Giới bóng đá đều biết sau khi "người nhà" Eximbank chia tay với bóng đá Việt Nam thì công đầu trong việc mang gói tài trợ của Toyota cho V-League thuộc về nguyên Phó Chủ tịch VPF Phạm Ngọc Viễn. Tất nhiên trong gói tài trợ này còn xuất phát từ quan hệ giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá Nhật thông qua những đối tác của Nhật đang làm ăn và muốn phát triển cùng bóng đá Việt Nam.
Không lâu sau khi ông Phạm Ngọc Viễn chủ động rút lui khỏi VPF thì nhà tài trợ chính Toyota cũng xác định rút lui, dù đã có cuộc thương thảo hợp tác tiếp nhưng bất thành.
Nói là vì ông Viễn không còn ở VPF nữa và thành phần mới trong Hội đồng quản trị VPF gồm toàn người của VFF cài vào nên Toyota rút thì không hẳn. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng ông Viễn xuất phát từ một giáo sư bóng đá, từng là tổng thư ký VFF, là thành viên của AFF và còn là giám sát AFC… nên có những mối quan hệ nhất định và gặp nhiều thuận lợi trong thương thảo.
Thương hiệu nhà tài trợ Toyota bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi một giải đấu bị mất niềm tin, còn cầu thủ thì quay lưng lại cho đối phương sút vào cầu môn trống. Ảnh: HUY PHẠM
Ngoài ra cũng phải thừa nhận việc Toyota và VPF không đạt được thỏa thuận còn nằm ở chỗ một bên muốn "giữ giá" V-League, còn một bên thì muốn "giảm giá" V-League. Theo đó, Tập đoàn Toyota của Nhật sẵn sàng tiếp tục tài trợ nhưng đề nghị giảm số tiền gói tài trợ xuống nhưng VPF không chấp nhận.
Ba năm qua, Toyota tài trợ cho V-League với giá trị mỗi mùa 1,76 triệu USD. Số tài trợ này được hai bên cam kết giữ kín nhưng không hiểu vì sao lại rò rỉ và cả truyền thông châu Á lẫn trong nước đăng rần rần.
Phía những nhà làm bóng đá Việt Nam hay so bì với gói tài trợ mà Toyota chi cho Thai-League từ năm 1987 đến nay cứ tăng lũy tiến. Đến nay, bản hợp đồng mới nhất có thời hạn bốn năm (từ năm 2017 đến 2020) vừa được trang web AFC thông báo là 19,76 triệu USD (tính ra mỗi một mùa gần 5 triệu USD).
Con số quá khủng so với gói bóng đá Việt Nam thực nhận của cùng nhà tài trợ và xét ra ba mùa tài trợ VPF nhận không bằng một mùa của bóng đá Thái Lan. Và cũng thật ngạc nhiên khi các con số tài trợ cho bóng đá Thái luôn được công khai cho truyền thông trong nước lẫn thế giới, khác hẳn với quy định trong gói tài trợ với Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng việc bóng đá Thái Lan mỗi mùa được tài trợ tăng lũy tiến, còn bóng đá Việt Nam thì sau ba mùa nhà tài trợ còn đòi cắt bớt là sự xuống giá trầm trọng của V-League. Cũng có ý kiến cho rằng nhà tài trợ xem thường phía đối tác nhưng ý kiến này gặp nhiều phản đối vì mục đích chính của tài trợ V-League là hiệu quả kinh tế gắn với thương hiệu của giải đấu.
Trong khi bóng đá Thái Lan nâng cấp toàn bộ giải đấu từ mặt sân, công tác tổ chức, hệ thống thi đấu, chất lượng đội bóng chuyên nghiệp và chất lượng cầu thủ cùng sức hút từ phía khán giả đến với Thai-League thì bóng đá Việt Nam lại đi ngược lại.
Đến đây có lẽ cần nhắc lại nhận xét và những câu hỏi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về V-League là tại sao đội vô địch lại không được AFC cho đá giải châu Á; còn thứ bóng đá nhường điểm, "vỗ vai" nhau không? Công tác trọng tài, công tác tổ chức đã thực sự nghiêm túc và chuyên nghiệp chưa?…
Ngay sau khi ông Trần Anh Tú nhậm chức chủ tịch VPF kiêm tổng giám đốc, nội bộ VPF bỗng lộ ra hàng loạt những khoản chi rất dễ gây hiểu lầm là không minh bạch. Đây cũng là yếu tố khiến Toyota cân nhắc liên quan việc thương hiệu khách hàng của V-League không được bảo đảm. Bên cạnh đó, giải đấu mang tên Toyota nhưng cứ liên tục xảy ra những hình ảnh xấu xí đến độ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nêu câu hỏi: "Vì sao khán giả quay lưng với V-League?".
V-League mang tên Toyota còn xấu xí dưới mắt người trong cuộc, thậm chí ông ủy viên Ban Chấp hành VFF Lê Nguyên Hồng từng ví trọng tài Việt Nam được đào tạo từ trường mù Nguyễn Đình Chiểu. Hay vụ Hoàng Vũ Samson thi đấu bạo lực cố tình làm chấn thương đối thủ lại được Ban Trọng tài rồi Ban Kỷ luật bao che là "vào bóng liều lĩnh chứ không phải hành vi thô bạo" (!?).
Bức tranh V-League còn bị làm xấu đi bởi tình trạng nhiều CLB thuộc quyền quản lý trực tiếp hoặc gián tiếp của một ông chủ…