quân Nga không rùm beng về các cuộc tập trận này. Hôm trước chiến dịch, Hạm đội Phương Bắc chỉ chính thức công bố huấn luyện lặn sâu ở khu vực biển Na Uy của hai tàu ngầm hạt nhân Nizhny Novgorod và Pskov, và sẽ thử nghiệm một số mẫu vũ khí, đồng thời, lưu ý rằng, đây là một hoạt động bình thường mà không gây lo ngại cho các quốc gia ven biển lân cận.
Tàu ngầm có lợi thế chính là di chuyển một cách bí mật, đúng! Nhưng việc chúng tiếp cận bờ biển nước Mỹ là một điều nghiêm túc và được ém nhẹm.
Điều đáng nói là các cuộc tập trận tương tự đã được thực hiện, đó là chiến dịch của Hạm đội Phương Bắc của Hải quân Liên Xô, mang mật danh “Atrina”, được tổ chức năm 1987.
Atrina được giữ tuyệt mật, cụ thể là triển khai tàu ngầm hạt nhân của Sư đoàn Tàu ngầm số 33 của Hạm đội Phương Bắc ở Đại Tây Dương với mục đích tìm hiểu các hoạt động tuần tra của tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân SSBN của Mỹ.
Ngay cả cái tên rất mỹ miều của chiến dịch là một từ hư cấu, không có bất kỳ ý nghĩa nào, đã được nghĩ ra để loại trừ khả năng kết nối suy đoán logic với mục đích thực. Có lẽ, các chuyên gia mật mã NATO đã nghĩ nát óc, cố gắng làm sáng tỏ ý nghĩa của cái tên đó.
Như một phân tích chuyên nghiệp, nếu loại bỏ chữ cái t ra khỏi tên của chiến dịch, sẽ còn Arina - chỉ là một tên phụ nữ Nga, nhưng cũng là tên một thành phố nhỏ ở tiểu bang Minnesota của Hoa Kỳ - nơi được gọi là "tiểu bang Sao Bắc Đẩu", tộc người đông thứ hai ở đây là những người nhập cư từ Na Uy, tuy nhiên, đấy cũng chỉ là một giả định vu vơ.
Chiến dịch Atrina, còn được gọi là “chiến thắng vô hình” của tàu ngầm Liên Xô, đã bắt đầu vào tháng 3/1987, khi Chiến tranh Lạnh đang ở đỉnh cao, có thể trở nên “nóng” bất cứ lúc nào. Khi đó, nguyên cả sư đoàn gồm năm tàu ngầm của Hạm đội Phương Bắc, từng chiếc một, rời Vịnh Kola tiến vào Biển Barents.
Đội hình bao gồm các tàu ngầm K-119, K-255, K-224, K-298 và K-524 (tất cả thuộc dự án 671RTM (K) "Pike", có độ ồn tương đối thấp). Tổng chỉ huy các tàu ngầm trên biển là Đại tá sư đoàn trưởng (sau này là Phó Đô đốc) Anatoly Shevchenko, người Ukraine.
Các tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô đã được theo dõi bởi toàn bộ nhóm chống ngầm trong khu vực của NATO, kể các tàu chiến của Anh. Lúc đầu, khi các tàu ngầm đang di chuyển dọc theo bờ biển Na Uy và Thụy Điển, cả năm chiếc đều “nhìn thấy”, tuy nhiên, sau đó, hoàn toàn bất ngờ, đột ngột biến mất khỏi màn hình.
Chúng được tìm kiếm khắp nơi với các thiết bị thủy âm và radar. Ba phi đội máy bay chống ngầm, ba nhóm tàu tìm kiếm-tấn công (một trong số đó là của Anh, do tàu sân bay Invincible chỉ huy) và ba tàu trinh sát thủy âm tầm xa thuộc loại Stalwart, đã được tung vào cuộc.
Máy bay chống ngầm của NATO, kể cả trinh sát vũ trụ "treo" trên không cả ngày lẫn đêm, nhưng không tìm thấy dấu vết nào của biệt đội Shevchenko.
Các tàu ngầm Nga đã sử dụng các thiết bị mô phỏng tiếng ồn của tàu ngầm hạt nhân, đồng thời với các thiết bị làm biến dạng thông tin để che giấu và đánh lạc hướng đối phương. Các tàu ngầm đã bí mật tiếp cận bờ biển phía đông Hoa Kỳ, một số xuất hiện tại New Orleans.
Những người tham gia chiến dịch Atrina đã hoàn thành nhiệm vụ khám phá hoạt động của tàu thuyền Mỹ tại khu vực này của Đại Tây Dương - nơi các phương tiện trinh sát biển khó được cài đặt và trước đây chưa được đề cập trên bản đồ tình báo của Liên Xô.
Sáu tàu ngầm Mỹ lớp Los Angeles - những tàu ngầm tiên tiến nhất vào thời điểm đó, được phái đi truy tìm tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga nhưng vô ích.
Để tiếp cận bờ biển Hoa Kỳ mà không bị phát hiện, biệt đội tàu ngầm Liên Xô đã sử dụng các tuyến đường mới qua Bắc Đại Tây Dương mà đối phương không ngờ tới, nơi các lực lượng chống ngầm của NATO không có phương tiện phát hiện, và không quen theo dõi.
Có thể giả định rằng thiết bị thủy âm mới Ritsa dùng các thuật toán tiên tiến để phân tích phổ âm của tàu ngầm được trang bị cho Hải quân Liên Xô đã được sử dụng.
Thiết bị này có thể kiểm soát khoảng cách tối đa giữa các tàu ngầm trong lúc hành quân, giúp các tàu ngầm Nga có thể tự di chuyển theo "đội hình dày đặc" và phát hiện trước các tàu mặt nước và tàu ngầm của NATO.
Trên đường về, duy nhất một trong số tàu ngầm hạt nhân Liên Xô tham gia chiến dịch Atrinab (chiếc К-488) đã bị người Mỹ phát hiện. Tuy nhiên, tất cả các tàu ngầm đã trở về căn cứ Tây Litsa một cách an toàn vào tháng 5/1987.
Đặt tên nào cho chiến dịch hiện tại của các tàu ngầm hạt nhân Nga đã đột phá thành công hệ thống phòng thủ chống ngầm của NATO mà không bị phát hiện? Công chúng không được thông tỏ điều này, do đó, tạm gọi nó là Atrina-2.
Thực tế các tàu ngầm Hải quân Nga đã có thể bình tĩnh lượn lờ ở Đại Tây Dương không bị phát hiện được cho là một sự kiện quan trọng mang tính “thế kỷ” và là một yếu tố quan trọng trong cuộc đối đầu hạt nhân giữa Nga và Hoa Kỳ./.