Người tiêu dùng giàu có Trung Quốc đang quay trở lại cửa hàng
“Louis Vuitton (LV) sắp tăng giá trở lại, ông chủ nào muốn mua thì nhanh tay.” Ngày 27/1/2023, Li Chen - một người mua hộ hàng hóa từ Nhật Bản - đã đăng dòng tin này lên mạng xã hội kèm theo hình ảnh chiếc túi xách LV Papillon và hóa đơn mua hàng. Để lấy lòng tin của khách hàng, anh ta còn đăng một video khác lúc đang thanh toán.
Li Chen cũng nói với phóng viên Tuần báo Thời đại rằng: "Không có chuyện tăng giá trong dịp Tết. Thông tin về việc tăng giá chỉ mới được đưa ra trong hai ngày qua. Nếu bạn muốn mua thì hãy mua ngay bây giờ, không thì đến ngày 18/2 nó sẽ tăng giá, bạn sẽ càng cảm thấy tiếc."
Theo Tuần báo Thời đại, việc Li Chen chăm chỉ quảng cáo trong giai đoạn này là hợp lý. Một mặt, Tết Nguyên đán là khoảng thời gian mọi người có tiền thưởng cuối năm, hàng loạt sản phẩm xa xỉ mới được tung ra thị trường, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao. Mặt khác, để tránh hàng xa xỉ tăng giá vào đầu năm, người tiêu dùng sẽ tranh thủ mua sắm trước.
LV là thương hiệu xa xỉ đầu tiên thông báo tăng giá trong thời gian gần đây. Theo Thời báo Buổi tối Tiền Giang, các nguồn tin tiết lộ rằng LV sẽ tăng giá sản phẩm trên toàn cầu bắt đầu từ ngày 18/2 và biên độ vào khoảng 8 - 20%. Đồng thời, trên các nền tảng xã hội của Trung Quốc như Xiaohongshu, nhiều cư dân mạng tiết lộ rằng, họ biết được thông tin trên thông qua nhân viên kinh doanh. Điều đáng chú ý là đợt điều chỉnh giá này chỉ cách đợt điều chỉnh giá tháng 12/2022 gần 2 tháng.
Vào ngày 26/1/2023, tập đoàn khổng lồ LVMH của Pháp, sở hữu các thương hiệu xa xỉ hàng đầu quốc tế như Louis Vuitton, Dior, Fendi, Tiffany và Bulgari, đã công bố báo cáo tài chính mới nhất và doanh số năm 2022 của họ đã đạt mức cao mới. Trong đó, tình hình kinh doanh tại thị trường Trung Quốc là tâm điểm.
Bernard Arnault - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn LVMH - cho biết, “người tiêu dùng giàu có ở Trung Quốc đang quay trở lại cửa hàng” , và ông vẫn giữ thái độ lạc quan về tình hình năm tới.
Thôi Lệ Lệ, đến từ Viện nghiên cứu Thương mại Điện tử thuộc Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, nói với phóng viên Tuần báo Thời đại rằng: "Sự hào hứng mua sắm hàng xa xỉ của người tiêu dùng trong thời gian này sẽ là một hiện tượng từ ngắn hạn đến trung hạn.”
Bà Thôi cũng nhận định, với việc Trung Quốc tiếp tục nới lỏng chính sách phòng chống dịch COVID-19, việc mua sắm hàng xa xỉ cũng sẽ trở về trạng thái bình thường, người tiêu dùng có thể chờ đợi cơ hội để chọn mua sản phẩm "ngon - bổ - rẻ" tại các thành phố miễn thuế trong nước. Ngoài ra, dịch bệnh cũng ít tác động đến thói quen tiêu dùng của nhóm người giàu nói chung, và kết quả kinh doanh của các thương hiệu xa xỉ đã thể hiện xu hướng ổn định và tích cực.
Người xếp hàng bên ngoài cửa hàng Louis Vuitton rất đông. Ảnh: Sina
Xếp hàng rất dài nhưng không dễ mua được hàng
Trung tâm mua sắm SKP ở Bắc Kinh là nơi tập trung những nhãn hàng xa xỉ bậc nhất thế giới như Louis Vuitton, Chanel, Hermes, Gucci, Dior... Một người tiêu dùng nói với phóng viên Tuần báo Thời đại rằng, vào mùng 3 Tết, cô đã phải xếp hàng gần một tiếng đồng hồ mới vào được cửa hàng LV. Cô nghe nói LV sẽ tăng giá vào tháng 2 nên định mua một chiếc túi trước khi tăng giá, nhưng những kiểu túi cô muốn mua đều đã hết, cô cảm thấy rất tiếc vì phải xếp hàng nhưng vẫn không mua được hàng.
Tình huống mà khách hàng trên gặp phải không phải là trường hợp cá biệt. Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cư dân mạng Trung Quốc đã đăng lên các nền tảng mạng xã hội cảnh xếp hàng tại các cửa hàng sang trọng như Taikoo Hui (Quảng Châu), SKP (Bắc Kinh), ITC (Thượng Hải), IFS (Thành Đô) … khiến nhiều cửa hàng phải hạn chế số lượng khách hàng vào cửa hàng trong một thời điểm.
Trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu, Xiao Ke - một khách hàng giàu có sống ở Bắc Kinh - phàn nàn: "Không dễ để mua một chiếc túi LV trong dịp Tết Nguyên đán. Đầu tiên, tôi đến trung tâm thương mại Guomao, có khá nhiều khách hàng ở đó; tôi hỏi nhân viên tư vấn thì được biết đã hết các mẫu phổ thông. Thế là tôi qua SKP xem thử, thấy người xếp hàng trước cửa hàng LV và Chanel còn đông hơn.”
Ngày 28/1, một số nhân viên tư vấn khách hàng và nhân viên kinh doanh của LV nói với phóng viên Tuần báo Thời đại rằng, lượng người xếp hàng bên ngoài các cửa hàng những ngày trước và trong Tết Nguyên đán đông hơn bình thường, nhưng lượng người xếp hàng trong những ngày sau Tết Nguyên đán thì ít hơn. Hầu hết các thiết kế phổ biến đã được bán hết và vẫn đang được bổ sung thêm hàng.
Theo Tuần báo Thời đại, không chỉ ở Bắc Kinh mà nhiều nơi khác tại Trung Quốc, nhu tiêu dùng hàng xa xỉ cũng đang bùng nổ.
Với những điều chỉnh chính sách phòng chống dịch COVID-19 và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, doanh số bán hàng miễn thuế ở Hải Nam đã đạt 1,685 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 250 triệu USD) chỉ sau 5 ngày.
Tại Thiên Tân, hoạt động tiêu thụ hàng xa xỉ cũng rất nhộn nhịp. Theo Văn phòng Thương mại Thành phố Thiên Tân, mức tiêu thụ hàng xa xỉ trong 7 ngày của bốn doanh nghiệp trọng điểm tại đây đã vượt quá 100 triệu Nhân dân tệ (14,8 triệu USD), tăng 55,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo dữ liệu của Hiệp hội các nhà bán lẻ Thành Đô, từ ngày 21 đến 27/1, lượng khách hàng của 30 doanh nghiệp thương mại và bán lẻ trọng điểm ở Thành Đô đạt 12,4651 triệu lượt người, tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu hàng hóa là 1,174 tỷ Nhân dân tệ (173,8 triệu USD), tăng 5,92% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc vẫn là thị trường hàng tiêu dùng cao cấp lớn nhất thế giới. Ảnh: Sohu
Sức mạnh tiêu thụ của Trung Quốc
Công ty tư vấn Bain and Company mới đây dự đoán rằng, thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi trong nửa đầu đến nửa cuối năm 2023, và giá trị của ngành hàng xa xỉ cá nhân trong năm 2023 sẽ tăng từ 3% đến 5%; tính theo tỷ giá hối đoái cố định, nó nằm trong khoảng từ 6% đến 8%, và sẽ đóng góp 40% doanh số bán hàng của thị trường hàng xa xỉ toàn cầu trong năm nay. Bain and Company ước tính rằng, doanh số bán hàng xa xỉ toàn cầu có thể tăng từ 3% đến 8% trong năm 2023.
Altagamma - Hiệp hội ngành sản xuất hàng xa xỉ của Ý - cho biết, về lâu dài, Trung Quốc vẫn là thị trường hàng tiêu dùng cao cấp lớn nhất thế giới, được dẫn dắt bởi tầng lớp trung lưu và một nhóm người tiêu dùng thế hệ mới.
"Báo cáo chuyên sâu năm 2022 về người tiêu dùng có giá trị ròng cao của Trung Quốc" do Viện nghiên cứu Yaoke công bố vào tháng 5/2022 đã chỉ ra rằng, người tiêu dùng có giá trị ròng cao của Trung Quốc là những người có tài sản ròng 10 triệu Nhân dân tệ (1,48 triệu USD). Hiện tại, số người tiêu dùng có giá trị ròng cao của Trung Quốc lên tới 4,7 triệu người, trong đó khoảng 150.000 người có tài sản ròng vượt quá 100 triệu Nhân dân tệ (14,8 triệu USD), được gọi là người tiêu dùng siêu giàu.
Báo cáo này cho thấy, người tiêu dùng có giá trị ròng cao của Trung Quốc đã đóng góp hơn một nửa sức tiêu thụ của thị trường nước này trong nhiều lĩnh vực tiêu dùng hoặc tiêu dùng cao cấp, chẳng hạn như du lịch nước ngoài, hàng xa xỉ, du học cho trẻ em, nhà ở cao cấp… đặc biệt là tiêu dùng xa xỉ. Mặc dù những người này chỉ chiếm 3/1000 dân số Trung Quốc nhưng lại đóng góp tới 80% tiêu dùng xa xỉ.
Với sự phát triển của thị trường tiêu dùng xa xỉ ở Trung Quốc, vào năm 2022, các nhãn hàng cao cấp hàng đầu thế giới không chỉ mở cửa hàng tại các thành phố cấp một của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến… mà sẽ dần có mặt ở các thành phố cấp hai.
Tháng 9/2022, cửa hàng đầu tiên của PRADA BEAUTY đã đổ bộ Nam Kinh. Tháng 11, THE HALL - nhà hàng đầu tiên của Louis Vuitton tại Trung Quốc đã khai trương tại Thành Đô, và đây cũng là nhà hàng thứ ba của LV trên toàn thế giới. Tháng 12, thương hiệu trang sức cao cấp của Pháp Van Cleef & Arpels đã khai trương các cửa hàng đầu tiên tại Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) và Hợp Phì (tỉnh An Huy).