Được cho là to nhất Việt Nam, cổng chào mà tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng trên quốc lộ 18A, xã Bình Dương, thị xã Đông Triều, tiếp giáp tỉnh Hải Dương, có kinh phí dự trù 198 tỷ đồng.
Theo thiết kế, cổng chào có 8 trụ chính với chiều cao tối đa 43m và trải dài 80m. Giới kiến trúc sư nói rằng cổng chào sẽ khiến người xem liên tưởng tới những ngọn núi trùng điệp trên vịnh Hạ Long.
Nhưng ngay cả khi còn lâu mới đến ngày khánh thành, cổng chào đã tốn khá nhiều "giấy mực của dân mạng". "Tốn kém". "Phô trương"... Tóm lại, thay vì làm liên tưởng tới một trong những kỳ quan tuyệt vời của thành phố, cổng chào đang bị liên tưởng như một sản phẩm của sự hào nhoáng.
Theo chiều ngược lại, cũng có ý kiến lạc quan cho rằng cổng chào trăm tỷ sẽ biến thành điểm thu hút khách du lịch mới cho Quảng Ninh. Hy vọng ấy liệu có thành sự thật hay không, thời gian sẽ trả lời.
Nhân vụ cổng chào tại Quảng Ninh, ngay lúc này, chợt nhớ đến một cái "cổng" vừa được dựng lên trong sự nghi ngờ tại xứ Sương mù. Gọi là cổng, nhưng thực tế là một người có tên gọi cũng mang từ cổng. Đó là chiến lược gia mới nhất của ĐT Anh - Gareth Southgate (gate là cổng trong tiếng Anh).
Chỉ dẫn dắt ĐT Anh 4 trận như một giải pháp "chữa cháy" cho vị tiền nhiệm dính bê bối Sam Allardye, Southgate vẫn được LĐBĐ Anh nhét vào túi khoản thù lao vào khoảng 14 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, con số nêu trên còn vô lý, lãng phí hơn mức tiền chi cho cổng chào Quảng Ninh.
Nhưng nói đi cũng cần nói lại: Mọi so sánh đều là khập khiễng, bởi mục đích và hoàn cảnh mỗi nơi mỗi khác. Người Quảng Ninh có thể cần bệnh viện hơn cổng chào, còn người Anh lại đang khao khát một HLV có cá tính như Southgate.
Trong cuộc đời mình, Southgate đã phải đối diện vô số những cánh cổng đáng sợ mà một số kẻ sẽ không đủ dũng khí để bước qua. Nhớ lại mùa hè 1996, sau cú đá luân lưu hỏng ăn khiến đội tuyển Anh tan vỡ giấc mơ giành danh hiệu vô địch EURO ngay trên sân nhà, tương lai của Southgate tưởng chừng sẽ bị ném qua cổng hậu.
Southgate nhanh chóng đứng dậy mạnh mẽ sau "cú ngã" hơn 20 năm về trước.
Cả nước Anh nguyền rủa hậu vệ gốc Watford. Tuy nhiên, Southgate đã đứng dậy. Mạnh mẽ hơn. Quyết tâm hơn. Southgate tiếp tục kéo dài sự nghiệp thi đấu thêm 10 năm đến tận tuổi 35, dự thêm 2 giải đấu lớn nữa với "Tam sư", rồi chuyển sang nghề huấn luyện vốn dĩ phải gặp nhiều loại "cổng chào" gấp bội.
Vượt qua mặc cảm với cái mũi trông như cánh cổng để chinh phục thành công cô vợ kiều diễm Alison và những dằn vặt trên sân cỏ để được ngồi lên chiếc ghế HLV trưởng ĐT Anh (dẫu là tạm quyền), Southgate chứng minh rằng muốn thành công hoặc đơn giản chỉ là tồn tại, cách duy nhất là phải "tiêu hóa" sạch sẽ mọi khen chê từ dư luận, làm mọi việc theo tính toán, cảm nhận của mình.
Trận đầu tiên dẫn dắt ĐT Anh, chiến lược gia đến từ đội U21 đã bê nguyên một cái "cổng chào" nặng nề, cũ kỹ có tên Wayne Rooney đặt xuống sân Wembley. Quyết định sử dụng Rooney trong đội hình xuất phát của Southgate vấp phải sự phản đối quyết liệt của cả CĐV lẫn báo giới.
Suốt cuộc tiếp đón Malta, tiếng la ó nhắm vào Rooney vang lên không ngớt. Tan trận, một nhà báo gạo cội nhận xét rằng cầu thủ đang mất vị trí tại Man United trông chậm chạp chẳng khác nào "ông nội" giữa các đồng đội trẻ trung trong màu áo ĐT Anh.
Southgate cần Rooney, mặc kệ mọi lời đàm tiếu.
Đa số người Anh đòi đập bỏ cái "cổng chào" đang có lương cao nhất Premier League (300.000 bảng - khoảng hơn 8 tỉ đồng/tuần) để trọng dụng những cá nhân sung sức như Jordan Henderson, Dele Alli, Jesse Lingard.
Về phần mình, Southgate có lập luận riêng về trường hợp của Rooney. "John Terry, Frank Lampard, Ashley Cole cũng từng phải hứng chịu cơ man nào là sự chỉ trích. Nhưng họ vẫn tiến lên để cuối cùng mọi người lại thán phục số lần khoác áo và số bàn thắng ghi cho ĐTQG của họ.
Với tôi, Rooney vẫn còn những giá trị, phẩm chất cần thiết để làm thủ lĩnh trên sân", Southgate tuyên bố.
Lời nói của HLV trưởng là phán quyết cuối cùng. Chấm hết. Giống như chuyện xây cổng chào ở Quảng Ninh, hãy để Southgate và Rooney làm công việc mà họ được giao phó. Chuyện đúng hay sai thì phải sau này mới nói được.