Chỉ trong nửa đầu năm, Trung Quốc chi hơn 240 triệu USD nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam, là "cứu tinh" cực quan trọng với nhà sản xuất thịt lớn nhất thế giới

Như Quỳnh |

Trung Quốc cũng là khách hàng lớn nhất của Việt Nam trong ngành hàng này.

Chỉ trong nửa đầu năm, Trung Quốc chi hơn 240 triệu USD nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam, là cứu tinh cực quan trọng với nhà sản xuất thịt lớn nhất thế giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 6/2023 của Việt Nam đạt hơn 96,1 triệu USD, giảm 3,2% so với tháng 5/2023. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu mang về hơn 522 triệu USD, giảm 12,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam trong nửa đầu năm 2023. Cụ thể, Trung Quốc nhập khẩu hơn 48,3 triệu USD thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu từ Việt Nam trong tháng 6/2023, tăng 19,3% so với tháng 6/2022. Tính chung trong nửa đầu năm, thị trường tỷ dân đã chi hơn 240 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam, giảm 3,15% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm đến 46% thị phần – giữ vai trò là khách hàng lớn nhất.

Chỉ trong nửa đầu năm, Trung Quốc chi hơn 240 triệu USD nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam, là cứu tinh cực quan trọng với nhà sản xuất thịt lớn nhất thế giới - Ảnh 2.

Việt Nam có quy mô sản xuất thức ăn chăn nuôi lên tới gần 27 triệu tấn/năm, đứng thứ 8 thế giới. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu thức ăn gia súc đạt 1,1 tỉ USD, giảm nhẹ so với năm 2021. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 444 triệu USD.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc vẫn duy trì là nhà sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới. Theo số liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc, năm 2022, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc đạt 55,41 triệu tấn, tăng 4,6% so với năm 2021, đây là mức cao nhất kể từ năm 2014.

Mức tiêu thụ của Trung Quốc đối với các loại ngũ cốc dùng làm thức ăn chăn nuôi phản ánh nhu cầu ngày càng tăng đối với protein động vật và chế độ ăn uống dần thay đổi của người dân trong bối cảnh thu nhập và mức sống ngày càng thay đổi. Tiêu thụ thịt ở Trung Quốc đã tăng đều đặn trong những thập kỷ gần đây, biến quốc gia này trở thành nơi sản xuất, tiêu dùng và nhập khẩu thịt lớn nhất thế giới.

Vào năm 2021, quốc gia này đã tiêu thụ gần 100 triệu tấn thịt – chiếm 27% tổng lượng tiêu thụ của thế giới – bao gồm 57 triệu tấn thịt lợn, 25 triệu tấn thịt gia cầm và 9 triệu tấn thịt bò và nhu cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Quốc gia này gần đây đã đặt mục tiêu sản xuất 95% protein trong nước vào năm 2025, bao gồm 85% thịt bò và thịt cừu tự cung tự cấp và 70% nguồn sữa tự cung tự cấp.

Để đáp ứng được mục tiêu trên, bên cạnh nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đã chế biến, Trung Quốc cũng đang ngày càng đẩy mạnh nhập khẩu ngô và đậu tương – 2 loại nguyên liệu quan trọng để sản xuất thức ăn chăn nuôi cho lợn, gà và cá do sản xuất nội địa không theo kịp nhu cầu. Các nhà cung cấp chính cho Trung Quốc là Mỹ, Argentina và Brazil. Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 100 triệu tấn đậu tương và 27 triệu tấn ngô để phục vụ cho ngành chăn nuôi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại