Chiếc xe điện "made in Vietnam" đã ra đời như thế nào?

Pha Lê |

Tư duy "người Việt không làm nổi con ốc vít" có lẽ cần phải thay đổi. Mới đây, một doanh nghiệp Việt đã tạo ra sản phẩm "made in Vietnam" với các linh kiện chiếm 85% giá trị xe.

Trong sự kiện ra mắt sản phẩm mới của mình tại thị trường Việt Nam, nhà sáng lập PEGA (HKBike), ông Lê Hoàng Long cho biết, thị trường xe điện Việt Nam trong thời gian tới sẽ có bước thay đổi, tạo ra cuộc cách mạng. Nếu thị trường tiếp tục bán những sản phẩm chất lượng kém nhập từ Trung Quốc với những tính năng hạn chế thì sẽ khiến cho thị trường đi xuống.

Nung nấu ý tưởng làm ra một sản phẩm Việt, phục vụ cho người Việt, PEGA đã chủ động sản xuất ra các dòng sản phẩm xe đạp điện và xe máy điện gắn mác "made in Vietnam".

"Mỗi sản phẩm có từ 100 - 150 linh kiện. PEGA đã hợp tác với những nhà sản xuất trong nước để tạo ra được 50 linh kiện, tỷ lệ nội địa hóa là 35%. Trong số 35% linh kiện được sản xuất tại Việt Nam đều là những linh kiện lớn như khung, vành, càng, động cơ, dây điện, phanh, yên…chiếm 85% giá trị xe.

Chất lượng xe điện chính là mấu chốt để tạo sự tin tưởng lâu dài với người tiêu dùng. Qua đó chúng tôi khuyến khích mọi người giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch như xăng dầu, hướng đến các sản phẩm thân thiện môi trường, lại được sản xuất và thiết kế cho chính người Việt Nam", CEO này phát biểu.

Cũng tại sự kiện này, người đồng sáng lập của PEGA, bà Lê Thị Lan Hương đã có những chia sẻ khá chi tiết về quá trình để hình thành lên chiếc xe điện gắn mác "made in Vietnam".

Theo bà Lan Hương, công ty Việt Nam này đã phát triển mạng lưới rộng khắp và toàn bộ từ khâu sản xuất đến phân phối sản phẩm, thực hiện 6 quy trình từ thiết kế sản phẩm cho đến khi sản phẩm được hoàn thành.

Trong số 6 công đoạn đó, hai công đoạn được cho là tiêu tốn thời gian nhất là đắp đất và tạo khuôn sản phẩm đã mất khoảng 5.000h làm việc của các nhân viên công ty. Đây cũng là công đoạn quan trọng nhất, bởi những thiếu xót, thay đổi gì trong quá trình làm ra sản phẩm đều được điều chỉnh từ công đoạn này.

"Trong hơn 4 năm qua, chúng tôi đã có những cố gắng để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam. Hiện tại, có hơn 5.000 người tham gia vào chuỗi hoạt động từ công đoạn sản xuất cho tới phân phối ra thị trường, chưa kể đến những người tham gia vào công đoạn thu gom nguyên vật liệu", bà nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại