Cuộc chiến pháp lý giữa Epic và Apple xoay quanh mức phí hoa hồng 30% cho mỗi giao dịch trong ứng dụng trên App Store. Thế nhưng không chỉ App Store, ngay cả Play Store và nhiều nền tảng giao dịch game khác như của Steam, GOG hay Microsoft Store cũng áp dụng mức hoa hồng 30% này. Trong khi đó Epic cho rằng, mức hoa hồng này không những đã lỗi thời mà còn không công bằng.
Hóa ra không phải ngẫu nhiên mà các cửa hàng ứng dụng và các nền tảng game hiện nay đều áp dụng mức hoa hồng 30% này. Nguồn gốc của tỷ lệ phân chia này có từ những năm 1980 của thế kỷ trước tại Nhật Bản vào thời kỳ của những máy chơi game cầm tay thô sơ. Và giờ đây, mức độ hợp lý của nó đang được các nhà sản xuất game như Epic đặt câu hỏi với cuộc chiến pháp lý mà họ đang tiến hành với Apple và Google.
Nguồn gốc của mức hoa hồng 30%
Khởi nguồn của mức hoa hồng này đến từ hãng Nintendo Entertainment System vào đầu những năm 1980.
Máy chơi game 4 nút thời đầu bên cạnh máy chơi game Switch hiện nay.
Khi đó, hãng Namco Ltd, cha đẻ của game Pac-Man và là nhà cung cấp chính cho các máy chơi game thùng (máy Arcade Game), muốn mở rộng khả năng phân phối của mình qua máy chơi game console đời đầu của Nintendo – hay còn được gọi là máy Famicom khi ra mắt vào năm 1983 tại Nhật Bản – đây cũng chính là "máy chơi game 4 nút" khi được du nhập vào Việt Nam.
Theo ông Hisazaku Hirabayashi, một nhà tư vấn độc lập cho biết, khi đó Namco và một nhà sản xuất game khác, hãng Hudson Soft Co. (cha đẻ của tựa game Bomberman đình đám không kém) đã thuyết phục Nintendo mở cửa nền tảng của mình để các nhà sản xuất phần mềm bên ngoài cùng tham gia vào.
Cho dù cả hai công ty này rất háo hức được có mặt trên dòng máy chơi game console của Nintendo, nhưng hãng Hudson lại không thể tự làm các băng game của riêng mình. Do vậy, hãng Namco đề xuất trả cho Nintendo phí cấp phép 10% để được có mặt trên các máy chơi game còn Hudson sẽ trả thêm 20% nữa cho Nintendo để làm các băng game cho riêng họ.
Nintendo đồng ý với đề xuất đó và mức phí hai thành phần này, bao gồm cả phí cấp phép và phí sản xuất đĩa chơi game, đã trở thành nền tảng cho mức "thuế" 30% của hiện nay.
Mức hoa hồng 30% đã trở thành tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp game.
Trải qua nhiều thăng trầm và ngay cả khi các băng đĩa game 4 nút thời đầu đã được thay thế bằng các ổ đĩa loại mới, và rồi internet đã giúp thay đổi triệt để cách thức phân phối game, nhưng mức phí 30% này đã trở thành tiêu chuẩn không thể tranh cãi. Apple, Google, Nintendo, Sony, Valve và Microsoft đều tính mức phí 30% trên doanh thu đối với các nhà sản xuất game, bất chấp việc game của họ được bán qua dạng đĩa vật lý hay tải xuống qua internet.
(Trên thực tế, trong khi Apple thu phí 30% đối với các giao dịch trong ứng dụng và khoản phí thuê bao, nhưng với những người dùng trả phí thuê bao từ năm thứ hai trở đi, mức thu đối với các nhà phát triển giảm xuống chỉ còn 15%).
Với Sony, họ nói với các nhà sản xuất phần mềm rằng, mức phí dành cho các sản phẩm kỹ thuật số này bao gồm phí giao dịch, chi phí duy trì máy chủ và phí cấp phép. CEO Tim Cook cũng lập luận tương tự như vậy khi cho biết, Apple cung cấp hỗ trợ về bảo mật, công cụ phát triển, và giúp các công ty nhỏ tiếp cận đến tập khách hàng cả tỷ người dùng với mức phí tham gia 99 USD.
Cuộc chiến có thể thay đổi cả ngành công nghiệp game
Trong khi đó, từ nhiều năm nay, CEO Epic Tim Sweeney đã quyết liệt phản bác các lập luận này, cho rằng những nhà phát triển phần mềm xứng đáng với phần chia lớn hơn trong cả miếng bánh này.
Nếu mua vật phẩm thông qua hệ thống thanh toán của Epic, người chơi sẽ tiết kiệm được 20% chi phí so với mua trên App Store.
Năm 2018, công ty của ông ra mắt cửa hàng Epic Games Store – đối đầu với Steam trên Windows PC – nơi các nhà phát triển game có thể giữ đến 88% doanh thu, thay vì 70%. Lập luận của ông là các cơ sở dẫn đến mức phí cao trên các nền tảng máy chơi game console – nơi được người sở hữu nền tảng tham gia và đầu tư mạnh mẽ - lại không xuất hiện trong các nền tảng phổ thông hơn như PC và di động.
Các nhà phát hành game Nhật Bản, nơi khởi nguồn của mức hoa hồng 30% này, lại không mấy lo ngại về tỷ lệ phân chia này. Tuy nhiên, thay đổi gần đây về hướng đi của Apple khi ra mắt gói thuê bao Apple Arcade – đã dẫn tới việc một số hợp đồng game phải hủy bỏ - đang làm họ trở nên không tin tưởng vào sự quản lý của Apple.
Tuy vậy, không ai dám lên tiếng ủng hộ chiến dịch #FreeFortnite của Epic do sợ bị nhà sản xuất iPhone trách phạt. Ông Hirabayashi cho biết: "Tôi không nghĩ các nhà phát triển ở Nhật Bản hy vọng vào việc Apple sẽ giảm phí, nhưng phải có dịch vụ nào đó tốt hơn để làm họ nghĩ rằng nó xứng đáng với mức hoa hồng 30% trên doanh thu."
Epic sắp chuẩn bị sự kiện Cup FreeFortnite vào ngày 23 tháng Tám tới đây.
Đối với cuộc chiến hiện tại giữa Epic với Apple và Google, hệ quả của nó có thể dẫn đến việc tạo nên một nền tảng mới. Điều tương tự đã xảy ra khi chi phí làm các băng trò chơi của Nintendo tăng vọt – làm cho mức phí còn cao hơn 30% - sau đó Sony đã ra mắt các máy chơi game Play Station dùng đĩa với chi phí sản xuất rẻ hơn, thu hút các nhà sản xuất game tìm đến với mức phí thấp hơn.
Thành công gần đây của Nintendo với máy Switch đã chứng minh rằng, thị trường game di động đã vượt quá khuôn khổ của các smartphone – đây chính là điều một nhà phân tích đã dùng để mô tả doanh số dòng máy này trong đại dịch Covid-19.
Lợi nhuận của ngành game chưa bao giờ lớn đến mức này, và vì vậy, quyết định về việc miếng bánh được phân chia như thế nào càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trong cuộc chiến này, Apple và Google không chỉ phải đối mặt với việc mất đi một trong những tựa game sinh lợi nhất trên nền tảng của họ, mà còn gặp phải sự giám sát độc quyền ngày càng lớn hơn từ các nhà lập pháp.
Liệu điều này có đủ để họ phải từ bỏ mức hoa hồng có nguồn gốc từ những băng đĩa game cổ xưa hay không?
Tham khảo Bloomberg