Tại cuộc họp HĐND TP, ông Nguyễn Đức Chung nêu: “4 năm qua, Ban quản lý Hồ Tây chi hết 128 tỷ đồng nhưng tôi không thấy một khối bùn nào cả”.
Sau vụ “tỉa hoa, cắt cỏ tiền tỉ”, thì đây có lẽ là câu chuyện rất đáng để suy nghĩ về cách thức quản lý đô thị.
Hà Nội không tiếc tiền chi cho Hồ Tây
Cùng với Hồ Gươm, Hồ Tây có giá trị đặc biệt về lịch sử - văn hóa, cảnh quan môi trường của Hà Nội.
Xử lý ô nhiễm, giữ môi trường trong sạch cho các hồ này là công việc luôn được TP Hà Nội quan tâm, đặc biệt là với Hồ Tây - nơi được xem là lá phổi xanh của TP.
Không những thế, Hà Nội có chủ trương cải tạo cảnh quan, biến Hồ Tây thành nơi có thể triển khai các hoạt động du lịch, thể thao, nơi thư giãn cho người dân và du khách.
Cứ nhìn cách làm quyết liệt của TP trong việc xử lý vụ hàng trăm tấn cá chết nổi trắng mặt hồ mấy tháng trước là đủ biết Hà Nội đã không tiếc tiền của, công sức để giữ trong lành cho 500 ha mặt nước Hồ Tây.
Vì thế, không có gì lạ khi đã có hàng trăm tỉ đồng đầu tư cho quận Tây Hồ triển khai các dự án cải tạo cảnh quan Hồ Tây, trong đó có 4 dự án nạo vét bùn làm sạch lòng hồ với tống số tiền lên đến 128 tỉ đồng.
Những tưởng với số tiền ấy, nước Hồ Tây sẽ trong xanh, Hồ Tây sẽ là mặt gương trong, là điểm đến hấp dẫn của mọi người.
Nhưng trời chẳng chiều người, 200 tấn cá phơi bụng trắng mặt Hồ Tây hồi đầu tháng 10 vừa rồi đã "phơi" luôn những câu chuyện mà có lẽ, chỉ có Thủy thần ở Hồ Tây mới biết thực hư.
Đã có nhiều giả thiết được đưa ra để lý giải cho nguyên nhân cá chết.
Nhưng không ai có thể chối cãi một điều là nước hồ ô nhiễm nặng bởi chất thải, lòng hồ bị bùn bồi lắng nghiêm trọng, có nơi cạn còn 0,5m, lượng bùn tích tụ đã lên đến 1,7m, với tổng khối lượng khoảng 1,2 triệu m3.
Để nạo vét lượng bùn khổng lồ này, các chuyên gia đã dự toán số tiền 170 -180 tỷ đồng.
Đến lúc này thì không chỉ là các ông bà Hội đồng, mà cả bàn dân thiên hạ mới té ngửa trước phát ngôn nghe rất thật của Chủ tịch UBND TP, rằng:" 4 năm qua, Ban quản lý Hồ Tây đã chi hết 128 tỷ đồng nhưng tôi không thấy một khối bùn nào cả!".
Câu trả lời một lần nữa làm nóng dư luận - như khi ông nói về chuyện "tỉa hoa cắt cỏ tiền tỉ" hồi tháng 8 năm nay.
Nóng bởi nếu ông không nói ra, chẳng ai ngờ rằng số tiền mà Hà Nội đã chi cho việc cắt cỏ tỉa hoa mỗi năm lại nhiều đến thế, với hơn 886 tỉ đồng.
Nóng bởi sau khi ông quyết ra tay siết lại hoạt động này, số tiền đã giảm xuống còn 178 tỉ. Nghĩa là 708 tỉ đồng đã được chi tiêu chưa hợp lý.
Tiền tiêu có thể giải, nhưng bùn sẽ vẫn nguyên trong lòng hồ?
Trở lại vụ tiêu mất 128 tỉ đồng nhưng không thấy khối bùn nào được vét lên, câu hỏi này đối với quận Tây Hồ chắc là điều chẳng mấy khó khăn.
Sẽ là những bộ hồ sơ đầy đủ, hợp lệ đến từng chi tiết, từng khoản chi, từng cái hóa đơn cuốc xẻng. Thế nhưng, chắc sẽ khó trả lời vì sao, đến thời điểm hiện tại, lòng Hồ Tây vẫn còn 1,2 triệu tấn bùn.
Hà Nội dự định biến Hồ Tây thành khu du lịch lớn, là nơi có thể tổ chức các hoạt động thể thao dưới nước hấp dẫn.
Muốn vậy, TP sẽ thực hiện các dự án: Nạo vét lòng hồ, Làm sạch môi trường nước, Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải của 8 cửa xả; Khảo sát làm cột phun nước cao từ 180m đến 200m để tạo điểm nhấn ở Hồ Tây; Làm cầu tàu phục vụ hoạt động đua thuyền và lướt ván trên hồ…
Ngoài việc không đủ tầm để thực hiện các dự án này, việc từ chối giao vốn cho quận Tây Hồ có lẽ nguyên nhân cũng không nằm ngoài những khối bùn "không thấy đâu" sau khi gần 130 tỉ đồng tiền thuế của dân đã tiêu tốn trong 4 năm qua mà ông Chung đã nói.
Trả lời như thế nào cho câu hỏi này là thước đo về tính công khai minh bạch trong quá trình thực thi công vụ của chính quyền và ngành chức năng quận Tây Hồ.
Xử lý thế nào để có câu trả lời thỏa đáng cho dư luận là tùy ở thái độ của lãnh đạo TP Hà Nội. Vì tiền cắt cỏ hay tiền vét bùn, tiền nào mà chẳng là tiền của dân.
"Vét bùn mà chẳng thấy bùn". Ấy là vét bùn trên giấy?