Chiếc kìm phá thác đá sông Nậm Na

Thanh Tỏa – Bảo tàng Quân khu 2 |

Phần trưng bày Lực lượng vũ trang Quân khu 2 trong kháng chiến chống Pháp tại Bảo tàng Quân khu 2 có một hiện vật đặc biệt gắn với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Đó là chiếc kìm của đồng chí Trần Ngọc, Đại đội trưởng Đại đội Công binh 124, Sư đoàn 351 thu được của quân Pháp, sau đó sử dụng để cắt và bóp kíp mìn phá thác đá trên sông Nậm Na, phục vụ vận chuyển hàng lên mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954.


Sông Nậm Na (tỉnh Lai Châu) thượng nguồn sông Đà là một trong những tuyến đường thủy cực kỳ quan trọng trực tiếp phục vụ chiến dịch Điện biên Phủ. Sông có chiều dài 120km, gồm 90 ngọn thác rải suốt chiều dài của sông, trong đó có 21 thác đá lớn, nguy hiểm và rất khó phá.

Thác là những khối đá khổng lồ chắn ngang sông tạo nên những luồng lạch quanh co, nước xiết và những con xoáy sẵn sàng nuốt chửng, xé nát cả chiếc bè lớn.

Hành trình vận chuyển một chuyến hàng trên sông Nậm Na kéo dài hàng tháng trời. Thường là khi đến nơi tập kết gạo đã bị mốc, súng đạn han rỉ, quân trang đã bợt màu. Đó là chưa nói đến nhiều chuyến mất trắng cả người lẫn hàng vì thác dữ.

Năm 1954, vào ngày mồng 5 tết Nhâm Ngọ, Trung đội 51, Đại đội Công binh 124, Tiểu đoàn 555, Đại đoàn 351 được cấp trên giao nhiệm vụ phá thác trên sông Nậm Na. Lúc đó đơn vị chỉ được cấp kíp nổ và một lượng dây cháy chậm ít ỏi, thuốc nổ thì tháo gỡ từ bom nổ chậm của địch.

Sáng kiến gói bộc phá bằng lá chuối, nén lạt giang như gói bánh tét, hàn bằng cơm nếp (của đồng chí Phan Tư cùng Đại đội 124, được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tháng 5/1956) được phổ biến, huy động sản xuất để phá thác.

Vì dây cháy chậm là thứ vô cùng hiếm phải triệt để tiết kiệm nên mỗi khối bộc phá chỉ được dùng 50cm, trong khi một phút cháy hết 75cm.

Như vậy toàn bộ thao tác từ khi ôm gói thuốc lặn xuống chân thác đặt vào điểm nổ đến phát nổ chỉ cho phép kéo dài trong 40 giây...

Thời gian cấp bách, nhiệm vụ nặng nề, trang bị phương tiện thiếu thốn. Đồng chí Trần Ngọc đã sử dụng chiếc kìm thu được của quân Pháp trước đó, cùng đồng đội cắt dây cháy chậm chia đều ra các gói bộc phá và bóp kíp nổ trong những lần phá thác, phá toàn bộ 90 ngọn thác hung dữ.

Nhờ đó, 120km chiều dài sông Nậm Na đầy ghềnh thác đã được đơn vị đồng chí Ngọc phá thông dòng chỉ trong 75 ngày.

Nếu trước đó một chuyến vận chuyển hàng trên sông Nậm Na phải 3 người chèo lái mất thời gian hàng tháng trời với biết bao nguy hiểm, thì khi được phá thông dòng mỗi chuyến hàng chỉ cần một người với lượng hàng gấp đôi và chỉ cần 4 ngày đã tới đích, góp phần to lớn vào chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ.

Chiếc kìm phá thác đá sông Nậm Na - Ảnh 2.

Cựu chiến binh tham quan hiện vật. Ảnh Thanh Tỏa.

Chiếc kìm được đồng chí Trần Ngọc sử dụng trong suốt cuộc đời quân ngũ cho đến khi nghỉ hưu tại phố Tân Hưng (thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) đồng chí vẫn cất giữ rất cẩn thận. Mỗi khi có dịp gặp mặt cựu chiến binh, đồng chí cùng đồng đội ôn lại những kỷ niệm, kỷ vật về một thời khó khăn, gian khổ, oanh liệt.

Cho đến khi tuổi cao sức yếu, nhân dịp kỷ niệm 59 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí tặng kỷ vật cho Bảo tàng Quân khu 2 với mong muốn để cho du khách trong nước và quốc tế biết về chiếc kìm tuy rất nhỏ bé nhưng góp phần to lớn vào chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ; biết về sức mạnh của một quân đội, một dân tộc có thể khắc phục được tất cả mọi khó khăn, làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại