Cựu chiến binh Vũ Văn Đạm sinh ra và lớn lên tại Phúc Lai, huyện Đoan Hùng, nơi giàu truyền thống cách mạng. Tháng 9/1964, ông tham gia thanh niên xung phong, đến tháng 1/1965 thì nhập ngũ, sau đó được cử đi học lái xe. Tốt nghiệp ra trường, ông tiếp tục được cử đi học tại trường Hạ sỹ quan Công binh.
Tháng 6/1966, ông về công tác tại Bộ Tư lệnh Công binh và nhiều lần thực hiện nhiệm vụ lái xe phục vụ cán bộ Bộ Tổng Tham mưu vào miền Nam công tác, có lần phục vụ Đoàn cán bộ quân đội Cu Ba vào Quảng Trị.
Trong thời gian này, ông được tặng thưởng huy hiệu Bác Hồ. Năm 1969, ông được điều về Đoàn 144 làm nhiệm vụ lái xe. Ông chia sẻ: "Trong cuộc đời mình, kỷ niệm không bao giờ quên đối với ông là bốn lần vinh dự trực tiếp lái xe chở thi hài Bác Hồ".
Lần đầu tiên vào năm 1971, ông kể: "Khi đó đang mùa nước, ngập hết đoạn đường vào Ba Vì nên Trung ương Đảng ta quyết định dùng xe ZIS-485, tên thường gọi là xe BAV (một loại xe lội nước do Liên xô sản xuất) để chở xe cứu thương chở thi hài Bác từ Hà Nội lên Đá Chông Ba Vì. Vốn là lính lái xe công binh nên mình rất thành thạo điều khiển loại xe này".
Vuốt nhẹ từng nếp áo kỷ vật, ông tâm sự: "Khi nhận nhiệm vụ, tôi rất phấn khởi và tự hào, song cũng run lắm. Ngày đêm suy nghĩ cùng đồng đội tìm cách thực hiện sao cho tốt nhất, không để xảy ra sơ xuất.
Phương án tối ưu đã được đưa ra đó là xe BAV mở thành hậu rồi đặt hai vệt cầu hình lòng máng (lòng máng này chỉ vừa khít lốp xe) từ sàn xe xuống đất. Sau đó, lùi xe cứu thương vào sát chân vệt cầu thì dừng lại, dùng móc tời từ xe BAV móc vào móc kéo sau của xe cứu thương; nổ máy xe BAV, cuốn tời từ từ kéo xe cứu thương lên (lúc này xe cứu thương tắt máy, về số mo, nhả hết phanh tay, phanh chân, lái xe ngồi ghế lái giữ tay lái cho bánh xe di chuyển thẳng hướng trong lòng máng).
Khi xuống, xe cứu thương nổ máy tiến sát đầu vệt cầu thi dừng lại, các động tác tiếp theo được thực hiện như khi kéo lên, chỉ khác là xe BAV nhả tời cho xe cứu thương từ từ trôi xuống. Rồi mọi việc diễn ra đúng như khi luyện tập".
Hôm đó là ngày 18/8/1971, khoảng 11 giờ thi chiếc xe chở thi hài Bác Hồ do đồng chí Quyền lái xe được đưa lên xe BAV do ông Đạm lái, ngồi bên ghế phụ có đồng chí Trần Quốc Hoàn - Bộ trưởng Bộ Công an. Khoảng 13 giờ, đoàn xe đến Đá Chông an toàn trong niềm hân hoan của các đồng chí cán bộ phía ta và chuyên gia Liên Xô.
Ngày 13/7/1972 là lần thứ hai chở thi hài Bác từ Đá Chông (Ba Vì) sang Núi Đá Chè (Thanh Sơn, Phú Thọ). Lúc này xe BAV đã được cải tiến, trong thùng xe có phòng chuyên dùng để thi hài Bác và lắp mui che Cabin, việc đưa thi hài Bác lên xuống xe do lực lượng cảnh vệ đảm nhiệm.
Lần này Bác sỹ Quyền (người chịu trách nhiệm bảo quản thi hài Bác) và ông Đạm từ Đá Chông về Hà Nội, đồng chí Trường Trinh trực tiếp gặp gỡ, động viên giao nhiệm vụ, sau đó trở về Đá Chông, để khảo sát chặng đường từ Đá Chông đến vị trí mới.
