Chia sẻ về ý thời gian và ý tưởng ấp ủ tạo ra những chiếc bánh "gây thương nhớ" vùng đất than, anh Trần Khắc Tuấn, chủ cửa hàng bánh "bóng đêm" tại TP.Uông Bí, Quảng Ninh cho biết anh và những người đồng nghiệp phải mất tới 1 năm để nghiên cứu và 4 lần thử nghiệm. Anh Tuấn tự hào khi nói rằng những chiếc bánh đen không chỉ là bánh mỳ mà còn là niềm tự hào và kiêu hãnh của anh đối với quê hương.
"Cách đây khoảng 1 năm, nhóm lên ý tưởng sẽ sáng tạo ra chiếc bánh mỳ gắn liền với vùng đất mỏ. Bởi Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn đều có những sản phẩm riêng biệt, gắn với vùng đất, địa danh. Thế nên, chúng tôi cũng mong muốn một ngày Quảng Ninh sẽ như vậy, để ai đến đây, cứ nhìn thấy bánh mỳ đen là nhớ đến đất mỏ", anh Tuấn tự hào nói.
Theo chia sẻ từ đại diện cửa hàng làm ra loại bánh này, so với các loại bánh mỳ mọi người thường thấy, bánh mỳ "bóng đêm" vẫn chọn bột mỳ làm nguyên liệu chính.
Chỉ khác ở phần trộn công thức có thêm mật mực và tinh than tre để tạo ra màu đen tuyền ở vỏ bánh. Lý do là bởi mực là loại hải sản đặc trưng của vùng biển, tinh than tre lại là sắc màu gợi nhớ cho vùng mỏ, 2 biểu tượng quen thuộc của tỉnh Quảng Ninh.
"Chúng tôi phải cân đo đong đếm rất nhiều để tạo ra 1 tỷ lệ hoàn hảo cho vỏ bánh. Để làm sao, vỏ bánh có 1 màu đen hấp dẫn, không đậm quá, không nhạt quá và ăn vừa miệng nhất có thể", anh Tuấn cho hay.
Cũng theo anh Tuấn, ngay sau khi chiếc bánh mỳ đen của cửa hàng được nhiều người biết tới, cửa hàng luôn trong tình trạng "cháy hàng".
"Số lượng khách đổ xô đến cửa hàng mua về dùng thử, vì thế nên số lượng đơn đặt hàng của quán tăng lên chóng mặt. Trung bình mỗi ngày, cửa hàng tôi bán ra thị trường 300 - 500 chiếc bánh", anh Tuấn nói thêm.
Hiện tại, chiếc bánh mỳ này không bán rời mà được kẹp với 6 loại đó là chả mực, cua bể, xíu mại tôm, gà nướng, bò nướng phô mai và heo quay có giá từ 20.000 - 45.000 đồng/cái.
Tuy nhiên, cái tên của chiếc bánh mỳ là "bamimo" đang nhận được số ít ý kiến từ cư dân mạng. Theo một số tài khoản trên mạng xã hội, chiếc bánh mỳ nhái tên bánh mỳ mỏ truyền thống, đây là loại bánh thường làm cho công nhân ngành than ăn giữa ca lâu nay.
Chính bởi màu đen độc đáo mà chiếc bánh đang tạo ra sức hút và đắt hàng, nhất là đối với khách du lịch hoặc người địa phương khác khi lần đầu đến Hạ Long.
Số đông lại rất ủng hộ thương hiệu "bamimo" này để làm sản phẩm ẩm thực độc đáo của địa phương dành cho du khách khi đến Hạ Long.
Bên cạnh đó, theo quan điểm của một số khách hàng, chiếc bánh mỳ nàu không phải "hàng nhái" bởi từ trước tới nay, bánh mỳ mỏ truyền thống chỉ lưu hành nội bộ, phục vụ cho công nhân ngành than và không được bày bán trên thị trường.
Hình ảnh bánh mỳ dành cho những người thợ mỏ chính hiệu.
Khẳng định chiếc bánh mà mình làm ra không nhái lại cách làm, cũng như tên gọi từ loại bánh cung cấp cho công nhân ngành than.
"Loại bánh của tôi màu đen, còn bánh mà các công ty than làm cho công nhân mỏ là bánh truyền thống với lớp vỏ màu vàng, đặc ruột. Thêm nữa, sản phẩm của cửa hàng tôi lấy tên là bamimo, không phải là bánh mì mỏ", anh Tuấn khẳng định.
Cũng theo ông Tuấn, sở dĩ cửa hàng gắn với hình ảnh công nhân mỏ than là muốn đem lại cho thực khách một hình ảnh mang nét đặc trưng khi về Quảng Ninh, chứ không nhái hay làm lại sản phẩm nào.
Đại diện một công ty than ở Quảng Ninh cũng khẳng định trên báo chí, chiếc bánh mì đen kia nếu gắn hình ảnh công nhân mỏ sẽ khiến mọi người lầm tưởng là loại "bánh mì mỏ" lâu nay được cấp cho bữa ăn giữa ca nhưng không phải vậy.
Trong khi đó, ông Hoàng Bá Nam, Giám đốc Sở KH-CN Quảng Ninh, cho biết hiện nay tên gọi "bánh mì mỏ" chưa được đơn vị nào đăng ký thương hiệu bản quyền. Tuy nhiên, ông Nam lưu ý, các cá nhân, tổ chức khi sáng tạo ra một sản phẩm gì nên đăng ký thương hiệu bản quyền để tránh tranh chấp không đáng có.