Rạn nứt sâu sắc trong G20
Với tư cách là nhóm quốc gia chiếm đa số, có ảnh hưởng và chi phối tới sự ổn định và phát triển của nhân loại, G20 được coi là diễn đàn để thế giới tìm ra các giải pháp cho thách thức đương đại. Hiện tại, các quốc gia G20 đang chiếm tới 85% GDP của thế giới, 65% dân số toàn cầu và 75% kim ngạch trao đổi thương mại giữa các quốc gia.
Vì vậy, các quyết tâm chính trị và nỗ lực của G20 sẽ đóng vai trò xác định hướng đi mà thế giới nên đi theo. Nhưng, chưa bao giờ người ta lại thấy bi quan trước viễn cảnh đoàn kết của các thành viên G20 để giải quyết các thách thức toàn cầu như tại thời điểm này. Những diễn biến tại các cuộc họp G20 ở Ấn Độ những tuần gần đây đang minh chứng sự phân cực, hay nói cách khác là đối đầu giữa một bên là phương Tây và một bên là Nga vì cuộc chiến tại Ukraine đang khiến G20 lâm vào bế tắc.
Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar đón người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại New Delhi ngày 01/03. (Ảnh: ANI)
Cuối tuần trước, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 đã phải kết thúc cuộc họp tại Bangalore, Ấn Độ mà không ra được một bản thông cáo chung nào. Bất đồng về câu chữ trong 2 đoạn văn của dự thảo thông cáo chung khiến mọi dự định sụp đổ vào phút chót. Nga và Trung Quốc phản đối việc đưa vào các câu từ lên án cuộc xung đột tại Ukraine vào tuyên bố chung. Trong khi đó, phần còn lại của cuộc họp không thể nhất trí về một thỏa thuận cuối cùng.
Nước chủ nhà Ấn Độ cuối cùng đã ra một bản tóm tắt của Chủ tịch thay cho tuyên bố chung. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết dự thảo tuyên bố chung có 2 đoạn văn bản nhắc tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine nhưng đây đều trích ra từ văn bản cuối cùng của Thượng đỉnh G20 Bali (Indonesia) năm ngoái. Cả Bắc Kinh và Moscow đều không đồng ý với điều này.
Nga và Trung Quốc cho rằng cuộc họp của G20 không phải nơi phù hợp để sử dụng ngôn ngữ về cuộc chiến. Trong khi đó, các nước còn lại cho rằng ngôn ngữ như vậy là cần thiết. Trước đó, Ngoại trưởng Pháp Bruno Le Maire và người đồng cấp Đức Christian Lindner còn khẳng định rằng bất kỳ tuyên bố chung nào đều phải đề cập tới từ ‘cuộc chiến tranh Ukraine’; nhấn mạnh bất kỳ dự thảo tuyên bố nào [của G20] cũng không được ‘làm loãng’ ngôn ngữ của tuyên bố năm ngoái tố cáo các hành động của Nga.
Sau cuộc họp G20 ở Bangalore, Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra một thông cáo báo chí thể hiện sự giận dữ, cáo buộc các nước phương Tây ‘tống tiền’ và độc tài, đồng thời đổ lỗi cho họ vì đã làm trật bánh sự đồng thuận của khối.
Trong tuần này, mức độ căng thẳng tại diễn đàn G20 được dự báo sẽ còn leo thang với cuộc họp của các Ngoại trưởng hiện đang diễn ra ở New Delhi, Ấn Độ. Chúng ta sẽ cần phải đợi tới cuối ngày hôm nay để chứng kiến sự đối đầu có khiến cuộc họp rơi vào bế tắc hay không. Chưa bàn tới bất đồng về tuyên bố chung, các mâu thuẫn có thể sẽ được Nga và phương Tây công khai ngay tại bàn hội nghị với ‘cuộc chiến ngôn từ’ rất gay gắt.
