Cuối cùng, chuyện tình lãng mạn và ồn ào của cặp đôi Công Phượng - Hòa Minzy cũng đến hồi kết, khi mới đây bạn bè thân cận của chàng tiền đạo xứ Nghệ chính thức xác nhận thông tin cả 2 đã đường ai nấy đi.
Ngay cả Hòa Minzy cũng đăng những dòng chia sẻ đầy cảm xúc lên Facebook, về quãng thời gian kỷ niệm đầy ắp những nụ cười hạnh phúc khi cả 2 còn đi chung một đường.
Có điều, chúng ta cứ tạm bỏ qua câu chuyện ướt át này đã. Hãy nhớ rằng bên cạnh những nụ cười, mối tình ấy còn kỷ niệm cho cô một hình xăm đầy đủ cả họ tên của chàng tiền đạo tài hoa ngay trên... vòng 1.
Muốn xóa quả xăm này thì phải làm như nào?
Không rõ Hòa Minzy định xử lý hình xăm ra sao. Nhưng nếu như định xoá xăm, cô sẽ phải làm gì?
Cách truyền thống: gạch tên Phượng, in hình khác
Dù không có thống kê cụ thể, nhưng dường như đây là cách nhiều người chọn làm khi muốn xoá một hình xăm đơn giản nhất.
Các nghệ nhân xăm có thể dựa trên hình dạng của hình cũ để phóng tác lên một tác phẩm mới, hoặc sử dụng mực tông màu tối hơn để hoàn toàn che phủ hình cũ.
Giống như cách Johnny Depp sửa hình xăm tên vợ cũ vậy
Nhìn chung, cách làm này cũng khá nhanh gọn, chi phí tạm cho là chấp nhận được nếu so với phương pháp chúng ta sắp bàn đến ở phần tiếp theo.
Tuy nhiên, Hòa sẽ phải "thêm một lần đau" với các nghệ nhân xăm, vì vị trí xăm của cô là một trong những chỗ được đánh giá là đau nhất khi xăm mình.
Ảnh: Internet
Hoặc cách hiện đại: xóa xăm laser
Lựa chọn tiếp theo nghe "xịn" hơn một chút, đó là xoá xăm bằng laser. Nhưng là xoá như thế nào? Có hại gì không nhỉ?
Muốn hiểu được điều này, chúng ta phải biết được cơ chế tồn tại của mực xăm đã. Khi kim xăm xâm nhập vào cơ thể, nó cũng vô tình tạo ra những vết thương, và quá trình này sẽ kích thích tế bào bạch cầu di chuyển đến để sát trùng và chữa lành da.
Chính lúc này, tế bào bạch cầu sẽ nhìn nhận các phân tử mực xăm như kẻ thù, và gần như ngay lập tức áp tải chúng vào máu, di chuyển đến thận để lọc bỏ.
Tuy nhiên, mực xăm không phải là thứ dễ tiêu hóa. Nó quá lớn so với tế bào bạch cầu, giống như việc bạn cố nhét một tảng đá qua ống nước vậy. Do đó, mực xăm sẽ nằm lại vĩnh viễn tại hạ bì, màu mực thì nổi bật trên nền da của chúng ta mà không có cách nào xóa bỏ.
Cách duy nhất để đẩy nhanh quá trình này là phá vỡ các phân tử mực xăm thành từng mảnh nhỏ, và đây là lúc để công nghệ ra tay.
Các tia laser sẽ tạo ra những vụ nổ cực nhỏ nhưng cũng cực nhanh - chỉ trong vài nano giây thôi - khiến phân tử mực xăm vỡ vụn, qua đó giúp bạch cầu đưa chúng đi nhanh hơn.
Tuy nhiên, nếu như hỏi xóa xăm bằng laser có rủi ro gì không thì câu trả lời là Có! Về cơ bản, xóa xăm cũng gần tương tự so với việc triệt lông bằng laser, tức là cũng lợi dụng đặc tính hấp thụ ánh sáng của các phân tử mực xăm (hoặc melanin trong lông tóc) để triệt phá.
Quá trình này yêu cầu tia laser phải có năng lượng lớn, phù hợp và thời gian chiếu phải cực ngắn - tức là tay bác sĩ phải ổn định. Nếu không may chiếu quá lâu, nhiệt lượng do tia laser phát ra có thể gây tổn hại đến các tế bào da xung quanh, gây bỏng rát rất đau đớn.
Đây cũng là lý do mà trải nghiệm xoá xăm của mỗi người lại khác nhau: người kêu đau không kể xiết, người lại thấy bình thường.
Hơn nữa, laser chiếu quá lâu có thể để lại sẹo. Mà thực sự để nói, nếu vết sẹo giống y như hình xăm cũ thì... thà để nguyên còn hơn.
Thậm chí là rất đau đấy!
Kết
Tóm lại, bài viết này cũng chỉ muốn nhắn nhủ đến các bạn một điều: xăm mình không xấu, nhưng xăm gì thì nên nghĩ cho kỹ. Bởi xăm thì dễ nhưng xóa bỏ chúng đi thì khó hơn nhiều lần.