Được biết, lỗ vành nhật hoa này kích thước rất lớn, rộng gấp 18-20 lần Trái Đất. Đây cũng là lỗ vành nhật hoa khổng lồ thứ hai được phát hiện gần đây trên bề mặt Mặt trời bởi Đài quan sát Động lực học Mặt trời của NASA. Cũng trong tuần này, một lỗ vành nhật hoa khác có kích thước còn lớn hơn – rộng gấp 30 lần kích thước Trái Đất - cũng đã xuất hiện trước đó trên bề mặt ngôi sao gần nhất với chúng ta.
"Lỗ vành nhật hoa hiện tại, lỗ lớn nhất hiện nay, có đường kính khoảng 300.000 đến 400.000 km", theo Alex Young, nhà nghiên cứu tại NASA.
Mặt trời đã xuất hiện một “lỗ vành nhật hoa” khổng lồ, lớn hơn Trái đất 20 lần, đánh dấu lần thứ hai hiện tượng này xảy ra như vậy trong một tuần. Ảnh: NASA
Về cơ bản, lỗ vành nhật hoa không phải một lỗ hổng vật lý trên bề mặt Mặt trời. Mặt trời là một quả cầu plasma lớn. Plasma đó chuyển động từ bên trong Mặt trời lên bề mặt của nó. Khi làm như vậy, nó khiến từ trường trồi sụt, phồng lên, sụp đổ và hợp nhất.
Theo NASA, một lỗ vành nhật hoa xuất hiện khi những từ trường đó bắn thẳng vào không gian. Điều đó làm cho gió Mặt trời - những mảnh plasma từ Mặt trời – có thể dễ dàng thoát ra ngoài không gian với tốc độ cao.
Do có nhiệt độ mát hơn và ít đậm đặc hơn so với plasma nóng quay cuồng xung quanh, lỗ vành nhật hoa không phát sáng rực rỡ và do đó trông có màu đen khi Mặt trời được chụp bằng công nghệ hình ảnh tia cực tím hoặc tia X. Các lỗ này có thể xuất hiện trên bề mặt Mặt trời bất kỳ lúc nào.
Các lỗ vành nhật hoa khá phổ biến, nhưng chúng thường xuất hiện ở các cực của Mặt trời, nơi gió của chúng được thổi vào không gian. Nhưng khi Mặt trời đang tiến đến đỉnh điểm hoạt động, xảy ra khoảng 11 năm một lần, những lỗ hổng trên có nhiều khả năng xuất hiện gần đường xích đạo của Mặt trời.
"Hình dạng của lỗ vành nhật hoa này không đặc biệt lắm. Tuy nhiên, vị trí của nó khiến nó trở nên rất thú vị", Daniel Verscharen, phó giáo sư vật lý không gian và khí hậu tại Đại học College London, cho boeets.
"Tôi cho rằng một số cơn gió Mặt trời có tốc độ cực nhanh từ lỗ vành nhật hoa đó sẽ đến Trái đất vào khoảng tối thứ Sáu đến sáng thứ Bảy của tuần này"
Theo đó, gió Mặt Trời có thể thổi rất nhanh, với tốc độ hơn 800 km/giây hay 2,9 triệu km/h, theo Daniel Verscharen, phó giáo sư vật lý khí hậu và không gian tại Đại học College London.
Khi tiếp cận tới Trái Đất, gió Mặt trời có thể làm hỏng các vệ tinh trên quỹ đạo, đồng thời tạo ra hiện tượng cực quang tại các vùng cực.
Tham khảo Business Insider