Trong phiên giao dịch ngày 9/8, thị trường chứng khoán trong nước chứng kiến một phiên giảm điểm cực mạnh. Chỉ số VN-Index giảm 8,24 điểm (-0,66%) xuống còn 1.233,99 điểm; HNX-Index giảm 0,19 điểm xuống 245,88 điểm trong khi đó UPCoM-Index tăng nhẹ 0,16 điểm lên 93,8 điểm.
Trên sàn giao dịch chứng khoán Tp.HCM, thanh khoản phiên giao dịch hôm nay có phần hụt hơi so với phiên liền trước song, giá trị khớp lệnh đạt trên 19.908 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng với giá trị xấp xỉ 340 tỷ đồng.
Điều đáng nói là, trong số những mã cổ phiếu được khối ngoại thu mua thì mã HPG của Tập đoàn Hòa Phát được mua ròng mạnh nhất với giá trị 253 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 75% tổng giá trị.
Biến động giá cổ phiếu HPG trong 6 tháng qua. Nguồn: Cafef.
Tại Việt Nam, theo thống kê từ số liệu các doanh nghiệp công bố mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vừa qua, Hòa Phát là công ty có số cổ đông nhiều nhất Việt Nam. Công ty có hơn 179 nghìn cổ đông, tăng khoảng 20.000 cổ đông so với năm trước. Con số này tương đương với dân số của một số quận trung tâm của Thành phố Hà Nội như Tây Hồ, Hoàn Kiếm.
Hòa Phát là Tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Khởi đầu từ một Công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực khác như Nội thất, ống thép, thép xây dựng, điện lạnh, bất động sản và nông nghiệp. Ngày 15/11/2007, Hòa Phát chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán HPG.
Hiện nay, Tập đoàn hoạt động trong 05 lĩnh vực: Gang thép (thép xây dựng, thép cuộn cán nóng) - Sản phẩm thép (gồm Ống thép, tôn mạ, thép rút dây, thép dự ứng lực) - Nông nghiệp - Bất động sản – Điện máy gia dụng. Sản xuất thép là lĩnh vực cốt lõi chiếm tỷ trọng 90% doanh thu và lợi nhuận toàn Tập đoàn. Với công suất 8,5 triệu tấn thép thô/năm, Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo báo cáo tình hình kinh doanh trong 6 tháng đầu năm vừa được Hòa Phát công bố, trong quý 2, công ty đạt doanh thu 29.800 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 1.448 tỷ đồng, tương ứng giảm 64% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận 56.665 tỷ đồng doanh thu và hơn 1.830 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 30% và 85% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch cả năm nay, công ty đã hoàn thành 23% chỉ tiêu lợi nhuận.
Cách đây ít ngày, Công ty CP Sản xuất Container Hòa Phát đã tổ chức lễ bàn giao lô hàng 100 container loại 20 feet với Công ty TNHH New Way Lines. Đây là lô hàng đầu tiên mà Hòa Phát xuất ra thị trường sau 2 năm đầu tư dự án Nhà máy sản xuất vỏ container tại KCN Phú Mỹ II mở rộng – Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Thời gian tới, Hòa Phát sẽ tối ưu hóa quản trị sản xuất, mở rộng thị trường nhằm sớm đạt công suất thiết kế sản phẩm container giai đoạn 1, tận dụng cơ hội từ thị trường logistics. Dự kiến Tập đoàn sẽ đầu tư tiếp giai đoạn 2 vào thời điểm thích hợp để đạt tổng công suất 500.000 TEU/năm.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh, trong báo cáo chiến lược mới đây của SSI Research, đơn vị này cho biết, Hòa Phát đã mở lại lò cao cuối cùng tại Dung Quất, với công suất năm là 1,4 triệu tấn vào đầu tháng 7. Tuy nhiên, công ty sẽ tạm dừng lò cao số 3 tại tổ hợp Hải Dương - có công suất 1,2 triệu tấn/năm (14% tổng công suất), trong vòng 3 tháng bắt đầu từ tháng 9. Việc dừng hoạt động lò cao lần này mang tính bảo trì định kỳ.
Trên thị trường chứng khoán, mã cổ phiếu HPG đã có nhiều diễn biến tích cực, lên cao nhất trong vòng 8 tháng trở lại đây. Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/8, HPG ở mức 27.800 đồng/cổ phiếu, tăng 600 đồng/cổ phiếu so với phiên giao dịch trước đó. Tính chung, từ đầu năm đến nay, mã cổ phiếu này đã tăng giá hơn 54%, bật lên từ mức 18.000 đồng/cổ phiếu của phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022.