Khác lần trước, lần này thi hài Bác được để trực tiếp trên xe ông vượt sông Đà. Ông kể: "Sau một tuần miệt mài luyện tập, buổi luyện tâp cuối cùng kết thúc và tôi về đến nhà là 1 giờ sáng. Định bụng sẽ ngủ một giấc cho thoải mái để tối hôm sau thực hiện nhiệm vụ, nào ngờ vừa chợp mắt thì được lệnh lên gặp đồng chí Vũ Ngạch là Đoàn trưởng Đoàn 144.
Đồng chí yêu cầu tôi báo cáo lại kết quả luyện tập, xác định quyết tâm… Sau khi nghe ông báo cáo đồng chí rất hài lòng và động viên hoàn thành nhiệm vụ. 8 giờ sáng hôm sau, tôi thức dậy làm công tác chuẩn bị xe thật đầy đủ, chu đáo sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Khoảng 20 giờ tối hôm đó thi hài Bác được đưa lên xe và chuyến sang vị trí mới tại Thanh Sơn, Phú Thọ".
Lần thứ ba là sau ngày Hiệp định Pari được ký (27/01/1973), khi đó ông đang nghỉ phép tại nhà đúng ngày mùng Một Tết Nguyên đán thì xe đơn vị lên đón về làm nhiệm vụ gấp. Ông Đạm được đưa lên Thanh Sơn, Phú Thọ để đưa thi hài Bác về Đá Chông.
Nhận lại chiếc xe BAV quen thuộc, ông kiểm tra xe và luyện tập động tác vượt sông. Khoảng 21 giờ tối ngày 08/02/1973, trời rất lạnh và có mưa phùn, ông Đạm bắt đầu thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch. Đến 03 giờ sáng ngày hôm sau, thi hài Bác được đưa về Đá Chông an toàn tuyệt đối.
Lần thứ 4 là ngày 18/7/1975, ông nhận nhiệm vụ tiếp tục lái xe BAV đưa thi hài Bác từ Đá Chông về Hà Nội, chuyến đi này suôn sẻ hơn mọi lần.
Khoảng 16 giờ, Đoàn xe rời Đá Chông để về Hà Nội, ngồi bên ghế phụ là đồng chí Trần Kinh Chi - Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội. Khoảng 20 giờ về tới Lăng Bác, ông nhìn thấy các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước có mặt đông đủ đón Bác.
Cựu chiến binh Vũ Văn Đạm (người cầm áo) giới thiệu chiếc áo quân phục mà ông đã dùng trong những lần lái xe chở thi hài Bác Hồ.
Sau chuyến đi đó, ông tiếp tục công tác tại Đoàn 144 cho đến năm 1980 thì phục viên về địa phương với tỷ lệ thương tật 21%. Chỉ có số tiền trợ cấp hàng tháng ít ỏi, gia tài của người lính chỉ vẻn vẹn chiếc ba lô, trong đó có bộ quân phục mà ông đã dùng trong những lần lái xe chở thi hài Bác được giữ gìn như một báu vật thiêng liêng.
Cuộc sống ban đầu biết bao khó khăn vất vả, nhiều đêm khó ngủ để tính kế sinh nhai, có lúc vợ yếu, con đau tưởng chừng như không vượt qua nổi. Nhưng bản chất "Bộ đội Cụ Hồ" một lần nữa lại thức tỉnh trong ông, cộng với những chính sách mới của Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho dân phát triển kinh tế, ông nhận đất trồng rừng, trồng cây ăn quả, sau một số lần thất bại, ông đã có những thành công.
Năm 2014 thực hiện Nghị định 60 của Thủ tướng Chính Phủ, ông được nhận trợ cấp tiền hàng tháng, cộng với trợ cấp thương tật, mỗi tháng ông đã có hơn 3 triệu đồng. Vụ bưởi vừa rồi, ông bán được hơn 90 triệu và vẫn còn để lại một số cây để cho con cháu và tặng anh em bạn bè, ngoài ra ông có một trang trại diện tích 3ha đã trồng cây keo được 4 năm.
Gặp chúng tôi ông rất vui mừng, chia sẻ về cuộc sống hiện tại, ông tươi cười: "Ở cái tuổi 72 mà vẫn cường tráng lắm, kinh tế tương đối đầy đủ, con cháu khỏe mạnh, hiếu thảo, đều có công việc ổn định như vậy là mãn nguyện lắm rồi".