Kịch bản cho Hội nghị Ngoại trưởng G20
Sự phân cực thể hiện rõ ràng tại G20 giữa một bên là phương Tây và một bên là Nga đã xuất hiện từ các cuộc họp của khối vào năm ngoái, khi nước Chủ tịch là Indonesia. Báo chí phương Tây từng mô tả Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bước ra khỏi phòng họp ở Bali hồi tháng 7/2022 trong sự thù nghịch của phương Tây. Diễn biến này khó có thể lặp lại năm nay, nhưng sự đối đầu bằng ngôn từ và thái độ bất hợp tác thì chắc chắn vẫn còn. Đây là điều mà chủ nhà Ấn Độ đã thừa nhận công khai.
Trong cuộc họp báo sáng 1/3, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vinay Kwatra cho biết cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ là chủ đề quan trọng tại cuộc họp Ngoại trưởng G20 năm nay. Tuy nhiên, ông từ chối đưa ra phỏng đoán rằng liệu các ngoại trưởng của khối có thể đạt được thông cáo chung hay không. Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cho biết, nước này với tư cách là Chủ tịch sẽ nỗ lực tới phút chót để đạt được tuyên bố chung cho cuộc họp quan trọng này.
Tuy nhiên, không ai có thể làm gì khác trong bối cảnh thế giới và chính nội bộ G20 hiện tại. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 1/3 cho biết, Ngoại trưởng Anthony Blinken không có kế hoạch gặp song phương với người đồng cấp Nga và Trung Quốc bên lề cuộc họp G20 tại New Delhi. Chưa có đối thoại chắc chắn chưa thể có được thỏa thuận. Như vậy, kịch bản bế tắc của cuộc họp Ngoại trưởng G20 năm nay nếu xảy ra là điều có thể hiểu được.
Thách thức đối với Ấn Độ
Ấn Độ bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch G20 năm nay với nhiều kế hoạch và kỳ vọng. Nước này muốn năm Chủ tịch G20 của mình sẽ tập trung vào các vấn đề phát triển như xóa đói giảm nghèo, tài chính khí hậu, lạm phát giá lương thực, nhiên liệu, suy giảm nhu cầu hàng hóa và dịch vụ…
Đây đều là những vấn đề tác động sâu sắc tới các nước phương Nam – nơi vẫn là thế giới đang phát triển- trong khi phương Tây còn đang mắc kẹt trong cuộc xung đột địa chính trị tại lục địa Á- Âu. Cuộc xung đột Ukraine và hệ quả của nó gần như đã chiếm hết nghị trình làm việc. Tham vọng của Ấn Độ biến mình trở thành cây cầu nối giữa thế giới phát triển và đang phát triển đối mặt với thách thức lớn – cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các siêu cường. Cuộc họp của các Ngoại trưởng G20 đã báo trước về khả năng bế tắc. Và giờ là lúc Ấn Độ cần phải thể hiện năng lực của mình.
Bất đồng về cuộc chiến tại Ukraine hồi tuần trước đã khiến G20 bỏ lỡ một quyết định chung, vốn còn chứa đựng nhiều nội dung quan trọng không kém tới sự phát triển của nhân loại. Bởi thế, thất bại của G20 cũng là thất bại của thế giới, và cả của nước chủ nhà Ấn Độ.
Vai trò dẫn dắt G20 của Ấn Độ trong năm nay đặt nước này vào một vị trí khó. Quốc gia Nam Á này chia sẻ những quan ngại với phương Tây về ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở quy mô toàn cầu. New Delhi còn đang tham gia vào QUAD- một nhóm được lập ra để kiềm chế Bắc Kinh. Nhưng Ấn Độ vẫn sẽ cần duy trì quan hệ với người láng giềng phía Bắc, cần sự hợp tác của họ, ít nhất là tại hội nghị lần này.
Cùng lúc, Ấn Độ đang là khách hàng lớn của vũ khí Nga và đang gia tăng việc nhập khẩu dầu mỏ của Nga, vốn phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ấn Độ cũng nhiều lần từ chối lên án Nga vì cuộc xung đột tại Ukraine. Ở phía bên kia, Ấn Độ cũng đã vượt qua rất nhiều nỗ lực vận động, thậm chí là gây sức ép của phương Tây để tiếp tục quan hệ đối tác với Nga. Nhưng giờ là lúc New Delhi sẽ phải tìm ra một con đường nào đó để cả hai bên cùng đạt được đồng thuận trong hội nghị ngoại trưởng lần này./.